Logo
phone
Hotline: 02437327155
Hiện trạng phát triển doanh nghiệp và sản phẩm công nghiệp môi trường (tiếp theo và hết )
  19/11/2014
icon-zalo

 

Hiện trạng phát triển doanh nghiệp và sản phẩm công nghiệp môi trường (tiếp theo)

 

TS. Dương Đình Giám- Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách công nghiệp - Bộ Công Thương

 

2.3. Nhóm  doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dịch vụ môi trường

 

Ở Việt Nam, dịch vụ môi trường cũng chiếm tỷ trọng doanh thu lớn. Trong đó, xử lý chất thải rắn và nước thải (đô thị và công nghiệp) có số doanh nghiệp tham gia đông nhất, tiềm năng phát triển dịch vụ của Việt Nam rất lớn.

 

·         Dịch vụ vệ sinh và thu gom chất thải 

 

Giá trị của các dịch vụ này hiện lên tới hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn. Bên cạnh đó, xuất hiện nhiều dịch vụ mới như vệ sinh tòa nhà (công sở và hộ gia đình). Dịch vụ vệ sinh chuyên nghiệp đang dần thay thế cho các hoạt động tự cung trước kia. Nhiều dịch vụ chuyên biệt như vệ sinh mặt ngoài các tòa nhà cao tầng, sử dụng trang thiết bị hiện đại đã xuất hiện ở Việt Nam đáp ứng nhu cầu đang tăng cao.

 

·          Dịch vụ xây dựng và lắp đặt công trình (EPC)

 

Đây là dịch vụ thế mạnh của Việt Nam, đem lại doanh thu mỗi năm, riêng xử lý nước thải, ước khoảng ngàn tỷ đồng. Một số công ty có tên tuổi trong lĩnh vực này phải kể đến SEEN, ECO, ASIATECH, EBARA và nhiều công ty khác. Việt Nam chưa phát triển mạnh các dịch vụ theo kiểu BOT, chuyển từ xây lắp sang vận hành công trình, do còn thiếu các cơ chế chính sách và các chế tài ràng buộc đủ mạnh.

 

·         Dịch vụ đo đạc, điều tra đánh giá môi trường

 

Dịch vụ này hiện chủ yếu vẫn sử dụng vốn ngân sách, do các đơn vị sự nghiệp như trung tâm quan trắc của bộ ngành và địa phương đảm nhận. Việt Nam đã có hệ thống các trạm quan trắc quốc gia, từng địa phương có hệ thống các điểm quan trắc nhưng mức đầu tư còn thấp. Các dịch vụ đo đạc, đánh giá và lập báo cáo cho doanh nghiệp chưa thực hiện được nhiều và giá trị đầu tư chưa cao. Các dự án đo đạc, điều tra chuyên biệt (như đánh giá PCBs, kim loại nặng…) vẫn phải có sự hỗ trợ của nước ngoài về công nghệ và đầu tư.

 

·         Dịch vụ tư vấn môi trường

 

Có nhiều loại hình dịch vụ tư vấn môi trường như tư vấn điều tra và lập dự án ĐTM, ĐMC, CDM hay các tư vấn giải pháp công nghệ, giảm thiểu chất thải và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, mua sắm thiết bị công nghệ, tư vấn chính sách, tư vấn pháp luật, đào tạo…

 

Dịch vụ nổi trội và có doanh thu lớn nhất hiện nay là tư vấn ĐTM. Theo một nghiên cứu điều tra, cả nước hiện có khoảng gần 100 tổ chức/công ty chuyên tư vấn lập báo cáo ĐTM. Doanh thu riêng lĩnh vực ĐTM ở Việt Nam mỗi năm khoảng 100 tỷ đồng (gần 5 triệu USD).

 

Tiếp theo là các dịch vụ tư vấn CDM, mua bán cacbon, thị trường này có khả năng đạt doanh thu vài ngàn tỷ đồng.

 

Lĩnh vực có tỷ trọng doanh thu cao nhất và sản xuất quy mô lớn nhất hiện nay là dịch vụ xử lý nước thải và chế biến chất thải rắn. Đây cũng là những mục tiêu ưu tiên đã được xem xét trong quy hoạch phát triển ngành công nghiệp môi trường hướng đến phát triển khu vực sản xuất mang tính công nghiệp, giải quyết vấn đề môi trường cấp thiết hiện nay về chất thải.

