Ngày 24/11, tại Hòa Bình, Ủy ban bảo vệ môi trường lực vực sông Nhuệ - sông Đáy (UBBVMTLVS) đã tổ chức kỳ họp thứ 7 nhằm đánh giá kết quả triển khai Đề án tổng thể bảo vệ môi trường năm 2015 và giai đoạn 2011 – 2015.
Tới dự và chủ trì hội nghị có ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, Chủ tịch UBBVMTLVS Nhuệ - Đáy; ông Nguyễn Linh Ngọc - Thứ trưởng Bộ TN&MT; ông Nguyễn Văn Tài - Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cùng đại diện lãnh đạo 5 tỉnh, thành phố trực thuộc lưu vực sông và các đại biểu liên quan là Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Hòa Bình.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Văn Quang cho rằng: Trong giai đoạn 2011 – 2015, UBBVMTLVS Nhuệ - Đáy đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các tỉnh trong lưu vực sông đã phối hợp triển khai các vấn đề môi trường một cách đồng bộ bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác BVMT của các cấp chính quyền từ Trung ương tới địa phương và cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, việc BVMT trên tòan lưu vực sông vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Theo báo cáo tình hình thực hiện Đề án các mục tiêu cụ thể giai đoạn 2011 – 2015 tại Quyết định số 57/2008/QĐ – TTg, UBBVMTLVS Nhuệ - Đáy đã triển khai nhiều mục tiêu, đặc biệt là xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên lưu vực theo Quyết định 64/2003/QĐ – TTg. Hiện trên toàn lưu vực có 43 cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đến nay đã tiến hành xử lý được 39 cơ sở, đạt 90,6%. Tuy nhiên theo thống kê chưa đầy đủ, trên lưu vực có 50 cơ sở mới phát sinh và mới chỉ xử lý được 10 cơ sở, đạt 20%.
Mục tiêu phòng chống tình trạng suy thoái nguồn nước được thực hiện thông qua các hoạt động bảo vệ môi trường, đã được thực hiện tích cực trong thời gian qua. Điều này thể hiện chất lượng nước sông Nhuệ Đáy được duy trì và đã có những cải thiện bước đầu. Việc khắc phục ô nhiễm tại một số khu vực ô nhiễm nặng, hiện cũng đã bước đầu triển khai: nạo vét lòng sông, triển khai các bè thủy sinh tại Hà Nội, tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều đoạn sông ô nhiễm nặng.
Công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, hệ sinh thái rừng hiện có 3 tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học và 2 tỉnh đang triển khai xây dựng. Công tác phân cấp quản lý cho tỉnh và huyện tại các địa phương hiện vẫn đang được triển khai.
Trong giai đoạn 2011 – 2015, các tỉnh thành phố đã ban hành nhiều chính sách, quy định về tiết kiệm và sử dụng hợp lý tài nguyên nước. Trong giai đoạn này, hiện đã có 2 tỉnh, thành phố lập xong quy hoạch tài nguyên nước trên địa bàn. Các địa phương tích cực tổ chức nghiên cứu, đánh giá và đưa ra các giải pháp để quản lý tài nguyên nước. Thủ đô Hà Nội đã tiến hành điều tra nghiên cứu và đánh giá tác động môi trường của các công trình ngầm, các nhà cao tầng gây ảnh hưởng đến tài nguyên nước dưới đất. UBND tỉnh Hà Nam cũng đã chỉ đạo phân bổ công bằng nguồn nước mặt cho các huyện và các đối tượng khai thác, sử dụng nước...
Công tác xử lý nước thải đô thị đề ra mục tiêu 90% các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường. Các địa phương đều mới bắt đầu triển khai xây dựng, vận hành. Hà Nội là địa phương đi đầu, tuy nhiên tỷ lệ thu gom, xử lý nước thải đô thị vẫn chưa đạt đựơc con số 60%. Trên toàn lưu vực, việc xây dựng hệ thống xử lý nứơc thải tập trung tại các khu công nghiệp, khu chế xuất mới đạt 65%. Như vậy, theo đánh giá mục tiêu này các tỉnh, thành vẫn chưa hoàn thành mục tiêu đề ra.
Trên toàn lưu vực đã đẩy mạnh xã hội hoá toàn diện công tác bảo vệ môi trường. Các tỉnh phấn đấu tỷ trọng xã hội hoá đạt: 30% trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên lưu vực; 5% cung cấp nước sạch cho người dân đô thị; 10% xử lý nước thải sinh hoạt. Hiện tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên việc xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên lưu vực vẫn chưa được nhân rộng, mới chỉ dừng lại ở các đô thị lớn như Hà Nội, Phủ Lý. Tỷ lệ thu gom, xử lý nước thải sinh họat còn thấp, hiện nay các địa phương vẫn đang trong giai đoạn xây dựng và kêu gọi đầu tư. Tới nay tỷ lệ xử lý nước thải sinh hoạt chưa đạt 10% trên toàn lưu vực.
Theo đánh giá của nhiều đại biểu tại hội nghị, trong giai đoạn 2011 – 2015, môi trường nước sông trên lưu vực đã được duy trì, từng bước được kiểm soát. Chỉ số chất lượng nước sông tại các điểm quan trắc có diễn biến tương đồng qua các năm. Hệ thống cơ chế, chính sách trong công tác BVMT LVS Nhuệ Đáy đã được bổ sung và hoàn thiện từ Trung ương và địa phương. Các nhiệm vụ và dự án đã được bổ sung và đã mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác quản lý và xử lý các vấn đề ô nhiễm trên lưu vực. Các nguồn nước thải từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, KCN đã được thống kê sơ bộ và bước đầu được kiểm soát.
Phát biểu nhận định về những kết quả của kết quả triển khai đề án BVMT LVS Nhuệ - Đáy, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc cho rằng: Theo báo cáo Đề án giai đoạn 2011-2015, có thể thấy rằng nhiều mục tiêu còn chưa đạt được. Trong quá trình triển khai Đề án, các tỉnh còn gặp không ít khó khăn, hạn chế, đặc biệt là trong việc huy động nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ, dự án khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng nước các dòng sông. Điều đó cho thấy, để đạt được các mục tiêu của Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, cần tiếp tục có sự phối hợp chỉ đạo quyết liệt hơn nữa của các Bộ, ngành có liên quan và đặc biệt là sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành phố trên lưu vực.
Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã được lắng nghe báo cáo tổng thể Đề án BVMT LVS Nhuệ - Đáy tại các địa phương như Hà Nội, Hà Nam, Nam Định. Đồng thời các đại biểu đã trao đổi, thảo luận nhằm nhìn nhận những khó khăn đang gặp phải, từ đó đưa ra những kiến nghị, giải pháp để từng bước kiểm soát môi trường nước lưu vực sông.
Theo Nguyễn Cường/monre