Logo
phone
Hotline: 02437327155
Hiện trạng hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng cộng nghệ phát triển công nghiệp môi trường P1
  08/04/2016
icon-zalo

 

Hiện trạng nghiên cứu phục vụ công nghiệp môi trường Việt Nam

 

Tiềm năng nghiên cứu phát triển công nghiệp môi trường của Việt Nam là rất lớn, chủ yếu nằm ở hệ thống các Viện nghiên cứu, các Trường đại học, các Tập đoàn, Tổng công ty, và phần nhỏ ở công ty tư vấn, các công ty môi trường. Các nhiệm vụ nghiên cứu phục vụ CNMT rất đa dạng, chúng được thực hiện nhiều nhất dưới sự tài trợ của các Chương trình nhà nước, ngoài ra, còn có các nghiên cứu ở cấp Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, tính đến 2015 đã có 63 nhiệm vụ nghiên cứu phát triển ngành công nghiệp môi trường  (trong đó có 49 đề tài và 14 dự án) được phê duyệt thực hiện.

 

1. Hiện trạng nghiên cứu phục vụ công nghiệp môi trường Việt Nam:

 

1.1 Các đơn vị nghiên cứu

 

Tiềm năng nghiên cứu phát triển công nghệ môi trường của Việt Nam chủ yếu nằm ở hệ thống các Viện nghiên cứu, các Trường đại học (thiên về hướng nghiên cứu hàn lâm); về khía cạnh ứng dụng thực tế, nằm ở các hệ thống các Tập đoàn, Tổng công ty, và phần nào đó ở công ty tư vấn, các công ty môi trường. Các công ty môi trường đô thị chủ yếu thực hiện các công tác sản xuất là nơi tiếp thu và triển khai công nghệ.

 

1.1.1.      Hệ thống các Viện trực thuộc Trung ương và các Bộ, ngành

 

Theo số liệu của Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia [1], tính tới 12/2005, khu vực nhà nước cả nước có tới 694 tổ chức đã đăng ký hoạt động trong lĩnh vực Nghiên cứu và Phát triển; trong đó, khối các tổ chức thuộc các trường đại học, học viện là 147, thuộc các doanh nghiệp nhà nước là 63, còn lại 484 tổ chức là các tổ chức trực thuộc các bộ, ngành.

 

Trong khối Viện nghiên cứu thì lớn và đa ngành nhất là Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam (VAST, tương đương cấp bộ). VAST có tới 34 viện chuyên ngành, trong đó 27 viện do Thủ tướng phê duyệt, 7 còn lại là do Viện Hàn lâm (VAST) phê duyệt. Đây là nơi tập trung số cán bộ nghiên cứu lớn nhất Việt Nam, có tới gần 4.000 cán bộ nghiên cứu, gồm vài chục nghành nghề, trong đó có 2.649 biên chế nhà nước, có tới 741 tiến sỹ hoặc cao hơn (12/2013) [2]. Về lĩnh vực công nghệ môi trường, VAST có Viện Công nghệ môi trường (IET). Đây là viện thuộc loại trẻ nhất VAST (QĐ thành lập do Thủ tướng ký 10/2002), có 53 biên chế/167 cán bộ viên chức, trong đó có 17 tiến sỹ và 49 thạc sỹ. Ngoài ra, các nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ môi trường còn có sự tham gia tích cực của Viện Hóa học, Viện Công nghệ sinh học… Trong giai đoạn 2011-2015, bốn viện thuộc VAST tham gia chủ trì tới 11/57 đề tài thuộc Chương trình nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phát triển ngành công nghiệp môi trường 2011-2015 do Bộ Công Thương quản lý.Ngoài ra, VAST còn chủ trì các Chương trình Tây Nguyên (đã tới Tây Nguyên 3) và khá nhiều các đề tài, dự án thuộc các Chương trình nghiên cứu cấp nhà nước khác, cũng như cấp tỉnh, thành phố trong lĩnh vực phát triển công nghệ môi trường.

 

Các tổ chức nghiên cứu trực thuộc các bộ, ngành khác có số lượng rất lớn, so với VAST nhỏ hơn nhiều, tuy nhiên, so với VAST các tổ chức này thường có chức năng phục vụ ngành nên sẽ được trình bày ở các mục 1.1.3 và 1.1.4 phía sau.

