Logo
phone
Hotline: 02437327155
Hiện trạng phát triển doanh nghiệp và sản phẩm công nghiệp môi trường (tiếp theo)
  19/11/2014
icon-zalo

 

Hiện trạng phát triển doanh nghiệp và sản phẩm công nghiệp môi trường (tiếp theo)

 

TS. Dương Đình Giám- Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách công nghiệp - Bộ Công Thương

 

2.2. Doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sử dụng bền vững tài nguyên và phục hồi môi trường

 

Tái chế phế liệu thuộc nhóm ngành E383, chiếm khoảng 26% tổng số doanh nghiệp nhóm ngành E38. Các lĩnh vực hoạt động chính như sau: (i)Khai thác và sản xuất nước sạch; (ii) Năng lượng mới  và sử dụng hiệu quả năng lượng; (iii) Tái chế chất thải; (iv)Phục hồi môi trường.

 

Công nghiệp tái chế giấy

 

Theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, gần 70% sản lượng giấy hiện nay được sản xuất từ nguyên liệu tái chế. Điều đó đồng nghĩa, ngành giấy của Việt Nam đang hoạt động như một ngành tái chế quy mô lớn (xem bảng 2).

 

Ngành giấy hiện có 302 cơ sở sản xuất giấy và bột giấy. Trong đó, công nghiệp sản xuất giấy bao bì và phần lớn giấy in báo là công nghiệp tái chế, sử dụng 100% nguyên liệu giấy tái chế. Ngành giấy hiện đang điều chỉnh quy hoạch, song đó vẫn là ngành công nghiệp tái chế dựa trên nguyên liệu tái chế. Tính đến năm 2011, tổng năng lực sản xuất bột giấy là 650.000 tấn/năm (xem bảng 3). Năng lực sản xuất giấy trong nước đến 2012 ước đạt 2,1 triệu tấn giấy các loại. Danh mục các doanh nghiệp sản xuất được nêu tại bảng 4

 

Công nghiệp tái chế nhựa và nylon

 

Theo Hiệp hội Nhựa (VPA), cả nước hiện có hơn 2.000 doanh nghiệp nhựa với công suất khoảng 3,8 triệu tấn sản phẩm nhựa/năm[1]. Nguyên liệu trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu, mỗi năm ngành nhựa vẫn phải nhập khẩu 2 - 2,5 triệu tấn nguyên liệu nhựa các loại như PE, PP, ABS, PC, PS. Trong đó, 80% nguyên liệu nhựa là nhựa phế liệu [2],[3].

 

Thực tế, có rất nhiều loại nguyên liệu nhựa thải có chất lượng, nhưng chưa được tận dụng có hiệu quả như nguyên liệu từ chất thải của nhà máy nhựa (Việt Nam hiện có khoảng 200 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nhựa), sản phẩm công nghiệp và từ y tế (các loại nhựa thông thường). Nhiều loại nhựa thải đang ở dạng sạch song phân loại không tốt, chứa tạp chất và chất thải nguy hại. Sự lãng phí đó khiến cho nguồn nguyên liệu nhựa thải khó đáp ứng cho nhu cầu sản xuất quy mô công nghiệp, tạo sự đột phá phát triển ngành công nghiệp tái chế nhựa. Theo tính toán của VINAPLAST, nguồn cung trong nước tối đa chỉ đáp ứng vài trăm tấn phế liệu nhựa đạt tiêu chuẩn trong một ngày, trong khi đó chỉ một nhà máy tái chế nhựa có công suất 50.000 tấn/năm (có tính kinh tế và kỹ thuật cao) một ngày cần 1000 tấn phế liệu nhựa đạt tiêu chuẩn.

 

Hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước đã có hàng loạt văn bản liên quan đến việc nhập khẩu - tái chế phế liệu. Theo Quyết định số 12/2006/QĐ-BTNMT của Bộ TN&MT, plastic (nhựa) ở dạng khối, thanh, ống, tấm, sợi mảnh được loại ra từ quá trình sản xuất, chưa qua sử dụng được phép nhập khẩu. Tuy nhiên, thực tế dạng nguyên liệu này đều được thu hồi để tái sử dụng bởi chính nhà sản xuất nên số lượng cung cấp cho thị trường rất hạn chế, giá cả cũng cao gần với giá nguyên liệu chính phẩm nên doanh nghiệp hầu như không nhập. Nguyện vọng của VPA là được phép nhập khẩu tất cả chủng loại nguyên liệu nhựa ở dạng khối, cục, thanh, ống, tấm, sợi được loại ra từ quá trình sản xuất đã hoặc chưa qua sử dụng.

