Logo
phone
Hotline: 02437327155
Giải pháp đối phó vấn đề môi trường xuyên biên giới
  12/10/2015
icon-zalo

 

Quá trình nghiên cứu các vấn đề môi trường xuyên biên giới trong bối cảnh hội nhập vùng được coi là giải pháp lâu dài và toàn diện trong đối phó với các vấn đề môi trường khu vực. Những ảnh hưởng lâu dài của các vấn đề môi trường xuyên biên giới đã và đang đe dọa tới an sinh xã hội và nền kinh tế của khu vực.

 


Để giải quyết tình trạng ô nhiễm khói mù xuyên biên giới, cuối năm 1997, các Bộ trưởng Môi trường ASEAN đã nhất trí Kế hoạch hành động khói mù khu vực (RHAP) nhằm thực hiện các nỗ lực chung trong việc quan sát, ngăn ngừa và giảm tình trạng ô nhiễm khói mù xuyên biên giới do nạn cháy đất, cháy rừng gây ra.

 

Theo Trung tâm Nghiên cứu Biến đổi Toàn cầu, các vấn đề môi trường trên mọi phương diện đều không có biên giới rõ ràng, đe dọa trực tiếp tới sức khỏe, sự thịnh vượng hay thậm chí là an ninh của một quốc gia hoặc một khu vực. Điển hình là quá trình ô nhiễm thuốc trừ sâu trong thực phẩm, ô nhiễm nguồn nước, không khí bị ô nhiễm hoặc mang những hóa chất độc hại… Đây là những nguồn ô nhiễm có khả năng lan truyền hàng trăm kilomet từ nguồn phát thải. 


Những ảnh hưởng lâu dài của các vấn đề môi trườngxuyên biên giới đã và đang đe dọa tới an sinh xã hội và nền kinh tế của khu vực. Khi mà nhu cầu đơn giản của cộng đồng dân cư trong khu vực không được đáp ứng (năng lượng, nước sạch, lương thực, một môi trường sống tốt...), điều này kéo theo những sự bất ổn về kinh tế và chính trị của khu vực. 


Do đó, để giải quyết các vấn đề trong quản lý bền vững tài nguyên và môi trường, tất cả các bên cần tham gia đàm phán dựa trên sự hiệu quả cho toàn khu vực, đảm bảo cho mục tiêu phát triển toàn cầu.


Tại khu vực Đông Nam Á, các vấn đề môi trường xuyên biên giới trở nên hết sức nhạy cảm. Điển hình là năm 2000, mực nước trên sông Se San (Campuchia) tăng đột ngột khiến người dân tại tỉnh Ratanakiri chịu nhiều thiệt hại về người và của. 
Một hiện tượng chưa từng gặp trong lịch sử nhưng đang hiện hữu đó là tình trạng môi trường không khí ở nước ta đang bị ô nhiễm hoặc đe dọa nặng nề do… lây lan từ nước khác – theo thông tin trên Báo Sài Gòn Giải Phóng. Cách đây hơn 1 tuần, người dân ở nhiều địa phương thuộc khu vực Nam bộ phải trải qua một hiện tượng lạ: sương mù khô xuất hiện nhưng không phải do sương mù được hình thành từ sự khuếch tán nhiệt mỗi khi có không khí lạnh mà là ảnh hưởng của đợt cháy rừng từ Indonesia lan sang. 


Trong khi đó, tại miền Bắc, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn & Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài nguyên & Môi trường) cho biết, không khí ở Bắc bộ cũng đang bị ô nhiễm nặng do ảnh hưởng khói bụi nhiệt điện từ Trung Quốc lan sang. 
Theo tài liệu nghiên cứu của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn & Biến đổi Khí hậu thì các tỉnh miền Bắc như Hà Nội, Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn… đang phải chịu ảnh hưởng của ô nhiễm không khí xuyên biên giới, chủ yếu là từ phía Trung Quốc.


Cụ thể, ô nhiễm ozone ở Việt Nam trong những năm gần đây có sự gia tăng, đặc biệt là vào mùa đông. Sự di chuyển của NO2 từ Trung Quốc sang Việt Nam chủ yếu theo hướng Đông Bắc. Do đó, mỗi khi có gió mùa Đông Bắc tràn về, nồng độ ô nhiễm không khí sẽ gia tăng hơn. 


