Tiếp nối các chương trình hội nghị, hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện của Đại hội Biển Đông Á lần thứ 5 năm 2015 tại thành phố Đà Nẵng, ngày 17/11 đã diễn ra Hội thảo “Quản lý rủi ro trong biến đổi khí hậu và thảm họa ở các biển Đông Á”; Hội thảo “Áp dụng quản lý tri thức trong việc mở rộng đầu tư của khu vực công và tư trong nền kinh tế xanh,” với đông đảo các nhà quản lý, nhà khoa học và các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự.
Hướng đến thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu
Báo cáo đề dẫn Hội thảo nêu rõ do vị trí địa lý, điều kiện kinh tế xã hội và tăng trưởng dân số, khu vực biển Đông Á là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trước những tác động của biến đổi khí hậu.
Việc giải quyết vấn đề về biến đổi khí hậu và rủi ro thảm họa là nhân tố chính mang đến những cơ hội để cải thiện, tăng cường và thực hiện các kỹ năng thích ứng của xã hội.
Trong các phạm vi khác nhau, các chiến lược, phương pháp và những nỗ lực ở tất cả các ngành, các cấp (toàn cầu, khu vực, quốc gia và địa phương) ngày một nâng cao, để hướng đến thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu, giảm tính dễ bị tổn thương của cộng đồng và tăng cường năng lực của họ để đối phó với rủi ro thảm họa.
Trong những năm qua, khu vực biển Đông Á đã chứng kiến sự tăng trưởng bùng nổ về nhận thức và thông tin về những tác động và rủi ro, được hiểu là thay đổi chính sách và thực tiễn trong ứng phó biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thảm họa, bao gồm cả nhân rộng quản lý tổng hợp vùng bờ.
Cho tới nay, một chiến lược lồng ghép giải quyết những mối đe dọa về biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thảm họa vẫn chưa được thông qua. Việc áp dụng một khung chiến lược với những mục tiêu và tiêu chí cụ thể có thể giúp đưa ra định hướng và theo dõi tiến bộ trong quản lý rủi ro thảm họa và biến đổi khí hậu của khu vực biển Đông Á.
Hội thảo cũng đã đưa ra những thực hành tốt, mô hình hoạt động và những giải pháp sáng tạo trong quản lý rủi ro của biến đổi khí hậu và thảm họa ở cấp địa phương trong khu vực biển Đông Á; trao đổi về việc làm thế nào để cách tiếp cận tổng hợp tạo điều kiện cho chính quyền địa phương thích ứng, chuẩn bị và giảm rủi ro thảm họa; giải quyết nhu cầu về khung chiến lược cho ứng phó biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro thảm họa.
Việc thực hiện này sẽ tạo điều kiện nhân rộng các mô hình hoạt động và thực hành tốt ứng phó biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thảm họa; xác định các lĩnh vực ưu tiên để thực hiện, mục tiêu chính, nhu cầu và thách thức, bao gồm cả những cơ hội chia sẻ kiến thức, nhân rộng và nỗ lực hợp tác để thúc đẩy ứng phó biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thảm họa trong khu vực biển Đông Á.
Đặc biệt, Hội thảo đã xây dựng nền tảng để hiệp lực các hành động trong khu vực Đông Á nhằm bổ sung một cách rõ ràng những quy định được đưa ra bởi 3 văn kiện quốc tế.
Những lợi ích áp dụng quản lý tri thức
Hội thảo “Áp dụng quản lý tri thức trong việc mở rộng đầu tư của khu vực công và tư trong nền kinh tế xanh” là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, hoạch định chính sách và đầu tư đến từ các cơ quan, tổ chức, viện, trường, trung tâm đào tạo, các dự án phát triển bền vững... cùng nhau thảo luận để xây dựng một nền tảng “quản lý tri thức” khu vực có khả năng tăng cường năng lực và hiệu quả đầu tư vào phát triển bền vững hệ sinh thái biển và ven biển; xây dựng quan hệ đối tác khu vực, nguồn lực con người và công nghệ là cần thiết để phát triển bền vững và thực hiện quản lý tổng hợp vùng bờ khu vực biển Đông Á.
Khái niệm “quản lý tri thức” được đề cập, thảo luận tại hội thảo bao gồm các công cụ, sản phẩm, dịch vụ, những mạng lưới và mối quan hệ vốn là những yếu tố then chốt để chuyển giao và sử dụng hiệu quả những thực tiễn và nền tảng “quản lý tri thức” tốt.
Các diễn giả đã giới thiệu và thảo luận nhiều nội dung liên quan tới các xu hướng “quản lý tri thức,” các ứng dụng trong khu vực và trên toàn thế giới; những lợi ích của “quản lý tri thức.”
Bên cạnh đó, các vấn đề về “quản lý tri thức” cũng được tiếp cận thông qua việc giới thiệu một số sản phẩm “quản lý tri thức” sáng tạo và dịch vụ đã được phát triển và thử nghiệm trong các dự án bảo tồn và giảm ô nhiễm khác nhau trong khu vực với sự hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP).
Điển hình là Dự án Phục hồi chức năng rạn san hô ở Indonesia; Dự án Phát triển bền vững tài nguyên vùng bờ tại Việt Nam; Dự án kiểm soát ô nhiễm nông nghiệp tại Quảng Đông, Trung Quốc; Dự án Phát triển nông thôn ở Philippines.
Hội thảo quan tâm thảo luận về các ứng dụng và lợi ích thu được từ các sản phẩm và dịch vụ trong các dự án; việc sử dụng tiềm năng của những sáng kiến đó mở rộng cho các dự án cũng như các ngành khác; cơ hội và thách thức để cải thiện và nâng cao hiệu quả áp dụng các sản phẩm này trên thực tế.
Hội thảo là diễn đàn để thảo luận, tìm ra các giải pháp nhằm tạo điều kiện tốt nhất để tối ưu hóa “quản lý tri thức”; xác định các yếu tố quan trọng của thành công trong sử dụng các sản phẩm và dịch vụ “quản lý tri thức”; tăng cường các mối liên kết trong việc thực hiện các dự án thông qua “quản lý tri thức”./.
Theo VEA