Logo
phone
Hotline: 02437327155
Lan tỏa ý thức "tiêu dùng xanh"
  22/01/2024
icon-zalo

Lan tỏa ý thức "tiêu dùng xanh"

Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam đề ra mục tiêu đến năm 2025, sử dụng 100% bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại; phấn đấu 100% các khu du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, các khách sạn không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần. Thời gian qua, những nỗ lực chuẩn bị của các ngành, địa phương đã bước đầu cho thấy hiệu quả.

Siêu thị đồng lòng giảm túi ni lông

Nhằm chuẩn bị thực hiện đề án, từ năm 2022 đến nay, TP. Hà Nội đã tích cực triển khai nhiều chương trình, hoạt động cụ thể; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động doanh nghiệp sản xuất, phân phối cùng chung tay giảm phát sinh rác thải nhựa từ sản xuất đến tiêu dùng. Hiện nay, 100% các siêu thị, chợ, trung tâm thương mại đã ký cam kết giảm thiểu nhựa sử dụng một lần, thay thế túi ni lông khó phân hủy trong hoạt động kinh doanh.

Khách hàng đi siêu thị dùng túi đựng hàng có thể tái sử dụng nhiều lần

Hưởng ứng lời kêu gọi của Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường và Sở Công Thương Hà Nội, 16 đơn vị, doanh nghiệp vận hành 150 siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở bán lẻ trên địa bàn thành phố đã đăng ký tham gia "Liên minh bán lẻ giảm tiêu thụ túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần". Trong đó, các cơ sở đều cam kết cùng phối hợp giảm tiêu thụ túi ni lông dùng một lần tại các siêu thị, cơ sở bán lẻ thuộc doanh nghiệp quản lý.

Trong khuôn khổ hoạt động của Liên minh, các nhà bán lẻ cam kết cùng nhau thực hiện các hoạt động, bao gồm: Thay thế túi ni lông khó phân hủy cung cấp cho khách hàng bằng các loại túi thân thiện với môi trường; thực hiện các chương trình khuyến mại nhằm khuyến khích khách hàng giảm thiểu, tiến tới không sử dụng túi ni lông dùng một lần; thực hiện các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về giảm thiểu sử dụng túi ni lông và phát sinh chất thải nhựa; thực hiện "Ngày không sử dụng túi ni lông" vào một ngày trong tháng. Khuyến khích các nhà cung cấp sử dụng bao bì thân thiện với môi trường, giấy tái chế thay thế túi ni lông để bao gói các sản phẩm cung cấp cho chuỗi bán lẻ.

Chia sẻ về hiệu quả của các hoạt động này, bà Kim Thị Thúy Ngọc - Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết: Nhìn chung, các hoạt động đều nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của khách hàng đến mua sắm tại siêu thị, góp phần lan tỏa nhận thức về ô nhiễm rác thải nhựa trong cộng đồng. Điều này cũng góp phần thực hiện các chiến lược, kế hoạch kinh doanh theo định hướng phát triển bền vững của đơn vị.

Không chỉ ở Hà Nội, các nhà bán lẻ cũng đã áp dụng các giải pháp giảm túi ni lông tại nhiều cơ sở trên khắp cả nước, góp phần lan tỏa thói quen tốt này đến đông đảo người dân. Dẫn chứng cụ thể, AEON Mall đã tăng tỷ lệ khách hàng không dùng túi ni lông từ dưới 1% lên 7% từ sau khi chính sách tặng 1.000 đồng cho khách hàng không dùng túi ni lông áp dụng từ năm 2020 đến nay.

"Thời gian tới, các siêu thị sẽ đẩy mạnh truyền thông cho khách hàng và chuẩn bị các phương án bổ trợ phù hợp; ưu tiên các nhà cung cấp sản phẩm có bao gói thân thiện môi trường" - bà Kim Thị Thúy Ngọc cho hay.

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 263/KH-UBND thực hiện chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2024. Theo đó, thành phố đặt mục tiêu đến hết năm 2024, 100% các siêu thị, trung tâm thương mại và khoảng 60 - 70% các chợ truyền thống sẽ không sử dụng túi ni lông khó phân hủy; chuyển đổi sử dụng các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường thay thế dần cho các sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy.

Xu hướng điểm du lịch không rác thải nhựa

Trong lĩnh vực du lịch, thông qua việc truyền thông nâng cao nhận thức về giảm rác thải nhựa giúp mọi người hiểu được tầm quan trọng của du lịch bền vững. Nhiều năm qua, các địa phương, đơn vị kinh doanh du lịch đã chú trọng đến việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái. Tại các địa phương phát triển du lịch như: Quảng Ninh, Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hà Nội... đã triển khai các mô hình giảm thiểu sử dụng túi ni lông, vật dụng nhựa trong các hoạt động kinh doanh, dịch vụ.

Đơn cử như tại tỉnh Quảng Nam, Cù Lao Chàm là khu du lịch đầu tiên trên cả nước "nói không" với túi ni lông. Các hoạt động truyền thông về tác hại của túi ni lông thường xuyên được đẩy mạnh. Trong khu vực vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, người dân được tặng các loại giỏ, túi xách thay thế cho túi ni lông khi đi chợ, các tiểu thương thay túi ni lông bằng túi giấy làm từ các loại giấy báo cũ. Nhiều khách sạn, nhà hàng đã chung tay vào giảm rác nhựa như đặt các máy lọc nước miễn phí để người dùng lấy nước trong bình tự mang theo, giảm thiểu việc mua nước đóng chai, ống hút nhựa được thay bằng ống hút tre, ống hút làm từ sả, cỏ bàng.

Tại Quảng Ninh, tỉnh đã xây dựng bộ tiêu chí Nhãn sinh thái "Cánh buồm xanh" gắn cho tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long. Nhãn sinh thái "Cánh buồm xanh" là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao nhận thức và tăng cường bảo vệ môi trường trong hoạt động tàu du lịch ở Hạ Long, nâng cao hình ảnh của các doanh nghiệp tàu du lịch trong mắt du khách trong và ngoài nước. Tại huyện Cô Tô cũng triển khai đề án "Hạn chế sử dụng túi ni lông"; cấp phát miễn phí hàng nghìn chiếc làn và túi đựng sinh thái cho các hộ gia đình trên đảo để đi chợ.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho biết: Để tiếp tục triển khai định hướng phát triển du lịch bền vững, cần xây dựng các hướng dẫn về giảm thiểu sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông tại các điểm, đơn vị kinh doanh du lịch. Thực hiện lộ trình giảm thiểu, tiến tới không sử dụng các sản phẩm nhựa một lần và túi ni lông khó phân hủy vào năm 2025. Đồng thời, cải thiện hệ thống phân loại, thu gom, tái chế, xử lý rác thải nhựa phù hợp với định hướng phát triển du lịch.

Ngoài ra, việc giáo dục, tuyên truyền thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa là một trong những giải pháp rất quan trọng nhằm hạn chế rác thải nhựa nhiện nay. Theo đó, cần tập trung tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường. Đồng thời, tổ chức đào tạo, tập huấn cho các doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên du lịch, nhân dân địa phương, nhất là nơi có khu, điểm du lịch.

Nguồn: baotainguyenmoitruong

Đối tác
bô kế hoạch
bộ tài chính
bộ khcn
bộ y tế
bộ nông nghiệp
bộ gtvt
bo xd
bo cong thuong
bộ tnmt