Logo
phone
Hotline: 02437327155
Hiện trạng phát triển doanh nghiệp và sản phẩm công nghiệp môi trường
  07/11/2014
icon-zalo

 

TS. Dương Đình Giám- Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách công nghiệp - Bộ Công Thương

 

1. MỞ ĐẦU

 

Doanh nghiệp công nghiệp môi trường là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp môi trường không phân biệt loại hình sở hữu, loại hình công ty, có đăng ký hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam kể cả doanh nghiệp tư nhân, hộ gia đình cũng như doanh nghiệp nước ngoài. Lĩnh vực công nghiệp môi trường gồm có:

 

1.     Dịch vụ môi trường: bao gồm các lĩnh vực sau:Thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải; Quan trắc, phân tích môi trường, đánh giá tác động môi trường; Phát triển, chuyển giao công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, công nghệ môi trường;Tư vấn, đào tạo, cung cấp thông tin về môi trường; Giám định về môi trường đối với hàng hóa, máy móc, thiết bị, công nghệ; Giám định thiệt hại về môi trường, giám định sức khỏe môi trường; Kinh doanh hàng hóa, máy móc, thiết bị, công nghệ ngành môi trường.

 

2. Sản xuất thiết bị công nghệ môi trường: Sản xuất thiết bị, công nghệ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải;  Sản xuất hóa chất xử lý, chế phẩm sinh học môi trường; Dụng cụ, thiết bị, máy móc đo lường, lấy mẫu và phân tích mẫu môi trường.

 

3. Khôi phục và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên

 

- Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khôi phục, làm sạch các vùng ô nhiễm.

 

- Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tái chế chất thải.

 

II. Hiện trạng phát triển doanh nghiệp và sản phẩm

 

1. Doanh nghiệp sản xuất thiết bị và sản phẩm công nghiệp môi trường

 

Sản phẩm thiết bị công nghệ môi trường chưa có tên trong danh mục và tiêu chí thống kê về môi trường Việt Nam, đang được gộp chung vào các sản phẩm cơ khí hay phân ngành công nghiệp khác. Bản chất, đây là lĩnh vực công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp môi trường, có xuất xứ từ nhiều ngành (hóa chất, xây dựng, thép, cơ khí, điện tử…).

 

Thiết bị công nghệ môi trường trong xử lý chất thải chiếm từ 40 - 60% tổng giá trị đầu tư công trình, ước đạt 700-1000 ngàn tỷ/năm. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có công nghiệp chế tạo thiết bị đúng nghĩa, mới chỉ dừng ở gia công cơ khí và lắp ráp, sản xuất đơn lẻ.

 

Thiết bị công nghệ xử lý khí thải: Việt Nam đã có một số công ty chuyên cung cấp công nghệ xử lý bụi, khí thải cho nhiều ngành công nghiệp, thậm chí có khả năng xuất khẩu cụm công nghệ xử lý đó ra nước ngoài như Công ty LILAMA. Tuy nhiên, đây chỉ là thiết bị lắp ráp. Bản thân LILAMA cũng là một công ty dịch vụ, chuyên trong lĩnh vực tổng thầu xây dựng và lắp đặt, không phải là nhà sản xuất thiết bị đúng nghĩa.

 

Ngoài LILAMA, những doanh nghiệp theo hướng này còn có: Viện nghiên cứu Cơ khí, Viện Công nghệ Môi trường và Bảo hộ Lao động TP. Hồ Chí Minh, Tổng công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (Vinaincon), Tổng công ty Cơ khí Xây dựng (COMA groups),  NARIME, Viện IMI, Viện Luyện kim màu;Trung tâm Coshep;Công ty Môi trường Bách khoa Hà Nội.

 

Thiết bị công nghệ xử CTR: (i) Lò đốt rác nguy hại và thông thường: Việt Nam hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất và chế tạo thiết bị xử lý chất thải nguy hại như: Công ty Khoa học Công nghệ và bảo vệ môi trường (STEPRO);Công ty TNHH Tân Thuận Phong;Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga;Công ty Bách khoa Hồ Chí Minh và Hà Nội; Một số doanh nghiệp tư nhân.

 

Công nghệ lò đốt CTNH được các doanh nghiệp sản xuất là lò đốt đa cấp, hệ thống lò phản xạ đa vùng và lò đốt hai cấp với gam công suất nhỏ từ 16-20 tấn/ngày. Các gam công suất lớn hơn chủ yếu nhập khẩu. Do đặc thù của chất thải nước ta, nên các lò đốt nhập khẩu được cải tiến trong nước có sức tiêu thụ tốt.

 

Gần đây, một số doanh nghiệp đi vào chế tạo lò đốt chất thải rắn thông thường, dựa trên nền tảng công nghệ Nhật Bản. Đó là các loại lò đốt không sử dụng nguyên liệu đốt như điện, dầu mà sử dụng rác thải. Gam công suất phổ biến <200 tấn/ngày, đa dạng về quy mô, công suất phù hợp với từng loại đô thị. Tuy nhiên, sản xuất chế tạo trong nước vẫn mang tính nhỏ lẻ, đơn chiếc và tự phát.

 

(ii) Thiết bị công nghệ phân loại rác: Rác thải sinh hoạt từ các đô thị của Việt Nam phức tạp do chưa được phân loại. Để giải quyết vấn đề trên, Việt Nam đã nghiên cứu chế tạo một số công nghệ phân loại và sấy khô rác, trong đó có 3 công nghệ phân loại là SERAPHIN, Công ty An sinh(nay là Tâm Sinh Nghĩa - ASC) và Công ty Môi trường Hạ Long đã được Bộ Xây dựng cấp chứng nhận, cho phép phổ biến nhân rộng.

