Logo
phone
Hotline: 02437327155
Lĩnh vực môi trường: Bước vào dấu mốc mới của hội nhập
  13/10/2015
icon-zalo

 

 

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác “Vì Môi trường Việt Nam xanh”

 

 Với việc hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam có nhiều cơ hội mở rộng tiềm năng hợp tác và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác. Cùng với đó, chúng ta bước vào một “dấu mốc mới” với yêu cầu hội nhập quốc tế càng cao, trong đó, các ngành kinh tế - xã hội cần phát huy hơn nữa vị thế mới của một đối tác tích cực tham gia trong các hoạt động hợp tác quốc tế. Và, lĩnh vực môi trường cũng không nằm ngoài xu thế đó.

 

* Chuyển động không ngừng

 

Theo TS Đỗ Nam Thắng - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế,  Bộ Tài nguyên và Môi trường, hình thành và phát triển mạnh mẽ trong hơn 20 năm qua, hợp tác quốc tế về môi trường đã đóng góp tích cực cho thành công chung của các hoạt động bảo vệ môi trường ở Việt Nam.

 

Những năm 1990, hợp tác quốc tế về môi trường chỉ chủ yếu qua các dự án hợp tác song phương với Thụy Điển, Canada với nội dung tập trung vào nâng cao năng lực xây dựng thể chế và hình thức là tiếp nhận viện trợ.

 

Thế nhưng, cùng với sự chuyển động không ngừng của lĩnh vực môi trường, qua mỗi giai đoạn hợp tác quốc tế về môi trường được điều chỉnh. Đến nay, hợp tác đã được mở rộng thông qua nhiều đối tác song phương như: Đan Mạch, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Trung Quốc và các tổ chức quốc tế đa phương như: Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, Quỹ Môi trường toàn cầu, Ngân hàng thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á, ASEAN).

 

Trong giai đoạn 2011-2015, Việt Nam đã thu hút hơn 30 dự án quốc tế chuyên về môi trường với tổng kinh phí lên tới 755 triệu USD, hỗ trợ không chỉ ở cấp trung ương mà còn ở nhiều địa phương.

 

Giai đoạn 2011-2015 cũng là giai đoạn có bước tiến đáng kể trong việc huy động vốn hỗ trợ, vốn vay của các quốc gia, tổ chức quốc tế cho công tác bảo vệ môi trường ở Việt Nam. Các nguồn vốn huy động được đã đóng góp một phần quan trọng cho đầu tư các công trình xử lý môi trường tập trung ở các địa phương (bãi chôn lấp chất thải rắn tập trung, trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, lò đốt chất thải y tế,...). Trong giai đoạn 2009-2015 nguồn vốn ODA dành cho các dự án có liên quan đến môi trường đạt khoảng 3.739 triệu USD; trong đó vốn vay là 3.514 triệu USD, viện trợ không hoàn lại là 225 triệu USD.

 

Sự chuyển động của hợp tác quốc tế về môi trường cũng khiến nội dung hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu, bao chùm hầu hết các lĩnh vực quản lý môi trường như: đánh giá tác động môi trường, kiểm soát ô nhiễm, xử lý ô nhiễm hóa chất tồn lưu, bảo tồn đa dạng sinh học.

 

Bước chuyển mới

 

 “Suy giảm đa dạng sinh học, sự đe dọa của ô nhiễm hóa chất và chất thải với hệ sinh thái và sức khỏe con người, mất rừng và suy thoái đất, tài nguyên nước xuyên biên giới, biến đổi khí hậu... là những vấn đề nóng Việt Nam đang đối mặt và nhận được sự quan tâm lớn của các đối tác quốc tế. Việc chúng ta đối phó như thế nào với các thách thức trên có tiềm năng trở thành những chủ đề trọng tâm cho các dự án nghiên cứu điển hình cho thế giới giai đoạn 2016 - 2020”, TS.Đỗ Nam Thắng cho biết.

 

Nếu như trước đây Việt Nam chủ yếu là nước nhận tài trợ và hỗ trợ thì trong giai đoạn 2016-2020 với yêu cầu hội nhập ngày càng cao, Việt Nam cần phát huy vị thế mới của một đối tác tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế. Trong giai đoạn mới này, các nội dung hợp tác không chỉ dừng lại ở mức nâng cao năng lực cơ bản mà đòi hỏi các vấn đề chuyên sâu hơn, có kết quả chính sách cụ thể hơn và cần huy động các nguồn đồng tài trợ lớn hơn trước đây.

 

TS.Thắng lấy ví dụ, trong lĩnh vực hóa chất và chất thải, ngoài các nội dung nâng cao năng lực quản lý, rà soát thể chế và chính sách, các yêu cầu của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) đối với các đề xuất dự án thời gian tới đòi hỏi những kết quả cụ thể trong việc loại bỏ các hóa chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và chất thải điện tử. Cùng với đó, các đề xuất dự án tìm kiếm tài trợ từ GEF cũng đòi hỏi cải tiến cách tiếp cận, có sự tham gia của khối tư nhân và có khả năng huy động đồng tài trợ ở mức khá cao là 1:6 (1 đô la từ GEF cần huy động 6 đô la từ các nguồn khác).

Cùng với đó, hạn chế đầu tư nguồn lực tài chính và nhân lực cho hợp tác quốc tế về môi trường cũng là thách thức đáng kể cho hợp tác quốc tế về môi trường trong giai đoạn  2016 – 2020.

Để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về môi trường trong giai đoạn tới, TS Đỗ Nam Thắng cho rằng, điều trước tiên là cần thay đổi tư duy về hợp tác quốc tế từ quan niệm thụ động tiếp nhận viện trợ sang chủ động hội nhập, sẵn sàng cùng tham gia, chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi; thay đổi quan niệm hợp tác quốc tế chỉ đơn thuần là giao dịch, lễ tân sang vai trò là đầu mối xây dựng và phát triển các quan hệ hợp tác có chiều sâu chuyên môn.

 

Ngoài ra, chúng ta cũng cần xây dựng chiến lược hợp tác quốc tế, tập trung vào những vấn đề vừa giải quyết nhu cầu trong nước vừa đóng góp giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu và khu vực, chú trọng những vấn đề mới mà Việt Nam có lợi thế.

 

Cùng với đó, cần tăng cường đầu tư tài lực và nhân lực cho hợp tác quốc tế về môi trường, đảm bảo kinh phí để tham gia đủ các hội nghị, hội thảo quốc tế về các công ước về môi trường, các khuôn khổ hợp tác trong khu vực; bố trí kinh phí để thực hiện các sáng kiến, các sự kiện do Việt Nam chủ trì; tăng cường đào tạo cho cán bộ hợp tác quốc tế; tiến tới cử đại diện Việt Nam tham gia các tổ chức quốc tế về môi trường.

 

Theo CTTĐT Bộ TN&MT

 

Đối tác
bô kế hoạch
bộ tài chính
bộ khcn
bộ y tế
bộ nông nghiệp
bộ gtvt
bo xd
bo cong thuong
bộ tnmt