Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu lựa chọn dự án thí điểm xử lý chất thải rắn khác phù hợp hơn trên cơ sở đáp ứng yêu cầu xã hội hóa, khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành cơ sở xử lý chất thải rắn đô thị và nông thôn.
Ảnh minh họa |
Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng khẩn trương ban hành quy định hướng dẫn phương pháp lập, quản lý chi phí và phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Các Bộ Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 152/VPCP-KTN ngày 9/1/2015 của Văn phòng Chính phủ.
Theo ước tính, tổng lượng chất thải rắn phát sinh tại đô thị ước khoảng 31.500 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom đạt khoảng 84% với mô hình phần lớn là các công ty dịch vụ công ích thực hiện. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, khi Nhà nước chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực môi trường thì đã có nhiều DN tư nhân tham gia thu gom, vận chuyển chất thải rắn tại các đô thị.
Hiện nay, biện pháp xử lý chất thải rắn đô thị chủ yếu sử dụng 3 công nghệ chính (chôn lấp, sản xuất phân vi sinh và đốt). Hiện cả nước có khoảng 458 bãi chôn lấp đang vận hành có quy mô trên 1.800 ha, nhưng trong đó chỉ có 121 bãi chôn lấp hợp vệ sinh (với diện tích 977 ha). Còn lại phần lớn là bãi rác tạm, lộ thiên, không có hệ thống thu gom, xử lý nước rác đang là nguồn gây ô nhiễm môi trường và chiếm diện tích lớn.
Cả nước hiện cũng có khoảng 26 nhà máy xử lý chất thải rắn tập trung tại các đô thị, trong đó có 3 nhà máy sử dụng công nghệ đốt, còn lại phần lớn sử dụng công nghệ sản xuất phân vi sinh kết hợp chôn lấp. Tổng công suất xử lý đạt khoảng 5.000 tấn/ngày.
Nguồn baochinphu