Vụ HTQT&KHCN, Tổng cục Môi trường Bộ Tài nguyên và Môi trường có bài tham luận giới thiệu về “Hợp tác quốc tế để phát triển công nghiệp môi trường ở Việt Nam” tại Hội thảo Triển lãm Quốc gia về Sản phẩm Công nghiệp Môi trường trong ngành Công Thương. Chúng tôi xin giới thiệu toàn văn bài tham luận.
Công nghiệp môi trường (CNMT) là một thực thể kinh tế có từ rất sớm tại nhiều nước. Đây là ngành công nghiệp tạo ra các giá trị gia tăng từ chính việc giải quyết các vấn đề môi trường, đã và đang có những đóng góp thiết thực và hiệu quả cho phát triển theo hướng bền vững, chiếm vị thế quan trọng trong cơ cấu công nghiệp.
Ở Việt Nam, khái niệm ngành CNMT vẫn còn rất mới, ban đầu các doanh nghiệp môi trường được biết đến chỉ với ý nghĩa đơn giản là các công ty môi trường đô thị, một số doanh nghiệp tư vấn, cung cấp các dịch vụ bảo vệ môi trường quy mô nhỏ. Tại Hội nghị Môi trường toàn quốc ngày 22/4/2005, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã chỉ đạo "nhanh chóng xây dựng ngành công nghiệp môi trường" phù hợp với điều kiện của một nước đang phát triển và có nhiều hạn chế về nguồn lực tài chính như nước ta".
CNMT ngày nay không mang tính công ích thuần tuý mà ngày càng thể hiện rõ tính kinh tế trong các hoạt động của nó, đặc biệt khi chuyển từ cách tiếp cận "xử lý cuối đường ống", xử lý chất thải sang cách tiếp cận ngăn ngừa ô nhiễm tại nguồn, đồng thời coi chất thải như tài nguyên để tái sử dụng tạo ra các giá trị mới.
Công nghiệp môi trường của Việt Nam bao hàm các hoạt động và doanh nghiệp đặc thù, chuyên sản xuất hàng hóa và cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu bảo vệ và phòng ngừa các tác động xấu tới môi trường. Điều nay đang tạo động lực để phát triển và mở rộng các lĩnh vực mới và gia tăng số lượng các doanh nghiệp môi trường. Kinh doanh môi trường ngày càng được xem là ngành "siêu lợi nhuận" vì những lợi ích kép mà nó mang lại.
Hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ (KH&CN) môi trường đã được quan tâm đẩy mạnh nhằm huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ triển khai có hiệu quả các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ trong công tác bảo vệ môi trường ở Việt Nam. Đặc biệt đối với lĩnh vực công nghệ môi trường còn chưa được phát triển tương xứng với yêu cầu và đòi hỏi bức xúc từ thực tế, việc tìm kiếm, chuyển giao và phát triển những loại hình, giải pháp công nghệ môi trường phù hợp với điều kiện Việt Nam cần phải được quan tâm một cách thiết thực và triển khai một cách mạnh mẽ hơn nữa với những định hướng và giải pháp phù hợp, thực tế.
Hoạt động hợp tác quốc tế về KH&CN môi trường trong những năm gần đây đã được triển khai một cách chủ động hơn trong việc tranh thủ các đối tác quốc tế về tri thức, kinh nghiệm, thông tin khoa học, bí quyết công nghệ, đào tạo nhân lực và hỗ trợ trang thiết bị, góp phần đẩy nhanh quá trình nghiên cứu trong nước.
Với việc đa dạng hoá các “kênh” hợp tác, hoạt động hợp tác quốc tế về KH&CN và công nghiệp môi trường cũng đã được mở rộng và tăng cường theo nhiều mức độ khác nhau, từ hợp tác với cơ quan quản lý KH&CN của các nước, đến các quỹ nghiên cứu KH&CN, các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội khác. Các nội dung hợp tác cũng đã chủ động gắn chặt với nhu cầu phát triển KH&CN và công nghiệp môi trường trong nước, trong đó chú trọng đến nhu cầu hợp tác quốc tế của địa phương.
Thực hiện Kế hoạch 5 năm (2011-2015) trong bối cảnh quốc tế hiện đang có nhiều biến động, thay đổi, công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực môi trường đã tích cực mở rộng hợp tác song phương, đa phương với các nước trong khu vực và trên thế giới liên quan đến các lĩnh vực quản lý Nhà nước; đặc biệt là các hoạt động phát triển và mở mới các nhiệm vụ về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu cũng như những khởi động và dứt điểm một số chuyên đề quan trọng có tính quyết định và nâng tầm các hoạt động trong tiến trình hội nhập quốc tế về tài nguyên và môi trường.
Theo đó, trong năm qua, đã có nhiều đoàn công tác tham gia đàm phán tại các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế, cùng cộng đồng quốc tế tìm được tiếng nói chung trong việc thực hiện hiệu quả việc bảo vệ môi trường, chuyển giao công nghệ môi trường, phòng và chống tác động của biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Thông qua các hoạt động này, tiếng nói và vai trò của Việt Nam trong sự nghiệp chống biến đổi khí hậu, bảo vệ hệ thống trái đất đã được nâng lên và được nhiều quốc gia ghi nhận.
Hội nhập quốc tế đang diễn ra trong bối cảnh toàn cầu hoá ngày một gia tăng. Đây là quá trình tìm kiếm lợi ích trong khuôn khổ hợp tác và cạnh tranh. Trong quá trình đó, bên cạnh những lợi thế có được do mở rộng quan hệ, tiếp thu kinh nghiệm, tìm kiếm đối tác, tranh thủ sự hỗ trợ của các nước tiên tiến và các tổ chức quốc tế, các nước đang phát triển như Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn, thách thức về thị trường, vốn, trình độ quản lý, trình độ khoa học và công nghệ, buộc phải nhanh chóng đổi mới một cách toàn diện cả về phương thức quản lý, xây dựng định hướng, chiến lược phù hợp để rút ngắn khoảng cách phát triển. Hợp tác quốc tế về môi trường trong bối cảnh Việt Nam không còn trong nhóm nước nghèo cũng đặt ra những yêu cầu bình đẳng hơn, không còn ưu đãi như giai đoạn trước, đòi hỏi Việt Nam cần có những sự đối ứng nhất định về nguồn lực, chính sách thỏa đáng.
Bên cạnh đó, bài học từ thực tế cho thấy, việc lựa chọn các công nghệ môi trường phù hợp với điều kiện Việt Nam để triển khai và nhân rộng không đơn giản. Một số loại công nghệ hiện đại đòi hỏi chế độ bảo trì, bảo dưỡng, vận hành phức tạp, một số chi tiết không phù hợp điều kiện thời tiết Việt Nam…dẫn đến nhiều thất bại trong hợp tác, chuyển giao công nghệ. Đó là chưa tính đến việc nhiều công nghệ lạc hậu, là phế thải của các nước được chuyển tới Việt Nam do trình độ thẩm định, đánh giá công nghệ chưa tốt…Tất cả những vấn đề này đặt ra những yêu cầu cho hoạt động hợp tác quốc tế về công nghệ môi trường trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
(xin xem toàn văn báo cáo tại đây)