 

·       Công nghiệp tái chế kim loại

 

Tái chế kim loại quy mô lớn, chủ yếu là các nhà máy luyện phôi thép sử dụng thép phế nhập khẩu. Theo Hiệp hội thép Việt Nam, cả nước hiện có 25 nhà máy sản xuất phôi từ thép phế nhập khẩu, với tổng công suất khoảng 5,4 triệu tấn/năm (xem bảng 5).. Lượng thép phế trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu, còn lại gần 70% nguyên liệu phải nhập khẩu (xem bảng 6) 

 

Nguồn thép phế trong nước hiện được thu gom chủ yếu thông qua hệ thống đồng nát. Ở Việt Nam, thép phế liệu xuất sứ từ nhiều nguồn như phá dỡ các công trình xây dựng, phá dỡ tàu cũ, phương tiện cũ (như ô tô), các chất thải điện tử (máy tính, máy giặt...) và rác thải sinh hoạt của người dân.

 

Về gam công suất, trong 25 nhà máy phôi thép chỉ có 6/25 nhà máy có công suất lớn trên 300 ngàn tấn/năm, chiếm 52% tổng công suất. Phần lớn nhà máy có công suất trung bình 150-200 ngàn tấn/năm.

 

Theo phân bố, có 14 nhà máy phân bố ở phía Bắc, nhiều nhất ở Hải Phòng và Thái Nguyên, chiếm 56% số lượng và 51% tổng công suất. Miền Nam, chủ yếu khu vực Đông Nam Bộ như Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, có 7 nhà máy chiếm 28% số lượng và 37% tổng công suất.

 

·       Công nghiệp tái chế chất thải điện tử

 

Việt Nam chưa có công nghiệp tái chế chất thải điện tử thực thụ, chỉ có các cơ sở tái chế nhỏ và làng nghề. Đây là vấn đề lớn của Việt Nam, bởi chất thải điện tử đang gia tăng nhanh hàng năm.

 

Hiện tại, chất thải điện tử sơ chế thủ công mang tính tận thu tại các cơ sở tư nhân quy mô nhỏ, chất thải điện tử được rã ra để thu gom linh kiện, hoặc lấy những phần có thể bán được (kim loại, nhựa, thủy tinh), phần không sử dụng được đem đổ lẫn với rác thải sinh hoạt đô thị. Nhiều linh kiện điện tử như bảng mạch đang được các đầu mối mua, phân loại và xuất khẩu. (xem bảng 7)

 

·         Công nghiệp tái chế gắn với nguồn CTR đô thị

 

Công nghiệp tái chế chất thải hữu cơ làm phân vi sinh với khoảng trên vài chục nhà máy quy mô 50-200 tấn/ngày đang hoạt động, suất đầu tư từ vài chục tỷ đến hàng trăm tỷ đồng. Phần lớn các nhà máy chế biến phân vi sinh gắn với nguồn rác thải sinh hoạt đô thị, công nghệ phân loại như SERAPHIN, ASC.

 

Công nghiệp đốt rác phát điện mới thể hiện ở các dự án chào mời, còn chưa có điều kiện thực hiện. Song, đây là nhu cầu cấp thiết phải xem xét đến trong quy hoạch do biến động gia tăng lượng rác thải nguy hại và khả năng tiêu thụ sản phẩm chế biến từ rác hữu cơ có giới hạn. (xem bảng 8)

 

·         Công nghiệp tái chế gắn với xử lý chế biến CTNH

 

Công nghiệp tái chế dầu thải, gắn với doanh nghiệp chế biến CTNH. Hiện có khoảng 13 cơ sở tái chế dầu thải dưới danh nghĩa là các công ty xử lý chế biến chất thải nguy hại (nằm trong số 86 công ty cấp phép).

