Logo
phone
Hotline: 02437327155
Kiên Giang: Triển khai đồng bộ các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu
  22/06/2015
icon-zalo

 

.Là tỉnh nằm cuối nguồn của sông Mê Kông, nơi đổ nước ra biển nhưng là đầu nguồn của triều biển Tây (Vịnh Thái Lan), Kiên Giang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH), đặc biệt là hiện tượng nước biển dâng, lũ lụt hàng năm.

 

Thực hiện chủ trương theo Nghị quyết số 24 của Ban Chấp hành trung ương Đảng (khóa XI) về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường của Đảng, trong những năm qua Tỉnh Ủy,chính quyền tỉnh Kiên Giang đã có nhiều nỗ lực nhằm chủ động trong ứng phó BĐKH.

 

Đất sản xuất nông nghiệp đang ngày càng thu hẹp

 

Tỉnh Kiên Giang có diện tích tự nhiên 6.346 km², chiều dài bờ biển khoảng 200 km với 82 cửa sông, rạch kéo dài qua 8 huyện, thị xã Hà Tiên và thành phố Rạch Giá, trong đó 2 cửa sông lớn nhất là sông Cái Lớn và sông Cái Bé.

 

Ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: Theo số liệu quan trắc, mực nước biển dâng hàng năm là 1 cm. Nếu mực nước biển dâng cao hơn mực thủy chuẩn 0,5 m thì có hơn 50% diện tích đồng bằng của tỉnh Kiên Giang bị chìm trong nước. Đối với một tỉnh có nền kinh tế nông nghiệp mà lĩnh vực nông - lâm - thủy sản chiếm gần 38% trong cơ cấu GDP thì việc thu hẹp diện tích sản xuất nông nghiệp sẽ gây tác động xấu đến sản xuất, đời sống nhân dân và nền kinh tế của tỉnh.

 

Hiện nay, rừng phòng hộ ven biển và xói lở bờ biển ở Kiên Giang rất nghiêm trọng. Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, từ năm 2010 đến nay, khu vực ven biển Kiên Giang không ổn định và thay đổi từng năm, có những đoạn được bồi đắp nhưng không đáng kể, tình trạng xói lở nhiều hơn bồi tụ. Nhiều đoạn sạt lở đến tận khu dân cư, nhà dân như đê biển trên địa bàn các huyện Hòn Đất, An Biên, An Minh với hàng chục hộ dân mất hoàn toàn diện tích rừng nhận khoán và hàng trăm hộ dân đang bị ảnh hưởng.

 

Vùng ven biển tỉnh Kiên Giang có diện tích hơn 150.000 ha là vùng đa dạng sinh học, với nhiều tiềm năng phát triển các lĩnh vực ngành nghề như: nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp, công nghiệp, du lịch, dịch vụ… nhưng cũng là vùng thường xuyên bị thiên tai tác động mạnh mẽ, gây bất lợi, nhất là trước tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

 

 

 

Vùng ven biển tỉnh Kiên Giang có diện tích hơn 150.000 ha là vùng đa dạng sinh học

 

Trước diễn biến ngày càng thất thường của thời tiết, biến đổi khí hậu, tại Kiên Giang hàng năm luôn bị tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn sâu vào các tuyến sông, thiếu nước ngọt vào mùa khô và triều cường dâng, ngập lũ vào mùa mưa bão… là những khó khăn, thách thức đối với sản xuất và đời sống.

 

Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

 

Trong danh mục 62 dự án ưu tiên cấp bách về BĐKH đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Kiên Giang được cấp kinh phí để thực hiện dự án “Xây dựng công trình cống sông Kiên, thành phố Rạch Giá”. Dự án có tổng dự toán là 224 tỷ đồng, trong đó 204 tỷ đồng được lấy từ Chương trình hỗ trợ ứng phó với BĐKH (SP-RCC); 20 tỷ đồng còn lấy do địa phương huy động từ nhiều nguồn vốn khác. Đến nay, Chương trình SP-RCC đã hỗ trợ Kiên Giang 170 tỷ đồng cho dự án này.

 

Bên cạnh các giải pháp công trình như xây dựng, nâng cấp đê sông, đê biển, hệ thống ngăn mặn, thì một trong những giải pháp mang tính bền vững, đa mục tiêu, được các cơ quan TW và cộng đồng quốc tế đánh giá cao là việc trồng, phục hồi rừng ngập mặn ven biển nhằm từng bước tạo đai rừng chắn sóng, chống sạt lở bờ biển, tăng cường khả năng hấp thụ khí CO2, bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái ven biển, tạo sinh kế bền vững cho người dân bản địa.

 

Trên cơ sở đó, năm 2015, Bộ TN&MT đã báo cáo và được Thủ tướng cho phép triển khai trồng, phục hồi rừng ngập mặn ven biển ở một số địa phương. Tỉnh Kiên Giang được bố trí vốn từ Chương trình SP-RCC để triển khai 2 dự án: Gây bồi, tạo bãi, trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển từ Bình Sơn đến Bình Giang; Gây bồi, tạo bãi, trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển xã Nam Thái. Tổng kinh phí cho 2 dự án này là 72 tỷ đồng.

 

Ông Nguyễn Văn Tâm - Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết: Tỉnh đã tập trung thực hiện chương trình nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng các dự án nâng cấp tuyến đê biển dài 212 km từ Hà Tiên đến Tiểu Dừa (An Minh) và hệ thống cống, đập ở các cửa sông, kênh xáng kết nối ra biển Tây kết hợp làm đường giao thông ngăn chặn nước biển dâng, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và phục vụ đời sống dân sinh.

 

Năm 2015, tỉnh Kiên Giang được bố trí 59 tỷ đồng thực hiện 3 dự án trồng rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong khôi phục phát triển rừng phòng hộ, mô hình thí điểm gây bồi, tạo bãi trồng rừng ven biển ở ấp Vàm Rầy, xã Bình Sơn (Hòn Đất) được ngành chức năng tỉnh thực hiện những năm qua bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực.

 

Bên cạnh đó, tỉnh triển khai thực hiện các dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng cho các đô thị ven biển như: thành phố Rạch Giá, thị xã Hà Tiên, Phú Quốc, Kiên Lương; tiếp tục đầu tư hạ tầng và sắp xếp dân cư vào ở các cụm, tuyến dân cư vượt lũ; nghiên cứu các giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật, mô hình sản xuất nông nghiệp thích hợp với điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng; nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, sự cố môi trường và giám sát biến đổi khí hậu… để chủ động phòng tránh, ứng phó giảm nhẹ thiên tai.

 

Nguồn báo TN&MT

 

Đối tác
bô kế hoạch
bộ tài chính
bộ khcn
bộ y tế
bộ nông nghiệp
bộ gtvt
bo xd
bo cong thuong
bộ tnmt