 

Thống kê đến năm 2010, tổng lượng nước thải KCN của 3 vùng kinh tế trọng điểm là 640.963m3/ngày đêm, mới chỉ có 62 nhà máy đang hoạt động, với tổng công suất 217.400 m3/ngày đêm, tỷ lệ chế biến cả 3 vùng mới đạt 34%. Tỷ lệ chế biến theo từng vùng, cao nhất là vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đạt 44% (công suất chế biến trên tổng lượng thải KCN của vùng), tiếp theo là vùng Đông Nam Bộ với tỷ lệ 34% và thấp nhất là vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung, mới chỉ đạt 11%.

 

-        Xử lý nước thải đô thị và tại các cơ sở sản xuất công nghiệp

 

Khu vực đô thị, vẫn còn quá ít các nhà máy xử lý nước thải. Hiện nay, mới có 6 tỉnh/thành phố trên cả nước đã có nhà máy xử lý nước thải tập trung, phần lớn đều là các doanh nghiệp công ích. (xem bảng 10)

 

-       Dịch vụ chế biến CTR

 

Công nghiệp chế biến CTR trong Niên giám thống kê được xếp vào nhóm ngành E38 là nhóm ngành thu gom, xử lý chế biến và tiêu hủy rác thải, tái chế phế liệu.

 

Các lĩnh vực thuộc ngành E38 gồm:E381: Thu gom rác thải;E382: Xử lý chế biến và tiêu hủy rác;E383: Tái chế phế liệu.

 

Chất thải rắn có nhiều phân loại khác nhau. Trong phần lớn các quy hoạch quản lý CTR của địa phương, được phân làm 3 loại chính theo tính chất nguồn thải: (i) Chất thải rắn sinh hoạt đô thị, bao gồm cả bùn thải và chất thải nguy hại, (ii) Chất thải công nghiệp và công nghiệp nguy hại và (iii) Chất thải y tế. Riêng TP. Hồ Chí Minh, quy hoạch quản lý CTR thành phố đề cập đến 5 loại CTR trong diện quản lý.

 

Xét góc độ chế biến, chỉ có 2 dạng chế biến chính là: (i) chế biến CTR thông thường và (ii) chế biến CTNH. Sau đây sẽ xem xét cụ thể từng vấn đề.

 

(i) Chế biến CTR thông thường

 

Chính phủ đang chủ trương giảm chôn lấp, tăng tỷ lệ chế biến chất thải. Tuy nhiện, hiện trạng chế biến hiện còn rất thấp so với mục tiêu đề ra. Cả nước mới có 12 tỉnh và 16 cơ sở chế biến rác đang hoạt động với công suất khoảng 3.000 - 4.000 tấn/ngày và 14 cơ sở khác đang xây dựng.

 

Các công ty tư nhân trong nước nổi bật như: (i) Công ty CP đầu tư và phát triển Tâm Sinh Nghĩa: công nghệ ASC: 7 dự án (4 đi vào hoạt động 3 đang xây dựng); (ii) Công ty CP công nghệ Môi trường xanh Seraphin: 2 dự án đang hoạt động;(iii)  Công ty CP tiến bộ quốc tế (AIC): 1 dự án: 1000 tấn rác/ngày;(iv)Công ty CP xử lý chất thải Hạ Long: 1dự án đang hoạt động: công suất: 400 tấn/ngày rác sinh hoạt, 300 tấn/ngày rác công nghiệp; (v) Công ty CP TNHH Xây dựng, Thương mại và Sản xuất Nam Thành: 1 dự án: 250 tấn/ngày; (vi)Công ty CP Môi trường Việt Nam, dự án chế biến rác thành dầu PO, RO, công suất 650 tấn/ngày tại Khánh Sơn, Đà Nẵng; (vii)Công ty Dân Xuân, sản xuất viên nhiên liệu bằng công nghệ đốt hiếm khí, 1 dự án ở Long An.

 

Trong lĩnh vực chế biến rác thải, vai trò doanh nghiệp tư nhân ngày càng lớn hơn, số doanh nghiệp tham gia ngày càng đông hơn, có mặt trong tất cả các lĩnh vực chế biến CTR. Đây trở thành xu thế mới trong phát triển, kết quả của chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực môi trường.

 

Đặc biệt, đã xuất hiện một số công ty có vốn đầu tư nước ngoài, như VWS (Vietnam Waste Solution) và Lemna International (Hoa Kỳ), Tập đoàn Lemna International (Hoa Kỳ), Công ty KM Green (Hàn Quốc)

 

(ii) Chế biến CTR công nghiệp và nguy hại

 

Doanh nghiệp thu gom và xử lý chế biến và tiêu hủy rác thải độc hại chiếm 5% và 3% tổng số doanh nghiệp trong nhóm E382. Đó là lĩnh vực phát triển rất nhanh trong những năm gần đây.