 

Hiện tại, các công nghệ này đang được tiếp tục hoàn thiện theo hai hướng: phân loại ướt và phân loại khô. Xét góc độ sản xuất công nghiệp, đây là lĩnh vực có thị trường lớn, song trở ngại là doanh nghiệp thay vì tôn trọng bản quyền, thích sao chép tự chế tạo hơn là mua sản phẩm bản quyền. Chính điều này không kích thích sản xuất quy mô lớn, làm triệt tiêu các nỗ lực nghiên cứu của các nhà khoa học.

 

(iii) Thiết bị công nghệ tái chế rác thải: Trong lĩnh vực tái chế rác thải, có những công đã được Việt Nam chế tạo như công nghệ ủ phân hiếu khí của công ty CP môi trường Hạ Long, công nghệ sản xuất phân vi sinh từ rác của công ty Môi trường Xanh, công ty cổ phần đầu tư và phát triển Bình Phước, công nghệ sản xuất viên năng lượng bằng hiếm khí của công ty Dân Xuân, sản xuất tái chế nhựa dẻo, phế thải cao su thành dầu PO, RO của công ty cổ phần môi trường Đà Nẵng... Bên cạnh đó, rất nhiều công nghệ đã được chuyển giao trong lĩnh vực này.

 

(iv) Thiết bị công nghệ xử lý nước thải: Thiết bị công nghệ xử lý nước thải: sản phẩm là một số dòng máy bơm đặc chủng (chịu nước, chịu axít) và các màng lọc vi sinh. Việt Nam chưa sản xuất được các hệ thống xử lý chuyên biệt cho từng thành phần chất thải.

 

Liên quan đến các hợp phần xử lý theo thành phần, một số công ty đã thành công trong việc tạo ra các công nghệ xử lý nước rỉ rác (SEEN), nước nhiễm màu của dệt nhuộm (ASIATECH) và nhiều loại nước thải công nghiệp đặc thù khác. Tuy nhiên, sản xuất ở quy mô công nghiệp vẫn gặp khó khăn do thị trường còn nhỏ và chưa được tiêu chuẩn hóa cấp phép. Bên cạnh đó, cũng còn có lo ngại về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.

 

Sản xuất hóa chất và các chế phẩm môi trường: Một số nguyên liệu, hóa chất dùng trong công nghệ lọc nước, xử lý nước cấp đã được sản xuất. Hiện nhu cầu thị trường các sản phẩm như vậy còn chưa được đánh giá đầy đủ. Một số chuyên gia nhận định, nhu cầu các nguyên liệu như vậy không lớn, một phần lớn đã được giải quyết thông qua nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc và các nước, các nguyên liệu thông thường có thể sản xuất trong nước song giá trị không lớn.

 

Về thiết bị và nguyên phụ liệu xử lý nước thải, Việt Nam cũng đã làm chủ được công nghệ sản xuất một số chủng vi khuẩn, dùng trong xử lý nước thải, chế tạo các mạng lọc vi sinh... Chính phủ đã có chương trình công nghệ sinh học phục vụ môi trường. Mục tiêu chính là nghiên cứu và sản xuất trong nước các chế phẩm vi sinh, các chủng loại vi khuẩn đặc chủng phục vụ cho mục tiêu xử lý chất thải và bảo vệ môi trường. Viện Công nghệ Sinh học (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam), một số doanh nghiệp trong nước đã có một số kết quả bước đầu trong nghiên cứu sản xuất thành công một số chủng vi khuẩn có khả năng tiêu hủy các hóa chất, kim loại nặng, xử lý nước thải...

 

Sản xuất các thiết bđo lường môi trường: Việt Nam cũng đã sản xuất được một số thiết bị đo, quan trắc tự động thông số môi trường. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định các thiết bị của Việt Nam có chất lượng không cao, độ ổn định kém, thực chất vẫn chỉ là thiết bị điện tử, còn đầu đo chính (sensor) vẫn phải nhập ngoại. Sản phẩm các kit thử khác trong môi trường còn rất rộng nhưng Việt Nam chưa có cơ hội thâm nhập và khó đánh giá khả năng sản xuất tại Việt Nam.

 

Sản xuất các sản phẩm xanh: Theo Tổng Cục Môi trường (Bộ Tài Nguyên và Môi trường), hiện mới chỉ có 5 dòng sản phẩm được gắn nhãn xanh Việt Nam ( Chi tiết xin xem Bảng 1 tại đây )

 

Việt Nam cũng đang triển khai các chương trình SPIN sản xuất sản phẩm tốt nhất (BP), thiết kế bền vững (D4S), 500 doanh nghiệp bước đầu tham gia, với sư trợ giúp của chuyên gia UNEP. Mục tiêu của chương trình hướng đến các sản phẩm ít chất thải, các thiết kế thân thiện môi trường. Chương trình mở ra các khả năng sản xuất sản phẩm xanh tại Việt Nam trong tương lai gần, phù hợp với điều kiện Việt Nam. (còn tiếp theo)

 

Đối tác
bô kế hoạch
bộ tài chính
bộ khcn
bộ y tế
bộ nông nghiệp
bộ gtvt
bo xd
bo cong thuong
bộ tnmt