Bộ trưởng Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia Siti Nurbaya Bakar mới đây cho biết Indonesia sẽ cam kết cắt giảm 29% khí thải nhà kính trong nước vào năm 2030, tuy nhiên bà chỉ đưa ra rất ít thông tin chi tiết về cách thức thực hiện mục tiêu.
Indonesia, nước xếp thứ ba về số lượng đất được bao phủ bởi những cánh rừng nhiệt đới và sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, có khả năng đóng một vai trò quan trọng tại hội nghị khí hậu Paris của Liên Hiệp Quốc vào cuối năm nay.
Trước đó, Indonesia đã cam kết hạn chế tăng phát thải khí nhà kính đến 26% vào năm 2020. Ngoài ra, một cố vấn cao cấp của chính phủ cho biết việc tham khảo ý kiến của các bên liên quan trong tuần này phải bắt đầu với mục đích phát triển mục tiêu.
Tại một sự kiện lâm nghiệp tại thủ đô Jakarta, bà Siti Nurbaya Bakar cho biết Indonesia sẽ cắt giảm 29% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030. Theo bà Nurbaya Bakar, mặc dù chính phủ vẫn đang xác định các chi tiết của cam kết mới, việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo như năng lượng địa nhiệt và chỉ đạo các dự án cơ sở hạ tầng mới cũng như các mỏ than cách xa khu vực rừng sẽ giúp nước này đạt được mục tiêu cắt giảm sâu sắc hơn.
Indonesia là một trong những nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, chủ yếu là do nạn phá rừng, suy thoái đất than bùn và cháy rừng. Ảnh: Ahmad Yusuf / Reuters |
“Phát triển (kinh tế) sẽ tăng trưởng đáng kể nhưng chúng tôi cũng sẽ thực hiện tốt hơn công tác bảo tồn", bà Nurbaya Bakar nói.
Indonesia, nước sản xuất bột giấy, giấy và than nhiệt lượng cao, là một trong những nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới với nguyên nhân chủ yếu là do nạn phá rừng, suy thoái đất than bùn và cháy rừng.
Cuối năm ngoái Indonesia đã công bố các mục tiêu năng lượng địa nhiệt, tiến hành cải cách đất đai và các quy định nhằm làm cho đất nước trở thành nhà sản xuất điện từ nguồn năng lượng thay thế lớn nhất thế giới.
Theo Báo TN&MT