Các số liệu điều tra cho thấy, SO2 chiếm 55%, 48% khí NO2 và 30% CO là những loại khí thường theo gió mùa tràn xuống Việt Nam từ vùng Đông và Đông Nam Trung Quốc. Đây cũng được xem là nguồn gây ô nhiễm không khí xuyên biên giới đến miền Bắc nước ta.


Ô nhiễm từ sự phát triển quá mức các khu công nghiệp hiện nay không chỉ gây ô nhiễm trong một khu vực hạn hẹp mà đã và đang ảnh hưởng tới những quốc gia lân cận. Trong khi đó, thời tiết đang ngày càng có thêm nhiều biểu hiện cực đoan, gây những hiện tượng thiên tai gián tiếp, như tình trạng cháy rừng ở Indonesia đã ảnh hưởng tới môi trường ở Nam bộ của Việt Nam.


Có thể thấy rằng, những thách thức xuyên biên giới đã nêu bật những ảnh hưởng vượt qua ranh giới hành chính của các quốc gia từ những quyết định của các quốc gia đó. Quá trình nghiên cứu các vấn đề môi trường xuyên biên giới trong bối cảnh hội nhập vùng được coi là giải pháp lâu dài và toàn diện trong đối phó với các vấn đề môi trường khu vực; mặt khác, quá trình hội nhập vùng cung cấp một kênh trao đổi hiệu quả trong phối hợp, phát triển bền vững sinh thái và xã hội của khu vực. 
Từ ví dụ trên, có thể thấy rằng các quốc gia Đông Nam Á cần rút kinh nghiệm từ những vấn đề quốc tế có liên quan trong quản trị các vấn đề môi trường xuyên biên giới tại khu vực. Quá trình này cần phải tập trung vào vai trò của các tổ chức: Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) với sáng kiến về GMS, Ủy hội sông Mekong (the Mekong River Commission) trong vấn đề chia sẻ nguồn nước, và Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với mục tiêu xác định vấn đề môi trường xuyên biên giới cấp bách nhất; các động lực trong tổ chức vùng; phương pháp tiếp cận; và các điểm còn thiếu trong cơ cấu quản trị vùng.


Năm 1985, ASEAN đã đưa ra Hiệp định về Bảo tồn Thiên nhiên & Tài nguyên Thiên nhiên cho phép xác định tài nguyên đất và nước là tài nguyên nên được trả tiền cho những nỗ lực bảo tồn). Đây là Hiệp định cho phép tiếp cận một cách sáng tạo trong xác định tài trợ đối với trách nhiệm môi trường xuyên biên giới. Tuy nhiên, hàng loạt nỗ lực sau đó của Hiệp định vẫn chưa thể thúc đẩy nỗ lực lớn hơn đối với hiệp định này do bất ổn kinh tế và chính trị. 


Ngoài ra, với sự ra đời của Công ước Espoo về đánh giá tác động môi trường xuyên biên giới (1991), các quốc gia Đông Nam Á đã có những bước đi thử nghiệm về phương pháp luận đối với đánh giá tác động môi trường xuyên biên giới. Điển hình là tại biên giới Thái Lan và Myanmar, quá trình xây dựng nhà máy nhiệt điện than đã gây ra ô nhiễm môi trường tới cộng đồng địa phương. Điều này ngay lập tức hình thành sự tham gia đánh giá tác động môi trường đối với nhà máy với sự tham gia của cộng đồng hai quốc gia, nhằm đảm bảo kết quả tốt nhất có thể về mục tiêu môi trường và xã hội. 


Các vấn đề môi trường xuyên biên giới trong khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh hội nhập vùng cho phép quản lý các hệ sinh thái xuyên biên giới (MRC, 1997b) trong mối liên kết môi trường quốc tế (WRI, 2000) với các tình huống tạo sự cạnh tranh tài nguyên giữa các quốc gia theo sự gia tăng phát triển kinh tế. 


Điều này được thể hiện rõ trong nghiên cứu về biến động tại thượng lưu và hạ lưu của sông Mekong – khu vực cung cấp nguồn phù sa quan trọng cho đồng bằng châu thổ sông Cửu Long (Việt Nam), nhưng gây ra hàng loạt các tương tác con người môi trường nghiêm trọng tại Campuchia.  

 

Theo moitruong

 

Đối tác
bô kế hoạch
bộ tài chính
bộ khcn
bộ y tế
bộ nông nghiệp
bộ gtvt
bo xd
bo cong thuong
bộ tnmt