Rác thải, nước thải không được thu gom, xử lý; nhiều chỉ tiêu quan trắc cao hơn quy chuẩn cho phép nhiều lần… đó là thực trạng báo động về vấn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Rác thải làng nghề làm ô nhiễm môi trường
Hải Dương, hiện có 65 làng nghề được UBND tỉnh công nhận, nhưng chủ yếu là các làng nghề mới du nhập và phát triển, chưa có làng nghề truyền thống. Tính đến cuối năm 2014, toàn bộ làng nghề trên địa bàn tỉnh đều đã quy hoạch quỹ đất và hoàn thiện hệ thống điện phục vụ phát triển sản xuất.
Tuy nhiên, việc huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải tại các làng nghề hầu hết chưa thực hiện được. Tại nhiều làng nghề nhất là làng nghề chế biến thực phẩm như: bún, bánh đa; sản xuất giầy, vật liệu xây dựng… nước thải, chất thải rắn không được thu gom, xử lý mà thải ngay ra hệ thống ao hồ, kênh mương, các khu đất trống trong làng khiến chất lượng nước của ao hồ suy giảm mạnh, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày một đáng báo động…
Kết quả quan trắc môi trường nước ao, hồ tại một số làng nghề trên địa bàn tỉnh, như: Làng nghề Mạn Đê, Tam Lương, Văn Giang, Lộ Cương, Phú Lộc, Hội Yên)… cho thấy: nhiều chỉ tiêu quan trắc cao hơn quy chuẩn cho phép nhiều lần. Chất lượng nước ao hồ bị ô nhiễm bởi pH, COD, BOD, TSS, NH4+-N, NO2--N, NO3--N, PO43--P và Coliform khá phổ biến. Trong đó, ô nhiễm NH4+-N diễn ra phổ biến nhất (chiếm 85,5% điểm quan trắc), sau đó đến COD và BOD (chiếm 80,8%), NO2--N và PO43--P (chiếm 65,4%), Coliform (chiếm 26,9%), TSS (chiếm 23,1%)...
Về việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu vực dân cư, ông Nguyễn Văn Minh- Phụ trách phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương tỉnh Hải Dương - cho biết, việc di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư là rất khó khăn, bởi phần lớn các cụm công nghiệp (CCN) chưa được đầu tư hạ tầng cơ sở, các chính sách cũng chưa thật hấp dẫn để khuyến khích các cơ sở làng nghề chuyển ra CCN tập trung.
Theo nhận định từ Sở Công Thương Hải Dương, nạn ô nhiễm môi trường tại các làng nghề chưa khắc phục được một phần nguyên nhân là do các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại làng nghề đều có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, nguồn lực cho đầu tư phát triển sản xuất còn khó khăn nên vấn đề môi trường bị buông lỏng. Hạ tầng kỹ thuật tối thiểu tại các CCN, khu vực sản xuất tập trung hầu hết chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, do đó, phần lớn các làng nghề tổ chức sản xuất tự phát… đây cũng là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường bức xúc hiện nay.
Về quản lý, các dự án hỗ trợ xử lý môi trường, đầu tư hạ tầng kỹ thuật thường lồng ghép, không tập trung, nên việc đầu tư cho các làng nghề, nhất là hệ thống tiêu thoát nước và xử lý nước thải ở đây chưa được thực hiện.
Để giải quyết nạn ô nhiễm, các đơn vị quản lý tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, tích cực hướng dẫn thực hiện các biện pháp cải thiện công nghệ, cải tạo hạ tầng kỹ thuật... Đồng thời, triển khai hỗ trợ trang thiết bị, phương tiện thu gom rác thải; quy hoạch xây dựng khu xử lý chất thải hợp vệ sinh; khuyến khích các cơ sở sản xuất di chuyển xưởng sản xuất vào CCN hoặc điểm tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn.
Tăng cường tuyên truyền, vận động nâng cao nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường của người dân trên địa bàn tỉnh.
Để hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, Hải Dương sẽ quản lý chặt chẽ việc quy hoạch và xét công nhận làng nghề gắn với môi trường; bảo đảm 100% làng nghề mới được công nhận đáp ứng đầy đủ các điều kiện về bảo vệ môi trường. |
Nguồn baocongthuong