Logo
phone
Hotline: 02437327155
Hội nghị MTTQ4: Những cơ sở quan trọng để tiến hành các nhiệm vụ, giải pháp về BVMT trong thời gian tới
  01/10/2015
icon-zalo

 

 

Sau hai ngày diễn ra các hoạt động, sự kiện có ý nghĩa thiết thực, Hội nghị Môi trường toàn quốc lần tư đã hoàn thành các nội dung đề ra. Nhiều nội dung quan trọng của công tác bảo vệ môi trường trong 5 năm qua cũng như giai đoạn 5 năm tới đã được Hội nghị trao đổi, thảo luận sôi nổi, cởi mở và thẳng thắn.

 

Tiếp nối những thành công của Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ ba, Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ tư đã thu hút được sự tham gia của gần 2.000 đại biểu đến từ các Bộ, ngành, cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và địa phương trong cả nước, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, các cơ quan môi trường ở Trung ương và địa phương.

 

Đặc biệt trong những ngày qua với sự thông tin, truyền thông kịp thời của báo chí, nhân dân đã hết sức quan tâm tới Hội nghị và các vấn đề môi trường được bàn thảo tại Hội nghị. Tin tức về Hội nghị đã được các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương thông tin thường xuyên, liên tục với mật độ cao ngay cả khi chưa diễn ra Hội nghị. Hội nghị Môi trường toàn quốc thực sự đã trở thành ngày hội của những người quan tâm tới công tác bảo vệ môi trường trong cả nước.

 

Toàn cảnh Hội nghị

 

Tại Hội thảo quản lý nhà nước, đã có 26 báo cáo trình bày tại hai (02) phiên họp trước gần 400 đại biểu từ các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các Sở Tài nguyên và Môi trường, một số viện nghiên cứu, trường đại học, một số tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và chuyên gia. Trên những cương vị và điều kiện khác nhau, các đại biểu đã chia sẻ nhiều thông tin, kinh nghiệm, nhận xét, đóng góp về quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, trong thời gian diễn ra Hội thảo, đã có 18 lượt đại biểu phát biểu ý kiến tại Hội trường. Do thời gian hạn chế, một số đại biểu không có điều kiện phát biểu tại Hội trường cũng đã trực tiếp gửi ý kiến tới Ban Tổ chức.

 

 Hội thảo Quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường

 

Hội thảo Khoa học công nghệ cũng nhận được sự quan tâm của trên 350 nhà khoa học, chuyên gia, đại biểu đại diện cho các Bộ/ngành, địa phương, các Viện nghiên cứu, các Trường Đại học, các tổ chức nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ lĩnh vực bảo vệ môi trường trong cả nước và một số Tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Ngoài báo cáo đề dẫn, tại 03 phiên Hội thảo chuyên đề, các đại biểu đã nghe 26 báo cáo tham luận được lựa chọn trong tổng số 115 bài viết. Các đại biểu tham dự Hội thảo cũng đã có nhưng kiến nghị thiết thực nhằm thúc đẩy hoạt động KH&CN lĩnh vực bảo vệ môi trường, giai đoạn 2016 - 2020. Kết thúc Hội thảo, các đại biểu tham dự cũng đã trao đổi, thống nhất với định hướng hoạt động KH&CN lĩnh vực môi trường giai đoạn 2016-2020 do Bộ TN&MT, Bộ KHCN xây dựng.

 

 Tại Phiên toàn thể, nhiều nội dung quan trọng của công tác bảo vệ môi trường trong 5 năm qua cũng như giai đoạn 5 năm tới đã được đưa ra trao đổi, thảo luận như: những kết quả đã đạt được; các khó khăn, vướng mắc, tồn tại và hạn chế; nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; và đặc biệt là phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp về bảo vệ môi trường trong thời gian tới. Hội nghị cũng đã được nghe trình bày báo cáo khuyến nghị của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học tại Hội thảo quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, Hội thảo khoa học công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường diễn ra trong khuôn khổ hoạt động bên lề về các giải pháp quản lý, khoa học, kỹ thuật bảo vệ môi trường; báo cáo tham luận của các cơ quan quan trọng của Đảng và Nhà nước như Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Bộ, ngành, địa phương và một số tổ chức quốc tế.