 

Hiện nay, cả nước có 86 doanh nghiệp được Bộ TN&MT cấp phép hành nghề quản lý CTNH đang hoạt động. Bên cạnh một số doanh nghiệp xin rút, nhiều đơn vị mở rộng quy mô sản xuất (thể hiện bằng việc xin cấp lại Mã số QLCTNH).

 

Xử lý chất thải nguy hại có mối liên hệ mật thiết với các công ty vận chuyển chất thải, được cấp phép thu gom chất thải theo vùng hoặc địa phương. Trước đây, đó là hai lĩnh vực độc lập, tách rời vì vậy doanh nghiệp hoặc làm vận tải hoặc chỉ có xử lý. Những năm gần đây, quy định mới đòi hỏi các công ty vận tải phải gắn với cơ sở xử lý.

 

Trong số 86 doanh nghiệp được cấp phép đến cuối năm 2011, có đến 49/86 doanh nghiệp chuyên làm vận chuyển. 9 doanh nghiệp trong số đó sang năm 2012, không đáp ứng yêu cầu đã xin ngừng hoạt động. Có 1 đơn vị liên quan đến xử lý chất thải, do không cạnh tranh được xin dừng. Lý do có thể do các quy định mới của Nhà nước, các công ty vận chuyển phải có cơ sở xử lý chế biến, mới được tham gia vận chuyển.

 

Trong số 80 đơn vị hoạt động năm 2010, có 28 đơn vị đã gia tăng quy mô sản xuất vào năm tiếp theo, trong đó 22 đơn vị gia tăng cả vận chuyển lẫn xử lý, 3 đơn vị chỉ gia tăng xử lý, 3 đơn vị chỉ gia tăng vận chuyển. Tỷ lệ phát triển là (28/80).

 

Có đến hơn 50% các đơn vị chỉ tham gia vận chuyển và lưu trữ tạm thời CTNH. Trong số những đơn vị tham gia vào vận chuyển, 50% số đó thực hiện luôn việc xử lý CTNH. Chỉ có 3 đơn vị không tham gia vận chuyển mà tập trung vào xử lý.

 

Xử lý khí thải theo hướng công nghiệp còn chưa phát triển, trên thực tế mới chủ yếu liên quan đến Công nghiệp thu giữ cacbon (CCS-Carbon Capture and Storage System), một ngành công nghiệp có thể đem lại các giá trị gia tăng mới từ việc thu và giữ cacbon, tái sử dụng lại nguồn cacbon dư thừa.

 

Công nghệ thu cacbon trên thế giới hiện tiếp cận theo 3 hướng: (i) Thu giữ sau đốt, (ii) Thu giữ trước khi đốt và (iii) Đốt bằng nhiên liệu chứa oxy. Các công nghệ hiện tại có thể thu giữ tới 85-90% lượng phát thải cacbon từ các nhà máy điện. Tuy nhiên, do giá thành thu giữ vẫn còn cao, khoảng 27-82 USD cho 1m3 cacbon trong công nghệ CCS. Do giá thành còn đắt nên công nghệ thu giữ cacbon chưa được nhiều nước, nhất là nhóm nước không buộc phải cam kết cắt giảm áp dụng.

 

Việt Nam lần đầu tiên có thống kê về môi trường, xuất phát từ Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg[1] và số 39/2010/QĐ-TTg[2], quy định danh mục ngành sản xuất và sản phẩm, gồm 28 chỉ tiêu. Theo đó, nhiều chỉ tiêu ngành CNMT được thể hiện trong nhóm ngành E như Bảng 11.

 

Đã có 4 nhóm hoạt động được đưa vào thống kê, mang ký hiệu đầu là E38. Trong đó, E381 - thu gom rác thải, E382 - xử lý chế biến và tiêu hủy rác thải, E383 - tái chế phế liệu và E384 - khai thác xử lý nước, thoát nước và xử lý nước thải. Rất khó sử dụng số liệu thống kê để đánh giá hoạt động ngành CNMT, do mới chỉ bắt đầu và còn khác biệt trong cách phân loại (so với APEC).