 

1.1.2.Hệ thống các Trường và các Viện, Trung tâm NC thuộc các trường đại học

 

Trong số gần 700 trường đại học, khoa, trường thành viên trực thuộc 2 Đại học Quốc gia (Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh) hoặc 3 Đại học vùng (Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng), viện đại học, học viện và trường cao đẳng của Việt Nam, có tới 43 trường đại học, 11 trường cao đẳng có đào tạo về môi trường, trong số đó chỉ có 13 trường đại học, 1 trường cao đẳng KTKT (Đại học Thái Nguyên) chỉ đào tạo khoa học, quản lý môi trường; các trường còn lại đều có đào tạo kỹ thuật hoặc công nghệ kỹ thuật môi trường.

 

Ở trình độ trên đại học, phần lớn các trường đại học lớn, các trường đại học quốc gia và đại học vùng, đều có đào tạo từ thạc sỹ trở lên. Riêng Đại học quốc gia Hà Nội có Trường Đại học Việt Nhật, đại học quốc tế đầu tiên liên kết với Đại học Tokyo (công lập) và Đại học Ritsumeikan (tư thục) (Nhật Bản), từ 9/2016 sẽ đào tạo trên đại học ngành công nghệ kỹ thuật môi trường.

 

Khối các trường đại học, nếu chỉ tính tuyển sinh 100 người/khóa (con số khiêm tốn, thực tế cao hơn) thì mỗi năm sẽ có tới khoảng 4.300 cử nhân/kỹ sư môi trường mới.Vì vậy, khối này đã và sẽ là nguồn nhân lực rất quan trọng cho sự nghiệp phát triển của khoa học, công nghệ, kỹ thuật cũng như công nghiệp môi trường Việt Nam trong tương lai. Về khía cạnh nghiên cứu CNMT, khối các trường đại học chủ trì 14/57 đề tài/dự án thuộc Chương trình nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phát triển ngành công nghiệp môi trường 2011-2015 do Bộ Công Thương quản lý, một số đề tài/dự án khác được thực hiện do khối các công ty thuộc trường. Ngoài ra, các đề tài tốt nghiệp có định hướng nghiên cứu về CNMT ở các cấp bậc đào tạo (cử nhân/kỹ sư; thạc sỹ, NCS) cũng rất phổ biến ở các khoa, trường. Tuy nhiên, trừ các trường lớn, nhiều trường, do điều kiện phòng thí nghiệm chưa tốt, nên sinh viên thường chỉ viết đồ án, khóa luận, luận văn, luận án tốt nghiệp dưới dạng lý thuyết, trừ các luận án của NCS, mà thiếu chứng minh thực nghiệm. 

 

Đại học quốc gia cũng là đơn vị quản lý Chương trình Tây Bắc, trong đó có một số đề tài theo hướng công nghệ môi trường. So với các đề tài do các Viện, các doanh nghiệp chủ trì, thì chất lượng các đề tài do các trường đại học thực hiện thường có trình độ hàn lâm khá cao, rất tốt về khía cạnh đào tạo nhân lực, tuy nhiên, còn hạn chế về khả năng ứng dụng.

 

1.1.3. Các Tập đoàn, Tổng công ty

 

Qua khảo sát 10 Tập đoàn, Tổng công ty lớn, các đơn vị này thường có các cán bộ chuyên trách về môi trường, thậm chí có Tập đoàn có cả công ty tư vấn thiết kế riêng về môi trường, nên hầu như đáp ứng một phần khá lớn các vấn đề phát sinh do sản xuất nội của Tập đoàn, như Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam. Tập đoàn TKS VN hàng năm dành tới 1.000 tỷ cho công tác bảo vệ môi trường, trong đó, 70% dành cho đầu tư các công trình BVMT, 30% dành cho các công việc BVMT thường xuyên; Tập đoàn có Công ty TNHH MTV Môi trường để phục vụ các nhu cầu của ngành.

