Thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong việc xử lý và chuyển hóa rác thành năng lượng, sản phẩm có ích. Sau hội nghị xúc tiến đầu tư 2016, đến nay đã có 36 nhà đầu tư trong và ngoài nước gửi hồ sơ để tham gia đầu tư vào các nhà máy xử lý rác thải. TP cũng đã xây dựng 12 tiêu chí rõ ràng để lựa chọn nhà đầu tư, trong đó công nghệ phải đảm bảo đốt và phát điện, không thải ra khí dioxin, ưu tiên công nghệ mới, công nghệ xanh…
Hiện nhiều dự án xã hội hóa đầu tư nhà máy xử lý rác thải đã được triển khai gồm: Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Núi Thoong, xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ; Dự án Nhà máy Xử lý rác Châu Can, huyện Phú Xuyên; Dự án Nhà máy Xử lý rác Lại Thượng, huyện Thạch Thất; Dự án Đầu tư nhà máy xử lý rác thải xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa…
Vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội vừa có thông báo kêu gọi đầu tư Dự án xây dựng nhà máy xử lý, tái chế chất thải rắn công nghệ cao tại xã Dục Tú, huyện Đông Anh. Dự kiến công suất nhà máy tái chế phế thải xây dựng thông thường khoảng 1.000 tấn/ngày đêm, tái chế bùn thải xây dựng khoảng 1.000m3/ngày đêm. Với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 228,9 tỷ đồng từ nguồn vốn ngoài ngân sách. Quy mô diện tích thực hiện dự án khoảng 7,1ha, tại xã Dục Tú, huyện Đông Anh. Khu đất hiện trạng là ao, hồ, vùng trũng do UBND xã Dục Tú quản lý.
Dự án xây dựng nhà máy xử lý, tái chế chất rắn hướng tới mục tiêu xây dựng nhà máy công nghệ cao tiên tiến, thân thiện môi trường, tận dụng phế thải xây dựng, bùn thải từ hoạt động xây dựng để tái chế làm nguyên vật liệu tái sử dụng, giảm thiểu chôn lấp, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường phát sinh từ phế thải, bùn thải xây dựng.
Theo monre