Chiều ngày 28/10, tại Hà Nội, sau khi vinh dự được Ngài Thủ tướng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tới tham dự và phát biểu chào mừng, Hội nghị Bộ trưởng môi trường các nước ASEAN lần thứ 13 (AMME 13) đã chính thức bước vào phiên làm việc.
Hội nghị lần này có sự chủ trì của ông Nguyễn Minh Quang, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và sự tham dự của ông Lê Lương Minh, Tổng Thư ký ASEAN, cùng các Bộ trưởng, Thứ trưởng và cấp lãnh đạo tương đương, các quan chức cấp cao, chuyên gia về môi trường và lĩnh vực liên quan của các nước ASEAN.
Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà làm Trưởng đoàn, thành viên đoàn gồm có ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, ông Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, ông Đỗ Nam Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và các lãnh đạo, chuyên gia thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết, tại Hội nghị Bộ trưởng Môi trường các nước ASEAN lần thứ 12, các nước ASEAN đã cùng nhau cam kết thúc đẩy hơn nữa hợp tác khu vực về tài nguyên thiên nhiên và môi trường hướng tới phát triển bền vững và xây dựng Cộng đồng Văn hóa xã hội ASEAN. ASEAN cũng đã khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực cùng nhau thiết lập sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và môi trường bền vững; tăng cường cam kết của ASEAN đối với việc đạt được các Mục tiêu phát triển thiên nhiên kỷ và thúc đẩy việc thực hiện khuyến nghị của Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về phát triển bền vững Rio+20; đóng góp tích cực đối với các thỏa thuận theo Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu; và tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nước đối thoại để giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu.
Thời gian gần đây, môi trường trong khu vực đã có những dấu hiệu được cải thiện, góp phần nâng cao đời sống và sức khỏe cho người dân ASEAN. Tuy nhiên, suy thoái môi trường, cạn kiệt nguồn tài nguyên và biến đổi khí hậu vẫn đang là những thách thức, đe dọa đến sự phát triển bền vững của khu vực. Trong khu vực ASEAN, nhiều mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ về bền vững môi trường chưa đạt kết quả như mong muốn; nạn ô nhiễm khói mù xuyên biên giới, ô nhiễm không khí, nước tại các đô thị đang phát triển nhanh; tốc độ phá rừng vẫn còn ở mức cao; nguy cơ mất đa dạng sinh học tăng lên do các loài mất môi trường sống; thiếu nước sạch do ô nhiễm, khai thác cạn kiệt nguồn nước; biến đổi khí hậu đang khiến cho việc đạt được các mục tiêu quan trọng về phát triển bền vững ngày càng khó khăn hơn.
Nhằm giải quyết triệt để các vấn đề này của khu vực, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đề nghị tại Hội nghị này, các đại biểu hãy cùng nhau đánh giá tình hình thực hiện các thỏa thuận hợp tác về môi trường trong khu vực kể từ Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 12, thảo luận về các nội dung hợp tác mới, đồng thời kiến nghị, đề xuất giải pháp thúc đẩy các hoạt động hợp tác ASEAN về môi trường trong thời gian tới, đặc biệt là cho giai đoạn sau năm 2015, khi Cộng đồng ASEAN được hình thành; thảo luận về Tuyên bố chung ASEAN về Biến đổi khí hậu chuẩn bị cho Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, dự thảo Tuyên bố Chương trình nghị sự ASEAN về bền vững môi trường và biến đổi khí hậu giai đoạn sau năm 2015.
Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng phái đoàn của các nước ASEAN cảm ơn Việt Nam về sự đón tiếp nồng hậu và việc tổ chức chu đáo Hội nghị Bộ trưởng các nước ASEAN về Môi trường lần thứ 13 và các Hội nghị liên quan. Các Trưởng phái đoàn cũng giới thiệu một số hoạt động bảo vệ môi trường tại nước mình như: tất cả các dự án của Vương quốc Bruney Darusalam đều phải thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường; Cam-pu-chia luôn nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác bảo vệ môi trường, tăng cường thực hiện các hoạt động nhằm giảm khí nhà kính, xây dựng thành phố bền vững, đóng góp sáng kiến để giảm tác động của biến đổi khí hậu; các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Lào giai đoạn 2016 - 2020 đều được lồng ghép với bảo vệ môi trường,... Bên cạnh đó, để hiện thực hóa các mục tiêu của toàn khu vực, các nước ASEAN đều cam kết và đề nghị tiếp tục tăng cường hợp tác thực hiện công tác bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm khói mù xuyên biên giới cùng các nước trong khu vực, chia sẻ thông tin về các công ty gây ô nhiễm,..
