Logo
phone
Hotline: 02437327155
Hội thảo Khoa học công nghệ trong lĩnh vực môi trường đã khép lại với nhiều kết quả đáng ghi nhận
  30/09/2015
icon-zalo

 

Sau 01 ngày làm việc hiệu quả và khẩn trương, chiều 29/9, Hội thảo Khoa học công nghệ trong lĩnh vực môi trường đã diễn ra thành công tốt đẹp và khép lại với nhiều kết quả đáng ghi nhận.

 

Hội thảo Khoa học công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được tổ chức ngày 29 tháng 9 năm 2015 với sự tham gia của trên 350 nhà khoa học, chuyên gia, đại biểu đại diện cho các Bộ/ngành, địa phương, các Viện nghiên cứu, các Trường Đại học, các tổ chức nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ lĩnh vực bảo vệ môi trường trong cả nước và một số Tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

 

Hội thảo Khoa học công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được chia thành phiên toàn thể và 03 phiên Hội thảo chuyên đề, được tổ chức đồng thời với 03 chủ đề trọng tâm, gồm: nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong dự báo, phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường; ứng dụng tiến bộ khoa học và phát triển công nghệ trong cải tạo, phục hồi và xử lý ô nhiễm môi trường; khoa học và công nghệ phục vụ bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

 

Trong quá trình chuẩn bị Hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được 115 báo cáo tham luận. Ngoài báo cáo đề dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ về “Đánh giá hoạt động khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2015” tại Phiên toàn thể, các đại biểu đã nghe 26 báo cáo tham luận được lựa chọn, trình bày, thảo luận. Sau Hội thảo, toàn bộ 115 bài viết sẽ được tổng hợp, hiệu đính và đưa vào tuyển tập báo cáo Hội nghị.

 

Về kết quả hoạt động KH&CN phục vụ bảo vệ môi trường giai đoạn 2011 - 2015: trong giai đoạn 2011-2015, kết quả thực hiện các Chương trình KH&CN… các nhiệm vụ, đề tài khoa học công nghệ các cấp đã góp phần quan trọng phục vụ công tác quản lý, bảo vệ môi trường, tập trung ở 03 khía cạnh chủ yếu, đó là: (1) góp phần cung cấp cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng và ban hành các Nghị quyết/Chỉ thị của Đảng về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, xây dựng cơ chế, chính sách và quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; (2) góp phần cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn để xây dựng, triển khai các mô hình, giải pháp quản lý và bảo vệ môi trường và (3) góp phần từng bước đẩy mạnh triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ trong dự báo, phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục sự cố, xử lý ô nhiễm và cải thiện môi trường.

 

Ngoài ra cũng có những tồn tại, hạn chế trong nghiên cứu, triển khai KHCN trong lĩnh vực môi trường. Cụ thể, về khía cạnh cơ chế, chính sách, thị trường công nghệ môi trường chậm phát triển, chưa tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ và môi trường thuận lợi để khuyến khích phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ môi trường, thiếu cơ chế phối hợp để thu hút chất xám và động viên các nhà khoa học, công nghệ trong nghiên cứu triển khai KHCN môi trường. Về khía cạnh kỹ thuật, công nghệ, tài chính, điều kiện kỹ thuật, tài chính phục vụ nghiên cứu triển khai công nghệ ngăn ngừa, xử lý ô nhiễm... còn rất hạn chế; thiếu các giải pháp, kỹ thuật công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường phù hợp với điều kiện vùng, miền địa phương, đặc biệt tại các khu vực làng nghề, nông thôn hoặc tại các lưu vực sông…; thiếu nguồn lực kỹ thuật và tài chính phục vụ nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học,…

 

Hội thảo đã trao đổi, thống nhất với định hướng hoạt động KH&CN lĩnh vực môi trường giai đoạn 2016-2020 do Bộ TNMT, Bộ KHCN xây dựng, đồng thời nhấn mạnh một số nội dung cụ thể, như: tiếp tục nghiên cứu, cung cấp luận cứ khoa học để hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật và cơ chế, chính sách phục vụ quản lý và bảo vệ môi trường; triển khai nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ, mô hình dự báo, giám sát, cảnh báo sớm diễn biến chất lượng môi trường phục vụ công tác quản lý và bảo vệ môi trường; phát triển và hoàn thiện các giải pháp công nghệ, kỹ thuật phù hợp điều kiện Việt Nam trong ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm; cải tạo, phục hồi môi trường; khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh; nghiên cứu, đề xuất các công cụ, mô hình quản lý mới trong quản lý và bảo vệ môi trường và bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học; tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực môi trường.

 

Các đại biểu tham dự Hội thảo cũng kiến nghị một số giải pháp thúc đẩy hoạt động KH&CN lĩnh vực bảo vệ môi trường, giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, cần triển khai một số giải pháp trọng tâm, như: từng bước tăng cường đầu tư nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ trong lĩnh vực môi trường; tăng cường sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý với các Viện, trung tâm nghiên cứu, trường đại học và với các địa phương, các cơ sở sản xuất trong việc triển khai thực hiện các đề tài, dự án nhằm đạt hiểu quả tối đa trong nghiên cứu, đào tạo và triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu; phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trong lĩnh vực môi trường; tiếp tục tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; phát triển thị trường công nghệ môi trường và ngành công nghiệp môi trường.

 

Phát biểu tổng kết Hội thảo, Phó Tổng cục trường Nguyễn Thế Đồng cho biết, trong thời gian qua, vấn đề Khoa học công nghệ được lãnh đạo Tổng cục rất quan tâm và chị đạo sát sao. Thông qua 3 Hội thảo chuyên đề, các đại biểu đã trao đổi thẳng thắn, sôi nổi về những kết quả đạt được giai đoạn 2011 - 2015, những tồn tại, khó khăn, vướng mắc; một số vấn đề ưu tiên trong lĩnh vực khoa học công nghệ môi trường giai đoạn 2016 - 2020; đề xuất một số kiến nghị, các giải pháp nhằm kế thừa và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

 

Theo VEA

 

Đối tác
bô kế hoạch
bộ tài chính
bộ khcn
bộ y tế
bộ nông nghiệp
bộ gtvt
bo xd
bo cong thuong
bộ tnmt