Logo
phone
Hotline: 02437327155
Mô hình xử lý rác khép kín: Giải quyết bài toán môi trường và hiệu quả đầu tư
  17/08/2015
icon-zalo

 

Hiện nay, ô nhiễm môi trường do rác thải, đặc biệt rác thải sinh hoạt, tại các đô thị lớn đã đến mức báo động, làm đau đầu các nhà quản lý. Thế nhưng ở Bình Dương, vấn đề này được Cty TNHH MTV Cấp thoát nước và Môi trường Bình Dương (Biwase) xử lý hiệu quả.

 

Với mô hình xứ lý rác khép kín bằng nhiều công nghệ khác nhau đã biến “những thứ bỏ đi” thành sản phẩm có ích như phân compos, gạch tự chèn, khí ga, điện….

 

Nhiều công nghệ xử lý rác

 

Sau hơn 10 năm hoạt động, mô hình liên hợp xử lý chất thải rắn Bình Dương đã chứng minh được hiệu quả trong quá trình đầu tư xử lý rác, giải quyết ô nhiễm môi trường, hạn chế chôn lấp, tận thu, tái chế tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường.

 


 

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh đã tới thăm khu xử lý chất thải rắn Bình Dương và sản phẩm gạch Terazo làm từ xỉ tro lò đốt hồi tháng 6/2015.

 

Khu xử lý chất thải rắn Bình Dương tiếp nhận và xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, rác thải ý tế bằng những dây chuyền thiết bị công nghệ hiện đại và đồng bộ, khu vựa tiếp nhận rác sinh hoạt khoảng 1.000 tấn/ngày, 250 tấn/ngày chất thải công nghiệp phát sinh trên địa bàn tỉnh Bình Dương và một số tỉnh lân cận trong phạm vi hoạt động.

 

Chất thải sinh hoạt được xử lý theo phương pháp tái chế thành phân compost với công suất 420 tấn/ngày, phần còn lại được xử lý theo phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh. Chất thải công nghiệp thông thường và công nghiệp nguy hại được xử lý theo các phương pháp xử lý bằng hóa lý, tiêu hủy bằng phương pháp đốt với tổng công suất đốt 250 tấn/ngày. Chất thải y tế được xử lý theo phương pháp thiêu đốt tại 2 lò đốt rác y tế chuyên dùng, tổng công suất 100 kg/h.

 


 

Bùn thải từ nhà máy cấp nước được Biwase thu gom phối trộn với đất sét sản xuất gạch Tuynel. 

 

Bên cạnh đó, rác thải xử lý theo phương pháp chôn lấp được Cty che đậy kín nhằm thu khí gas trong quá trình phân hủy để vận hành máy phát điện 500KVA, vận hành lò đốt cũng như sử dụng cho nung gạch ở lò tuynel. Tro xỉ, tro bay phát sinh từ lò đốt được xử lý, sau đó được phối trộn với xi măng, đá mi sản xuất ra gạch tự chèn với công suất 1.000m2/ngày. Ngoài ra, bùn thải từ nhà máy cấp nước cũng được Biwase tận dụng phối hợp với đất sét theo tỷ lệ nhất định để sản xuất gạch tuynel với công suất 120.000 viên/ngày. Nước rỉ rác từ bãi rác cũng được xử lý triệt để đạt tiêu chuẩn loại A QCVN 40 : 2011/BTNMT được tái sử dụng cho việc rửa xe, giải nhiệt cho lò đốt…

 

Làm nguyên liệu cho xây dựng và nông nghiệp

 

Mô hình xử lý rác khép kín của Biwase vừa hạn chế phát thải ra môi trường, vừa tận dụng tái chế làm nguyên nguyên liệu sản xuất gạch cho ngành vật liệu xây dựng và phân bón cho ngành nông nghiệp. Đánh giá về mô hình xử lý rác khép kín ở Bình Dương, ông Nguyễn Hồng Tiến - Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật - Bộ Xây dựng cho biết: Khu liên hợp xử lý chất thải Bình Dương đã ứng dụng nhiều công nghệ xử lý rác khác nhau nhưng trong một hệ thống quản lý thống nhất, đồng bộ như: Công nghệ chôn lấp, công nghệ xử lý thành phân compos, công nghệ đốt rác kể cả rác nguy hại… Xử lý rác thì có trạm xử lý nước rỉ rác rất tốt, sản phẩm sau tái chế lại trở thành nguyên liệu đầu vào cho sản phẩm khác.

 


 

Hố chôn rác được phủ kín bạt để tận thu khí ga phục vụ cho máy phát điện và lò đốt.

 

Bên cạnh đó, ông Tiến lưu ý, các sản phẩm tái sử dụng phải đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường và tăng cường công tác giám sát kiểm tra thường xuyên. Nhằm đảm bảo quá trình xử lý rác, tái sử dụng theo đúng quy trình kỹ thuật và quy định để sản phẩm đầu ra có chất lượng theo quy định chỉ tiêu về môi trường.

 


 

Hệ thống máy phát điện 500KVA từ việc thu khí ga phát sinh trong rác thải.

 

Sống gần khu xử lý rác, ông Phạm Văn Giống cho biết: “Thời gian đầu khi nghe tin sẽ có khu xử lý rác tại địa phương, người dân ở đây ai cũng tỏ ra lo lắng. Tuy nhiên, sau 10 năm hoạt động, khu xử lý rác thực hiện việc xử lý rất nghiêm túc, không ảnh hưởng đến dân cư lân cận. Nhân viên khu xử lý rác luôn luôn thân thiện, biết tiếp thu ý kiến góp ý của người dân, nhiệt tình tham gia các phong trào của địa phương. Hiện tại, người dân nơi đây xem khu xử lý rác như một Cty hoạt động bình thường, góp phần tạo công ăn việc làm cho địa phương”.

 

Ông Phạm Thanh Hùng - Giám đốc Xí nghiệp Xử lý chất thải rắn Bình Dương cho biết: “Nhờ ứng dụng đồng bộ các công nghệ trong xử lý rác và tái sử dụng chất thải mà tỷ lệ rác công nghiệp phải chôn lấp gần như không có, chỉ dưới 1%. Rác thải sinh hoạt ứng dụng công nghệ của Phần Lan để làm phân, còn lại chôn lấp hợp vệ sinh để tận thu khí ga sản xuất điện, đốt lò… Do chất thải được xử lý trong quy trình khép kín, đảm bảo yếu tố xử lý triệt để và tận thu tối đa những sản phẩm tái chế, góp phần tiết kiệm quỹ đất chôn lấp, hạn chế phát tán mùi hôi và có thể giúp doanh nghiệp bền vững về tài chính để tiếp tục đầu tư mở rộng, nâng công suất xử lý, giải quyết kịp thời vấn đề rác thải, tạo môi trường hấp dẫn cho nhà đầu tư”

 

Nguồn baoxaydung

 

 

Đối tác
bô kế hoạch
bộ tài chính
bộ khcn
bộ y tế
bộ nông nghiệp
bộ gtvt
bo xd
bo cong thuong
bộ tnmt