 

Các ngành khác thường đầu tư một phần các công trình phục vụ bảo vệ môi trường như một thành phần của dây chuyền sản xuất, như Tổng công ty Công nghiệp xi măng VN (ví dụ hệ thống lọc bụi), Tập đoàn Hóa chất VN (thay hệ hấp thụ SO3 tiếp xúc đơn trong sản xuất H2SO4 bằng hệ tiếp xúc kép, giảm phát thải SO3), Tập đoàn Điện lực VN (các hệ thống khử bụi, xử lý SO2 cho các nhà máy nhiệt điện đốt than)… Các công trình bảo vệ môi trường khác, thường thuê các công ty chuyên trách như Tập đoàn Dệt may VN có tới 11 nhà máy xử lý nước thải, tất cả đều được tư vấn thiết kế và thi công nhờ các công ty chuyên môn. Các Tổng công ty, tập đoàn khác, như mía đường, rượu bia, xăng dầu … cũng ở trong trong tình trạng tương tự.

 

Hoạt động môi trường của khối các Tập đoàn, Tổng công ty được tổng hợp ở Phụ lục 1. Theo đó, TKV nổi lên như một đơn vị đầu tư lớn và khá chủ động trong các công tác xử lý nước thải, bãi thải rắn.

 

1.1.4. Các Công ty tư vấn, Công ty môi trường 

 

Về số các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực môi trường, con số rất không thống nhất. Theo nguồn từ Bộ Tài nguyên và môi trường (TNMT): Việt Nam có 3.769 (2012) doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường do các địa phương cấp phép hoạt động tại 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 96 doanh nghiệp do Bộ TNMT cấp phép (Doanh nghiệp hoạt động liên vùng, liên tỉnh, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại). Các địa phương có số lượng doanh nghiệp môi trường lớn là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Hải Phòng, Đăc Lắc, Bình Phước, Thái Bình, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Đồng Nai, Cần Thơ, Lâm Đồng. Bắc Giang [3].

 

Theo Tổng cục thống kê (2014) [4] tổng cộng cả nước có 1.125 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường.Như trên, nếu tính cả con số do các Bộ TNMT và các địa phương cấp giấy phép, thì con số này lên tới trên 3.000. Đề tài đã trực tiếp khảo sát 32 công ty môi trường các loại.

 

Các doanh nghiệp môi trường thường tập trung vào nhiệm vụ sản xuất, ít các kết quả nghiên cứu như một đề tài.Các công ty đã khảo sát, bao gồm cả các công ty hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ công ích (chủ yếu là xử lý rác sinh hoạt).Trong số đó, có vài công ty, ví dụ Công ty SEEN, Công ty Thoát nước và phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Công ty CP Đầu tư phát triển công nghệ môi trường Bình Phước, Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước – MT tỉnh Bình Dương… đã có một số hoạt động tự thân nghiên cứu, sản xuất một số thiết bị và chuyển giao công nghệ.

 

1.2. Các chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ môi trường

 

Nguồn tài trợ chính cho các hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) là từ ngân sách nhà nước, nguồn sự nghiệp khoa học (SNKH) thông qua các Chương trình nhà nước. Ở cấp nhà nước về lĩnh vựcmôi trường, có các Chương trình nghiên cứu lớn cấp nhà nước. Đó là Chương trình KC 08/11-15 “Nghiên cứu KH&CN phục vụ phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên” (Bộ KHCN quản lý), tập trung vào mục tiêu phục vụ phát triển công nghiệp môi trường cóChương trình nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phát triển ngành công nghiệp môi trường 2011-2015” (Bộ Công Thương quản lý). Ngoài ra, còn có các Chương trình nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển Tây Nguyên (VAST quản lý), Tây Bắc (Đại học quốc gia hà Nội quản lý), các Chương trình phát triển ngành, trong đó nội dung phát triển công nghệ môi trường luôn có vị trí nhất định. Ở các địa phương, các Viện, Trường lớn, đều có các chương trình nghiên cứu KHCN môi trường.

 

(Còn tiếp)

 

PGS. TS. Cao Thế Hà

Đối tác
bô kế hoạch
bộ tài chính
bộ khcn
bộ y tế
bộ nông nghiệp
bộ gtvt
bo xd
bo cong thuong
bộ tnmt