 

Công nghiệp đốt chất thải nguy hại thu hồi nhiệt, phát điện, đã phát triển phạm vi quy mô nhỏ. Hà Nội đang triển khai dự án đốt chất thải công nghiệp phát điện công suất 70 tấn/ngày. Thành phố HCM đã có 1 nhà máy đốt chất thải công nghiệp nguy hại, kết hợp thu hồi nhiệt.

 

·         Công nghiệp tái chế khác

 

Công nghiệp tái chế chất thải rắn ngành điện liên quan đến nhiệt điện chạy than, hàng năm thải ra lượng lớn xỉ và tro bay. Kết quả điều tra tai khu vực Phả Lại, đang có khoảng 5 doanh nghiệp sử dụng chất thải rắn (xỉ và tro bay) từ nhà máy điện để làm vật liệu xây dựng. Theo thiết kế Tổng sơ đồ Điện VII tới đây, tỷ trọng nhiệt điện chạy than sẽ rất cao, biết rằng 25-30% lượng than sử dụng sẽ được thải ra dưới dạng chất thải rắn ngành điện, vì vậy cần các công nghệ thích hợp và các cơ sở tái chế quy mô lớn để giải quyết vấn đề này.

 

Các công nghiệp tái chế khác còn bao hàm các chất thải ngành thép (như xỉ lò cao, lò điện và bụi thải). Đã có rất nhiều công ty nước ngoài vào Việt Nam đặt vấn đề khai thác và tái chế các chất thải ngành thép thu hồi kim loại, tìm kiếm các thông tin liên quan đến chất lượng, thành phần chất thải của Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đặt vấn đề cho phép nhập khẩu chất thải rắn ngành thép (cụ thể từ Nhật Bản) để phát triển các công nghiệp tái chế ở Việt Nam.

 

Liên quan đến tái chế chất thải rắn ngành thép, còn nhiều vấn đề quản lý và tiêu chuẩn còn chưa được tháo gỡ, vì vậy chưa phát triển được lĩnh vực công nghiệp này.

 

Công nghiệp tái chế khác liên quan đến chất thải ngành đóng tàu (như hạt nix, bụi kim loại thu hồi sau đánh bóng bề mặt), chất thải trong khai thác khoáng sản (như bùn đỏ trong khai thác bauxit), mới chỉ là những thử nghiệm. Một số công ty cho biết đã tìm được các công nghệ thích hợp, hiện quan tâm đến chế biến chất thải của ngành cơ khí đóng tàu như hạt nix, bùn đỏ trong khai thác bauxit.

 

Công nghiệp tái chế các chất thải phóng xạ, với các nguyên liệu đã qua sử dụng tại các nhà máy điện hạt nhân trong tương lai, sẽ hứa hẹn ra đời một ngành công nghiệp rất có tiềm năng.

 

Làng nghề tái chế

 

Kết quả điều tra phân loại thuộc Đề tài Nhà nước KC 08-09, Việt Nam hiện có khoảng 100 làng nghề tái chế các loại.

 

Các doanh nghiệp tái chế tại các làng nghề, mới chỉ tập trung vào một số loại nguyên liệu chất thải phổ biến như kim loại (sắt, đồng, nhôm, chì), giấy và nhựa các loại. Trong đó, các làng nghề tái chế kim loại (chiếm trên 80% số lượng làng nghề). Sản xuất làng nghề phần lớn có quy mô hộ gia đình, chiếm tới trên 90% trong số các cơ sở tham gia ngành tái chế. (xem bảng 9)

 

Theo Ngân hàng thế giới, tổng giá trị sản xuất công nghiệp làng nghề Việt Nam chiếm 1% GDP công nghiệp, song có giá trị nhất định trong bối cảnh thiếu việc làm ở nông thôn, mang ý nghĩa xã hội.



[1] http://www.vietrade.gov.vn/nha-cht-do-va-cao-su/1498-tong-quan-nganh-hang-nhua-viet-nam-phan-2.html

[2] http://www.vietrade.gov.vn/nha-cht-do-va-cao-su/1498-tong-quan-nganh-hang-nhua-viet-nam-phan-1.html

[3] Do Thanh Bai et.al. 2008. “Scientific and practical fundamental to approach the formation of criteria for plastic wastes importation.”

 

Đối tác
bô kế hoạch
bộ tài chính
bộ khcn
bộ y tế
bộ nông nghiệp
bộ gtvt
bo xd
bo cong thuong
bộ tnmt