Thay mặt phái đoàn của Việt Nam, Thứ trưởng Trần Hồng Hà đề xuất xây dựng Tuyên bố chương trình nghị sự ASEAN về bền vững môi trường và biến đổi khí hậu giai đoạn sau năm 2015 để các nước xem xét thông qua, trình Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 sẽ được tổ chức vào tháng 11 tại Kuala Lumpur. Tuyên bố chung này được xây dựng nhằm thúc đẩy thực hiện hợp tác môi trường ASEAN một cách toàn diện sau năm 2015. Một loạt các vấn đề môi trường sẽ được đề cập đến như cam kết chung của ASEAN để đảm bảo tính gắn kết, minh bạch, liên tục và hiệu quả; việc triển khai Kế hoạch tổng thể Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN nhằm hướng tới một Cộng đồng ASEAN xanh và sạch; Chương trình ASEAN về Quản lý bền vững Hệ sinh thái Đất than bùn (2014 - 2020), Hiệp định ASEAN về Ô nhiễm khói mù xuyên biên giới, Kế hoạch chiến lược về Đa dạng sinh học giai đoạn 2011 - 2020 và Mục tiêu Aichi về Đa dạng sinh học, Quản lý tổng hợp tài nguyên nước. Thông qua Tuyên bố chung này, cộng đồng ASEAN một lần nữa thể hiện sự quyết tâm, đồng lòng hợp tác nhằm đạt được các mục tiêu chung của toàn nhân loại tại Chương trình nghị sự phát triển sau 2015 và Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc, Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu, đem lại sự phát triển bền vững và thịnh vượng cho toàn khối ASEAN.
Tiếp đó, Hội nghị đã được nghe Chủ tịch Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về môi trường Nguyễn Văn Tài trình bày và thống nhất thông qua báo cáo kết quả đạt được của Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về môi trường. Hội nghị cũng thảo luận và nhất trí đề cử Tượng đài tự nhiên Timpoong Hibok-Hibok của Phi-lip-pin và Vườn quốc gia Way Kambas của In-đô-nê-xi-a là hai vườn di sản ASEAN, thông qua Khung chỉ số quan trắc tài nguyên nước, thảo luận về Chiến lược hợp tác giữa ASEAN và các nước đối tác, về các vấn đề liên quan đến Cộng đồng ASEAN giai đoạn sau năm 2015,...
Kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang trân trọng cảm ơn sự tham gia nhiệt tình của các phái đoàn. Các thông tin, ý kiến đóng góp sôi nổi của các đại biểu đã giúp Hội nghị diễn ra tốt đẹp. Bộ trưởng mong rằng với sự hợp tác, quyết tâm, nỗ lực và trách nhiệm của các quốc gia thành viên, các hoạt động bảo vệ môi trường trong khu vực ASEAN nói riêng và trên toàn thế giới nói chung sẽ có hiệu quả ngày càng cao.
Ngày mai, 29/10/2015, trong khuôn khổ của Hội nghị Bộ trưởng các nước ASEAN về Môi trường lần thứ 13 sẽ diễn ra Hội nghị các nước thành viên tham gia Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới lần thứ 11, Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN+3 lần thứ 14, Họp báo thông tin về kết quả của chuỗi các Hội nghị.
Ngày 30/10/2015, nước chủ nhà Việt Nam sẽ mời các Bộ trưởng, quan chức cấp cao, đại biểu ASEAN tham quan Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An - nơi hàm chứa nhiều giá trị nổi bật toàn cầu về kiến tạo địa chất, địa mạo, khảo cổ và thẩm mỹ tại tỉnh Ninh Bình, Việt Nam.
Theo VEA