Sáng 29/9, trong chuỗi hội thảo quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong khuôn khổ Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ IV đã diễn ra hội thảo chuyên đề “Hoàn thiện thể chế, pháp luật và huy động nguồn lực để bảo vệ môi trường”.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng và đông đảo các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường và các lĩnh vực khác có liên quan đến từ các Bộ, ban, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức chính trị/ xã hội, doanh nghiệp, cơ quan thông tấn báo chí trong nước và quốc tế tham dự hội thảo.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe năm (05) bài báo cáo tham luận của các chuyên gia và cùng nhau trao đổi, thảo luận nhằm hoàn thiện thể chế, pháp luật và huy động nguồn lực để bảo vệ môi trường, bao gồm: “Luật Bảo vệ môi trường 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành” của TS. Dương Thanh An, Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng cục Môi trường; “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường trong phòng ngừa các nguồn gây ô nhiễm môi trường, tác động xấu lên môi trường” của TS. Mai Thế Toản, Phó Cục trưởng Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường, Tổng cục Môi trường; “Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về đa dạng sinh học ở địa phương” của ThS. Nguyễn Kim Tuyển, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Môi trường; “Vấn đề huy động nguồn lực cho quản lý chất thải và khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường” của ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Theo báo cáo của các diễn giả, cùng với sự phát triển nhanh chóng của tình hình kinh tế, xã hội cũng như các vấn đề môi trường nảy sinh thời gian qua như tác động của biến đổi khí hậu, an ninh môi trường, an ninh sinh thái đòi hỏi pháp luật về bảo vệ môi trường phải được cập nhật, bổ sung với các giải pháp đồng bộ, đủ mạnh, có tính đột phá.
Ngày 23 tháng 6 năm 2014, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 7 đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường. Ngay sau khi Luật được ban hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao Tổng cục Môi trường xây dựng, trình Bộ trưởng để trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 19 văn bản, trong đó có 05 Nghị định, 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 01 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và 11 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Các văn bản này đã giúp tăng cường công tác quản lý môi trường ở tất cả các cấp ngành trung ương và địa phương, đồng thời giúp các doanh nghiệp thực thi tốt công tác bảo vệ môi trường song hành với đẩy mạnh kinh doanh, sản xuất.
Về công tác đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường trong phòng ngừa các nguồn gây ô nhiễm môi trường, tác động xấu lên môi trường, trong thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện, thực hiện hiệu quả hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quy hoạch môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường; trên cơ sở cân nhắc và tính toán thoả đáng các nhân tố kinh tế, xã hội, nhân văn nhằm tạo ra cơ sở pháp lý và môi trường thuận lợi cho hoạt động quy hoạch môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường; cần có sự phân công, phân cấp hợp lý chức năng, nhiệm vụ bảo vệ môi trường giữa các ngành, các cấp và các địa phương; hình thành cơ chế phối hợp hiệu quả để giải quyết các vấn đề môi trường liên ngành, liên vùng và những vấn đề môi trường trọng điểm.
Nhằm tăng cường công tác quản lý đa dạng sinh học ở các địa phương thì việc thành lập phòng chuyên môn quản lý nhà nước về bảo tồn đa dạng sinh học trong Chi cục Bảo vệ môi trường là cần thiết đối với các địa phương nơi có các khu bảo tồn, vường quốc gia có đa dạng sinh học cao, nhằm triển khai Luật Đa dạng sinh học và thực hiện công tác QLNN về bảo tồn đa dạng sinh học có hiệu quả.
Đầu tư cho bảo vệ tài nguyên và môi trường, quản lý chất thải và khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường bao gồm những hoạt động đầu tư liên quan tới việc sử dụng hợp lý, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và những hoạt động phòng ngừa, giảm thiểu, loại bỏ những tác động tiêu cực do các hoạt động kinh tế xã hội của con người gây ra đối với môi trường.
Trong đầu tư phát triển, nhà nước đã coi trọng đầu tư trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên và môi trường. Hoạt động đầu tư đã phần nào đáp ứng các mục tiêu: đầu tư để cải thiện chất lượng môi trường sống; đầu tư để nâng cao hiệu quả phát triển, tránh những tổn thất về GDP; đầu tư vì cuộc sống của những thế hệ tương lai.
Sau khi nghe các bài tham luận, các chuyên gia đã cùng nhau trao đổi, thảo luận sôi nổi và đóng góp ý kiến xây dựng báo cáo của Hội thảo quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường để trình Phiên toàn thể Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ IV như cần tăng cường bộ máy quản lý về bảo vệ môi trường tại địa phương, bổ sung cơ chế thực hiện công tác bảo vệ môi trường, bổ sung quy định, hướng dẫn cụ thể cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao kiến thức và vai trò của cộng đồng trong thực hiện công tác bảo vệ môi trường, từng người dân cần biết trách nhiệm, bổn phận của mình, góp phần bảo vệ tốt môi trường sống sung quanh …
Theo VEA