Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa công bố nghiên cứu cho thấy hơn 80% lượng carbon, tương đương 2,5 tỷ tấn CO2, tăng lên trong bầu khí quyển hiện nay - mức cao nhất tính trong vòng 2000 năm trở lại đây.
Vào năm 2015-2016, vệ tinh giám sát Orbiting Carbon Observatory-2 (OCO-2) của NASA đã ghi nhận nồng độ CO2 trong khí quyển cao kỷ lục, tăng gấp 50% so với dự báo trước đó.
Nhưng đó chưa phải tin xấu nhất, NASA vừa công bố nghiên cứu cho thấy, hơn 80% lượng carbon, tương đương 2,5 tỷ tấn CO2 tăng lên trong bầu khí quyển hiện nay do hậu quả từ hạn hán và tình trạng nhiệt độ cao tại Nam Mỹ, Châu Phi và Indonesia. Đây cũng là lượng CO2 trong khí quyển cao nhất tính trong vòng 2000 năm trở lại đây.
Cụ thể, tình trạng gia tăng CO2 có nguyên nhân phần lớn từ hiện tượng El Nino. Dù đã bị nghi ngờ từ khá lâu nhưng các nhà khoa học không thể xác định cụ thể chính xác cơ chế nào đã dẫn đến sự gia tăng lượng khí CO2.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy, nhiều vùng đất trên thế giới đóng góp phần lớn vào lượng CO2 khổng lồ hiện nay. Tổng lượng CO2 phát thải vào bầu khí quyển từ mọi vùng đất đã tăng khoảng 3 tỷ tấn trong năm 2015. Khoảng 80%, tương đường 2,5 tỷ tấn xuất phát từ Châu Phi, Châu Mỹ và Indonesia.
"Kết quả của nhóm nghiên cứu cho thấy, nếu khí hậu trong tương lai vẫn chủ đạo là hạn hán kéo dài, và do El Nino, lượng CO2 cao vẫn sẽ tiếp tục tồn tại trong bầu khí quyển, làm phức tạp thêm hiện tượng Trái Đất nóng lên. Việc hiểu được các vùng nhiệt đới phản ứng như thế nào với hiện tượng Trái Đất nóng lên là vấn đề hết sức quan trọng. Chúng ta phải dự đoán sớm, Trái Đất sẽ phản ứng ra sao với biến đổi khí hậu".
Bình thường thì bức xạ mặt trời khi chiếu xuống Trái đất, một phần bức xạ hồng ngoại được hấp thu và làm ấm bề mặt Trái đất, phần lớn tia bức xạ hồng ngoại sẽ phản xạ trở lại vào khí quyển để làm mát bề mặt Trái đất.
Khi bầu khí quyển bị ô nhiễm bởi các hóa chất như CO2, MH4, NO2, SO2, HFCs, PFCs… (sinh ra do các hoạt động của con người, hoặc hoạt động phun trào của núi lửa, cháy rừng, công nghiệp hóa chất, phân bón, các hoạt động nông nghiệp, quá trình công nghiệp hóa…), lúc này những tia phản xạ của bức xạ mặt trời bị giữ lại ở bầu không khí ô nhiễm, làm cho quá trình phản xạ của bức xạ hồng ngoại ít hiệu quả và hậu quả là làm bề mặt Trái đất nóng lên, hiện tượng này gọi là hiệu ứng nhà kính.
Nếu không có các chất khí gây hiệu ứng nhà kính, Trái đất của chúng ta sẽ lạnh hơn hiện nay khoảng 33oC, tức là nhiệt độ trung bình Trái đất sẽ khoảng 18oC. Trái đất nóng lên và mực nước biển dâng cao, làm tan băng ở bắc cực… những tảng băng ở Bắc cực nhỏ dần là những hiện tượng biến đổi của thiên nhiên do hiệu ứng nhà kính.
Một trong những chất khí có vai trò quan trọng với hiện tượng Trái đất nóng lên là khí CO2 sinh ra trong các hoạt động công, nông nghiệp và dịch vụ. Có tới 70% tổng lượng CO2 phát thải ra môi trường xung quanh là do các nước giàu phát thải.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Environmental Research Letters của Thụy Điển, có 4 biện pháp rất hiệu quả mà mọi người dân trên thế giới có thể áp dụng để giảm lượng khí thải CO2 và chống lại tình trạng trái đất nóng lên.
Đó là áp dụng chế độ ăn nhiều rau quả, tránh đi lại bằng máy bay, hạn chế sử dụng ôtô cá nhân và thực hiện "kế hoạch hóa" gia đình.
Nghiên cứu cho thấy việc hạn chế sử dụng ôtô cá nhân có thể giúp giảm khoảng 2,4 tấn CO2 mỗi năm, trong khi chế độ ăn uống nhiều rau quả có thể giúp giảm 0,8 tấn khí thải này.
Cũng như vậy, không đi lại bằng máy bay có thể làm giảm khoảng 1,6 tấn CO2 trong mỗi chuyến đi và sinh đẻ ít con, một biện pháp được coi là hiệu quả nhất để đối phó với tình trạng trái đất nóng lên, có thể giúp giảm trung bình 58,6 tấn CO2/năm.
Theo MTX