Dù chính quyền và người dân đã áp dụng một số mô hình xử lý bụi gỗ nhưng giải pháp mang tình chất tình thế này vẫn chưa thể giải thoát cho làng nghề mộc Vân Hà (thuộc xã Vân Hà, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) .
Theo thống kê của UBND Xã Vân Hà, toàn xã có tổng số 2.400 hộ với hơn 11.600 nhân khẩu, trong số này có tới trên 60 dân số làm nghề mộc. Ngoài ra, mỗi năm tại làng nghề truyền thống này còn thu hút và tạo công ăn việc làm cho trên 1.000 lao động từ khác các nơi đổ về.
Tuy nhiên đi liền với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, vấn đề môi trường của làng nghề lại trở lên hết sức đáng báo động. Bà Nghiêm Thị Bình, chủ xưởng sản xuất chế biến gỗ thôn Thiết Bình, xã Vân Hà cho biết: Phần lớn các cơ sở sản xuất tại làng nghề đều phát triển theo hướng tự phát, nằm xen kẽ trong các khu dân cư đông đúc, thậm chí nhiều chủ cơ sở còn lấy luôn sân nhà làm xưởng chế biến gỗ thủ công. Quá trình để tạo lên một sản phẩm hoàn thiện bao gồm nhiều công đoạn, nhưng bụi ô nhiễm tập trung nhiều nhất là khâu chà gỗ, việc chà gỗ này khiến bụi bay mù mịt làm ngột ngạt bầu không khí. “Mặc dù, biết là khi chế biến bụi gỗ không chỉ gây ô nhiễm không khí mà còn ảnh hưởng đến nguồn nước, nhiều giếng nước trong làng đã chuyển màu và không thể dùng được ngay cả cho sinh hoạt thông thường. Thế nhưng, ở đây, 10 hộ có đến 9 hộ làm nghề nên người dân chỉ còn biết sống chung với ô nhiễm” – Bà Bình phân trần.
Dù đã dùng khẩu trang nhưng do lượng bụi quá lớn nên vẫn ảnh hưởng đến sức khỏe người làm nghề |
Anh Phạm Hồng Duy, một công nhân làm thuê chia sẻ: Người làm công ăn lương như chúng tôi là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do ô nhiễm, cho dù có dùng đồ bảo hộ, đeo băng khẩu cẩn thận, bụi vẫn bay vào được bên trong. Vì vậy, những người bị mặc các bệnh về đường hô hấp như: ho, ngạt mũi, khó thở... là thường xuyên. Ngoài bụi gỗ, ô nhiễm tiếng ồn cũng làm khổ người mỗi khi âm thanh chát chúa từ máy cưa, máy xẻ, máy bào... vang lên cả ngay lẫn đêm.
Ông Đào Trọng Khánh - Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hà cũng thừa nhận hậu quả từ ô nhiễm môi trường do sản xuất gỗ gây ra là rất lớn. Để giải quyết vấn đề này, địa phương đã kết hợp với các đợn vị của Sở TN&MT Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội... triển khai nhiều mô hình như: máy hút bụi gỗ, máy cưa phun bào nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy vậy, cho đến nay, tác dụng của các mô hình đó chưa phát huy hiểu quả do lượng chất thải, bụi từ sản xuất quá lớn khiến những dự án không đáp ứng kịp.
Ông Lê Ngọc Dụng – Phó Phòng TN&MT huyện Đông Anh cho biết: Để xử lý môi trường tại đây UBND huyện Đông Anh đã có quy hoạch các cụm công nghiệp làng nghề. Tuy vậy, do sự phát triển ồ ạt của các cơ sở sản xuất, cũng như nhận thức còn hạn chế của một bộ phận người dân nên vấn đề môi trường ở đây vẫn gặp nhiều khó khăn để xử lý. Làng nghề gỗ Vân Hà vẫn bế tắc trong xử lý bụi.
Bài & ảnh: Huy An
Theo báo TN&MT