Kinh tế tuần hoàn và vai trò của hóa học, công nghiệp hóa chất
Chiều 16/12, tại Hà Nội, Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cùng với Hội Hóa học Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tiếp và trực tuyến về “Kinh tế tuần hoàn và vai trò của hóa học và công nghiệp hóa chất”. Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, Cục trưởng Cục Hóa chất Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam Lê Quốc Khánh, Phó Trưởng đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam Patrick Haverman, đại diện các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp hóa chất Việt Nam.
Công nghiệp hóa chất đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế của mỗi quốc gia và là ngành sản xuất lớn thứ năm toàn cầu. Theo báo cáo “Ngành công nghiệp hóa chất toàn cầu: Thúc đẩy tăng trưởng và giải quyết các thách thức về tính bền vững của thế giới” của Hiệp hội Hóa chất quốc tế, ngành này đóng góp ước tính 5,7 nghìn tỷ USD vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới thông qua các tác động trực tiếp, gián tiếp và gây ra, tương đương với 7% GDP của thế giới và hỗ trợ 120 triệu việc làm trên toàn thế giới.
Quang cảnh Hội thảo
Tuy nhiên, đây cũng là ngành đặt ra nhiều vấn đề về môi trường, sức khỏe con người và biến đổi khí hậu. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc quản lý hóa chất không chặt chẽ trong năm 2016 đã dẫn đến ít nhất 1,6 triệu ca tử vong trên toàn thế giới.
Do đó, kinh tế tuần hoàn không chỉ là chiến lược quan trọng đối với toàn cầu, đối với từng quốc gia mà còn đối với từng doanh nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp công nghiệp nói chung và doanh nghiệp hóa chất phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn cũng chính là đã góp phần cho cả nền kinh tế của quốc gia phát triển theo xu thế kinh tế tuần hoàn.
Phát biểu trực tuyến, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho rằng, hóa chất, công nghiệp hóa chất đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của các ngành kinh tế như khai thác, chế biến thực phẩm, dệt may, da giầy, điện tử, là thìa khóa quan trọng để tạo ra các nguyên liệu mới, vật liệu mới. Quản lý hóa chất bền vững là hết sức cần thiết để ứng phó lại các rủi ro tích hợp lên sức khỏe của con người, hệ sinh thái và mức độ chi phí của nền kinh tế. Cùng với đó, phát triển ngành công nghiệp hóa chất để có những vật liệu mới, những công nghệ mới có vai trò quan trọng để thực hiện thành công kinh tế tuần hoàn, góp phần giảm thiểu chất thải, tăng hiệu quả của các quá trình sản xuất, tăng tuổi thọ của các sản phẩm, giảm các tác động xấu đến sức khỏe và môi trường. Do vậy, thúc đẩy quản lý hóa chất; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hóa chất bền vững là hết sức cần thiết để tối đa hóa các lợi ích, đóng góp vào mục tiêu chung.
Quản lý hóa chất, phát triển ngành công nghiệp hóa chất bền vững có vai trò quan trọng đến sự thành công của thực hiện kinh tế tuần hoàn. Hiện nay, nhiều sáng kiến đã, đang được đề xuất và áp dụng trong lĩnh vực hóa chất; phát triển ngành công nghiệp hóa chất nhằm phát triển một nền kinh tế tuần hoàn sạch, đảm bảo các hóa chất nguy hiểm và chất độc không tồn tại trong các sản phẩm; tạo ra các nguyên liệu, vật liệu thân thiện với môi trường và thay thế hóa chất xanh thông qua việc thiết kế các sản phẩm và quy trình hóa học nhằm giảm thiểu hoặc loại bỏ việc sử dụng và tạo ra các chất độc hại.
Thứ trưởng cho rằng, kinh tế tuần hoàn không chỉ là chiến lược quan trọng đối với toàn cầu, đối với mỗi quốc gia mà còn đối với từng doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp công nghiệp nói chung và doanh nghiệp hóa chất phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn cũng chính là góp phần quan trọng thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn của quốc gia.
