Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng và Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmstrom ký Tuyên bố về việc chính thức kết thúc đàm phán EVFTA. (Nguồn: AFP)
Trưa 3/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu Việt Nam đã về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm và làm việc tại châu Âu.
Một trong những dấu ấn đặc biệt của chuyến thăm, làm việc tại EU lần này của Thủ tướng là hai bên đã ký Tuyên bố chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), mở ra kỷ nguyên mới trong hợp tác giữa hai bên.
Chung tay cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu
Trong thời gian 2 ngày (từ 30/11-1/12) tại Thủ đô Paris của Cộng hòa Pháp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cùng với 150 nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ các quốc gia và lãnh đạo các tổ chức quốc tế tham dự Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP 21) - một hội nghị có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bàn thảo về vấn đề “nóng bỏng” đối với toàn cầu.
Là người đứng đầu Chính phủ của một quốc gia mà theo các dự báo là dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị COP 21, trong đó nhấn mạnh những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đến sự phát triển bền vững ở Việt Nam cũng như trên thế giới, khẳng định cam kết chính trị mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam đã đang và tiếp tục chủ động, có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế chung tay nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu bằng những hành động cụ thể cả ở tầm quốc gia và quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi nội dung Thỏa thuận cần bảo đảm sự đóng góp công bằng giữa các quốc gia và có sự cân bằng trong các nội dung về giảm nhẹ, thích ứng, tài chính, phát triển và chuyển giao công nghệ ...
Các nước phát triển cần đi đầu trong thực hiện cam kết của mình, đồng thời hỗ trợ và tăng cường năng lực cho các nước đang phát triển để cùng nhau thực hiện thành công thỏa thuận này.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, đối với giai đoạn sau năm 2020, mặc dù là một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn, chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam vẫn cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế. Việt Nam sẽ xem xét định kỳ, điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế.
Bên lề Hội nghị COP 21, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng với Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte và Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Laura Tusk đã đồng chủ trì phiên Đối thoại cấp cao "Việt Nam chung tay cùng các đối tác quốc tế ứng phó với các thách thức của biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long”.
Kết thúc phiên Đối thoại, các bên đã ra Tuyên bố chung giữa Việt Nam, Hà Lan và Ngân hàng Thế giới về việc ủng hộ và kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay hỗ trợ Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Cũng trong thời gian tại Paris, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Pháp Manuel Valls; hội kiến với Chủ tịch Thượng viện Pháp Gerard Larcher; Chủ tịch Quốc hội (Hạ viện) Claude Bartelone; Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp Pierre Laurent...
Tại hội đàm và các cuộc Hội kiến, hai bên đánh giá quan hệ Việt Nam-Pháp thời gian qua có những bước phát triển tích cực; nhất trí cho rằng hai nước cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ các nội hàm của quan hệ Đối tác chiến lược và đã thống nhất nhiều biện pháp cụ thể để thúc đẩy hợp tác Việt-Pháp trong thời gian tới; đồng thời hai bên đã trao đổi sâu rộng về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng có các cuộc tiếp xúc song phương với các nhà lãnh đạo của 24 quốc gia gồm Anh, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Brazil, Hà Lan, Áo, Na Uy, Phần Lan, Chile, Iran, Cuba, Thái Lan, Campuchia, Philippines, Ukraine, Slovenia, Algeria, Bulgaria, Italy, Panama, New Zealand và Latvia; hội kiến với Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova…
Đưa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam-Bỉ đi vào chiều sâu, hiệu quả
Trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc tại Vương quốc Bỉ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã hội đàm với Thủ tướng Bỉ Charles Michel, hội kiến với Chủ tịch Hạ viện Bỉ Siegfried Bracke và Chủ tịch Thượng viện Bỉ Christine Defraigne.
Tại hội đàm, hội kiến giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo Bỉ, hai bên nhất trí đánh giá quan hệ Việt Nam-Bỉ đang phát triển tốt đẹp; đặc biệt hai bên vừa tổ chức thành công kỳ họp lần thứ ba của Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế Việt Nam-Bỉ và nhiều chương trình hợp tác song phương.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo Bỉ đã thảo luận, thống nhất nhiều biện pháp tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới, nhất là hợp tác về chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ,…
Để tăng cường hơn nữa trao đổi thương mại và đầu tư Việt Nam-Bỉ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Charles Michel nhất trí đẩy nhanh xác định và thúc đẩy thực hiện tốt các dự án trong các lĩnh vực dịch vụ hậu cần, giao thông vận tải, tăng trưởng xanh, không gian vũ trụ cũng như tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu của mỗi nước.
Hai Thủ tướng cũng nhất trí phối hợp tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và EU, thúc đẩy EU hoàn tất phê chuẩn PCA, sớm ký chính thức EVFTA và nhanh chóng triển khai hiệu quả các thỏa thuận này.