 

Nhận định về hiện trạng hệ thống thống kê môi trường của Việt Nam, hoàn toàn thiếu vắng các chỉ số liên quan đến doanh nghiệp sản xuất thiết bị công nghệ môi trường, thiếu vắng nhiều loại hình dịch vụ môi trường như tư vấn, xây dựng lắp đặt. Ngay trong từng lĩnh vực mặc dù có số liệu thống kê, song chưa đủ chi tiết phản ánh các hoạt động chế biến như tái chế chất thải.

 

Thực tế, đây là các chỉ số thống kê liên quan đến môi trường nói chung, không phải là các thống kê riêng cho ngành CNMT. Tuy nhiên, đây là những số liệu chính thức đầu tiên liên quan đến ngành CNMT, có giá trị tham khảo tốt.

 

Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xử lý nước thải đô thị và công nghiệp số lượng doanh nghiệp còn hạn chế, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khi đó chỉ có 6/63 tỉnh thành phố có nhà máy xử lý nước thải. XLNT khu công nghiệp mới đáp ứng khoảng 34% nhu cầu; trong 283 KCN mới có 105 KCN có nhà máy XLNT tập trung, chiếm 61% khu công nghiệp đang hoạt động.

 

Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xử lý CTR đô thị, mới đáp ứng 15% nhu cầu, phần lớn chất thải đang được chôn lấp. CTNH là lĩnh vực phát triển nhất với 86 doanh nghiệp, tính đến tháng 5/2012. Tuy nhiên, phần lớn chế biến CTNH có quy mô nhỏ đến rất nhỏ, công nghệ lạc hậu, ô nhiễm.

 

Lĩnh vực xử lý khí thải chưa phát triển. Việt Nam chưa chín muồi trong việc phát triển ngành công nghiệp CCS, do chưa có sự chuẩn bị cần thiết hạ tầng lưu trữ, phát triển nguồn nhân lực. Đặc biệt, do không nằm trong danh sách phụ lục 1, thuộc các nước buộc phải cắt giảm khí nhà kính nên vẫn chưa thực sự quan tâm đến phát triển lĩnh vực này.

 

Sản xuất chế tạo thiết bị công nghệ môi trường, mặc dù khởi sắc trong những năm gần đây, tự chế tạo được một số lò đốt, dây chuyền phân loại, tuy nhiên, do thị trường nhỏ hẹp vì thế chưa phát triển sản xuất ở quy mô công nghiệp. Sản phẩm xanh hứa hẹn là lĩnh vực phát triển tiềm năng.

 

Qua kết quả nghiên cứu cho thấy một xu hướng các doanh nghiệp đăng ký trong lĩnh vực môi trường vẫn gia tăng theo thời gian trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức. Các doanh nghiệp đang hoạt động thì mở thêm lĩnh vực môi trường, các doanh nghiệp mới hình thành ngày càng mang tính chuyên môn hóa hơn, chuyên nghiệp hơn với sự đa dạng về loại hình công ty, phương thức cung cấp dịch vụ nhằm đáp ứng từng bước nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, cũng xuất hiện ngày càng nhiều các doanh nghiệp nước ngoài được cấp phép hoạt động về lĩnh vực công nghiệp môi trường tại Việt Nam.

 

(xem toàn bộ báo cáo tại đây)

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1.              Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030, 2012

 

2.              Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chiến lược Quốc gia về Tài nguyên nước đến năm 2020, NXB Văn hóa - Thông tin, 2006

 

3.              Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, 2009

 

4.              Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 - 2015, 2012

 

5.              Tổng Cục Thống kê, Dự báo dân số Việt Nam 2009 – 2049, 2011

 

6.              Tổng Cục Thống kê, Niêm giám thống kê năm 2009, 2010, 2011

 

7.              Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, Báo cáo Quy hoạch tổng thể (định hướng) hệ thống quản lý chất thải thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 hướng đến hệ thống quản lý xanh (Green Managerment System), 2011

 

8.              Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công nghiệp, Điều tra hiện trạng công nghiệp môi trường, đề xuất giải pháp nhằm phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam, 2007

 

9.              Trung tâm thông tin và khoa học công nghệ quốc gia, Tổng luận về Công nghệ Xử lý Chất thải rắn của một số nước và ở Việt Nam

 

10.           Tài liệu hội thảo về kinh nghiệm của Nhật Bản trong lĩnh vực tái chế, tái sử dụng, giảm thiểu chất thải (3R), 2008

     

Đối tác
bô kế hoạch
bộ tài chính
bộ khcn
bộ y tế
bộ nông nghiệp
bộ gtvt
bo xd
bo cong thuong
bộ tnmt