Ngành công nghiệp hóa chất vừa là ngành tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nhưng trên thực tế, ngành hóa chất đã góp phần không nhỏ trong việc tạo ra các giải pháp công nghệ, các công cụ và vật liệu để giải quyết ô nhiễm cho chính mình và những nguồn ô nhiễm khác.
Để phát triển thành công các mô hình kinh tế tuần hoàn, việc xây dựng một hành lang chính sách, khung khổ pháp lý đầy đủ, phù hợp dựa trên cách tiếp cận khoa học, liên ngành đóng vai trò quyết định.
Hiện nay, kinh tế tuần hoàn là một nội dung quan trọng trong Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi 2020, và Bộ Tài nguyên và Môi trường rất quan tâm đến các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế tuần hoàn, rất ủng hộ các sáng kiến, các nỗ lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để đầu tư vào kinh tế tuần hoàn.
Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam Lê Quốc Khánh cho rằng, khác với cách tiếp cận của nền kinh tế tái chế, trong đó, vấn đề chất thải được xem xét hầu như độc lập với những công đoạn khác nhau của toàn bộ vòng đời sản phẩm, trong kinh tế tuần hoàn mục tiêu hiệu suất và giá trị gia tăng sẽ được xem xét và lồng ghép trong tất cả các giai đoạn của vòng đời sản phẩm, từ khâu thiết kế sản phẩm, chuẩn bị nguyên nguyên liệu, đến khâu sản xuất ra sản phẩm, khâu sử dụng sản phẩm, quản lý sản phẩm sau sử dụng và chất thải… với tiêu chí chung là tăng tối đa hiệu suất và giá trị, giảm tối đa tác động từ chất thải vào môi trường ở từng công đoạn của vòng đời. Để đạt được mục tiêu này, ngoài những công cụ pháp lý và tài chính thì vai trò của công nghệ là vô cùng quan trọng.
Tuy nhiên, nếu xem xét đến bản chất của các quá trình chuyển hóa vật chất từ nguyên liệu ban đầu đến sản phẩm trung gian, sản phẩm cuối cùng và chất thải, cũng như những đặc trưng mong đợi khác của sản phẩm được thiết kế và sản xuất (độ bền, khả năng đáp ứng yêu cầu người dùng, khả năng tái sử dụng, tính thẩm mỹ…), có thể nói hóa học chính là chìa khóa để giải các bài toán này và ngành khoa học hóa học, công nghệ hóa học và công nghiệp hóa chất với những thành tựu trong những năm gần đây đã chứng minh nhận định rằng hóa học và công nghiệp hóa chất là công cụ không thể thiếu để thực thi một nền kinh tế tuần hoàn.
“Hóa học và công nghiệp hóa chất đã và sẽ là ngành giao thoa của các yêu cầu về nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên không tái tạo, tăng khả năng khai thác, phát triển, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên tái tạo (kể cả chất thải) để đồng thời giải quyết những xung đột về phát triển và môi trường và xã hội trong những xu thế hiện đại và văn minh hóa ở tất cả các quốc gia, trong đó, có Việt Nam”, Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam nhấn mạnh.
TS. Mai Thế Toản, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách TN&MT trình bày khuôn khổ pháp lý của kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập chung chia sẻ và thảo luận về những thành tựu trong lĩnh vực hóa chất và kinh tế tuần hoàn nhằm nâng cao nhận thức ở nhiều cấp quản lý ngành Hóa chất và môi trường của Việt Nam, của cộng đồng công nghiệp hóa chất Việt Nam nói riêng và cộng đồng công nghiệp Việt Nam nói chung về vai trò của khoa học công nghệ nói chung và hóa học nói riêng trong thực thi cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, góp phần thực sự cho việc đạt được các mục tiêu của phát triển bền vững tại Việt Nam.
Theo monre