Đồng thời, trên tinh thần tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Charles Michel đã trao đổi sâu rộng về tình hình quốc tế và khu vực, thông báo và chia sẻ cho nhau về diễn biến tại Biển Đông và cuộc chiến chống khủng bố.
Thủ tướng Charles Michel khẳng định Bỉ ủng hộ tranh chấp ở Biển Đông cần phải giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, công ước của Liên hợp quốc về luật Biển năm 1982 (UNCLOS), hướng tới thỏa thuận chính trị và quy tắc ứng xử chung ràng buộc giữa các bên.
Hai Thủ tướng nhất trí hai nước sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại Liên hợp quốc, ASEAN, ASEM, Tổ chức Pháp ngữ (Francophonie)…
Kỷ nguyên mới trong quan hệ Việt Nam-EU
Tại Trụ sở của Liên minh châu Âu ở Thủ đô Brussels, Thủ tướng hội đã đàm với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean Claude Juncker, hội kiến Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo EU đã trao đổi, thống nhất nhiều biện pháp tăng cường hợp tác giữa hai bên trên các lĩnh vực, nhất là hợp tác chính trị, kinh tế, khoa học công nghệ, năng lượng, biến đổi khí hậu... Bên cạnh các vấn đề song phương, Thủ tướng Chính phủ và các nhà lãnh đạo EU cũng trao đổi về một số vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm và hợp tác giữa hai bên trong các khuôn khổ đa phương.
Điều đặc biệt trong chuyến thăm làm việc tại EU lần này của Thủ tướng là hai bên đã ký Tuyên bố chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Đây là một bước tiến vô cùng quan trọng trong việc tăng cường quan hệ giữa Việt Nam-EU và là một dấu ấn đặc biệt kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và EU.
Phát biểu trước báo giới quốc tế và Việt Nam tại cuộc họp báo chung, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean Claude Juncker nhấn mạnh EVFTA là một Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có tiêu chuẩn cao, toàn diện và cân bằng, hứa hẹn sẽ mở rộng thị trường cho trao đổi thương mại, đặc biệt là các sản phẩm, dịch vụ hai bên có thế mạnh bổ sung cho nhau; tạo ra môi trường bình đẳng, thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp.
“Việc ký tuyên bố chung kết thúc chính thức đàm phán EVFTA có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện quyết tâm cao của cả hai bên và sẽ mở ra nhiều cơ hội, triển vọng, hứa hẹn đạt nhiều kết quả mới trong quan hệ hợp tác giữa EU và Việt Nam” - Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker phát biểu.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh cùng với các hiệp định FTA khác mà Việt Nam đã ký kết trước đó, EVFTA sẽ mở ra không gian thương mại rộng lớn giữa Việt Nam với 55 đối tác, trong đó có tất cả các nước G7 và 15 nước G20. Việt Nam sẵn sàng đóng vai trò cầu nối để các doanh nghiệp EU thâm nhập sâu vào thị trường ASEAN và châu Á-Thái Bình Dương rộng lớn và nhiều tiềm năng. Thủ tướng cũng đề nghị hai bên cần tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn, các cơ chế tham vấn; hoàn tất phê chuẩn Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác (PCA) vào đầu 2016 và thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực Việt Nam ưu tiên và EU có thế mạnh như thông tin-truyền thông, khoa học-công nghệ, y tế, môi trường, tài chính, biến đổi khí hậu....
Nhân dịp chuyến thăm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker đã ra Tuyên bố báo chí chung về quan hệ Việt Nam-EU.
Đây là lần đầu tiên Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Chủ tịch Ủy ban châu Âu cùng ra tuyên bố chung với Lãnh đạo Việt Nam. Trong Tuyên bố báo chí chung, lãnh đạo hai bên bày tỏ hài lòng trước sự phát triển ấn tượng của quan hệ song phương, đặc biệt là việc kết thúc toàn bộ đàm phán EVFTA; nhất trí tiếp tục thúc đẩy để EU hoàn tất phê chuẩn PCA, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên như y tế, giáo dục-đào tạo, cơ sở hạ tầng năng lượng, môi trường, tăng trưởng xanh...
Lãnh đạo hai bên cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc duy trì an ninh hàng hải, tự do hàng không trên Biển Đông, ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về luật Biển 1982 (UNCLOS), không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tự kiềm chế, không làm gì gây phức tạp và căng thẳng thêm tình hình; đẩy mạnh việc thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin, giảm căng thẳng, ngăn ngừa xung đột, đặc biệt các bên cùng cam kết không theo đuổi, không có hành động quân sự hóa ở Biển Đông; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)./.
Theo Vietnam+