 

 Đặc biệt, Hội nghị đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tới dự và phát biểu chỉ đạo. Một số ý kiến chỉ đạo quan trọng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng như: đẩy mạnh truyền thông về ý thức trách nhiệm tuân thủ pháp luật, tham gia bảo vệ môi trường trong cộng đồng, người dân và doanh nghiệp; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy và tăng cường năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ các cấp; tăng cường đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường; ưu tiên vốn đầu tư phát triển, vốn vay, ODA để giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc; huy động hiệu quả nguồn lực trong xã hội; thận trọng trước nguy cơ nước ta trở thành bãi thải công nghệ lạc hậu của các nước phát triển; đẩy mạnh công tác thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, quy chuẩn về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế tranh thủ nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường; coi trọng việc thực hiện các cam kết quốc tế, nỗ lực thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc phù hợp với điều kiện của nước ta.

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo Hội nghị 

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh bảo vệ môi trường là vấn đề toàn cầu, đòi hỏi sự chung tay của mỗi quốc gia, tổ chức và mỗi người dân chúng ta. Thủ tướng cũng đã cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ hiệu quả hơn nữa của các Cơ quan Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới, các quốc gia, các tổ chức và bạn bè quốc tế trong thời gian tới đối với vấn đề hết sức quan trọng này. Việt Nam cũng sẵn sàng hợp tác, đóng góp tích cực cùng cộng đồng quốc tế để giữ gìn môi trường mãi xanh của thế giới chúng ta.

 

Trên cơ sở các báo cáo tham luận, ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự Hội nghị và đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Hội nghị đã thông qua Thông cáo chung do Thứ trưởng Trần Hồng Hà trình bày.

 

 Thứ trưởng Trần Hồng Hà trình bày Thông cáo chung của Hội nghị

 

Kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cũng đã có một số kết luận quan trọng như: cần ưu tiên bố trí nguồn lực của Bộ, ngành và địa phương mình cho công tác bảo vệ môi trường phù hợp với tốc độ phát triển của nền kinh tế; nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hoá hoạt động bảo vệ môi trường; cơ chế huy động vốn đầu tư trở lại cho bảo vệ môi trường dựa trên nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, “người hưởng lợi từ môi trường phải chi trả” và cơ chế khuyến khích, thúc đẩy hợp tác công - tư trong lĩnh vực môi trường; bảo đảm có đủ nguồn lực để thực hiện tốt các nội dung của các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, của Chính phủ và Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường, đặc biệt đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lên một tầm cao mới bằng nhiều hình thức khác nhau; chú trọng lắng nghe ý kiến tham vấn, phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan truyền thông, báo chí tổ chức đối với các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án về bảo vệ môi trường, bảo đảm tính đồng thuận cao của xã hội khi tổ chức triển khai.

 

 

 Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang phát biểu kết luận tại Hội nghị

 

 Để môi trường thực sự là một trong 3 trụ cột của phát triển bền vững, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đã đề nghị ngay sau Hội nghị này, các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung quán triệt và tổ chức triển khai một cách nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng như đề xuất, kiến nghị của Hội nghị.

 

Trước khi kết thúc Hội nghị, thay mặt Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ban Tổ chức Hội nghị, Bộ trưởng cũng gửi lời cảm ơn chân thành tới các đại biểu vì sự đóng góp cho thành công của Hội nghị; cảm ơn các nhà tài trợ đã tham gia hỗ trợ tổ chức; cảm ơn các cơ quan thông tấn báo chí đã đến đưa tin về Hội nghị.

 

Một số hình ảnh của Hội nghị:

 

 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm quan Triển lãm quốc tế về môi trường

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang
thăm gian hàng của Tổng cục Môi trường

 

Toàn cảnh Hội nghị Phiên toàn thể

 

Theo VEA

Đối tác
bô kế hoạch
bộ tài chính
bộ khcn
bộ y tế
bộ nông nghiệp
bộ gtvt
bo xd
bo cong thuong
bộ tnmt