Ngày 12/8, tại TP HCM, UBND TP HCM và Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Công trình Giao thông – Đô thị TP HCM đã tổ chức buổi lễ giới thiệu Dự án Phát triển Giao thông xanh TP HCM và nhận diện thương hiệu Saigon BRT.
Ông Nguyễn Hồng Tiến – Cục trưởng Cục hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết, dự án sẽ xây dựng tuyến xe buýt nhanh BRT số 1 trên hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ (với tổng chiều dài 23km) và các hạ tầng hỗ trợ như: 28 trạm dừng, 17 cầu đi bộ (11 cầu xây mới, 6 cầu cải tạo), 1 ga cuối tuyến, 1 bãi hậu cần kỹ thuật.
Trong đó, đầu tư 28 xe buýt nhanh BRT sử dụng nhiên liệu sạch CNG; đầu tư hệ thống giao thông thông minh (ITS): bao gồm hệ thống quản lý giao thông tiên tiến (tín hiệu quả giao thông thông minh, camera, hệ thống thông tin điện tử và hệ thống vận hành quản lý xe buýt (hệ thống định vị toàn cầu, thiết bị giao tiếp); đầu tư các tiện ích bổ sung nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người tiếp cận sử dụng dịch vụ xe buýt nhanh như 17 cầu đi bộ, 8 bãi gửi xe cá nhân, cải thiện vỉa hè cùng các không gian công cộng như công viên, quảng trường và cảnh quan trên tuyến… Tổng mức đầu tư dự án là 137,5 triệu USD, trong đó vốn vay Ngân hàng Thế giới (nguồn IDA) là 124 triệu USD và vốn đối ứng từ ngân sách thành phố là 13,5 triệu USD, thực hiện trong thời gian 2015 – 2020.
Theo ông Nguyễn Hồng Tiến, Việc đầu tư phát triển tuyến xe buýt dọc hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ là một bước tiến quan trọng trong định hướng ưu tiên phát triển giao thông công cộng, đặc biệt là xe buýt TP HCM. Tuyến xe buýt nhanh dọc hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ (tuyến xe buýt nhanh BRT số 1) sau khi hoàn thành sẽ góp phần giải quyết một số vấn đề liên quan đến vận tải hành khách công cộng, phát triển đô thị, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân TP HCM.
Ông Lương Minh Phúc – Trưởng ban Quản lý Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông – Đô thị TP HCM, chủ đầu tư dự án Phát triển Giao thông xanh TP HCM chia sẻ: “Dự án Phát triển Giao thông xanh TP HCM nối với tuyến xe buýt nhanh BRT cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng nhanh hơn, an toàn hơn, tiện nghi hơn và chính xác hơn. Qúa trình quy hoạch, thiết kế dự án được tích hợp với quy hoạch sử dụng đất, với các thiết kế đô thị dọc tuyến đại lộ Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ và nối kết với các tuyến tàu điện ngầm tương lai.
Dự án cũng có mục tiêu thông qua quá trình triển khai dự án, xe buýt sẽ dần trở thành một loại hình giao thông công cộng thay thế các phương tiện giao thông cá nhân. Trước mắt là trên tuyến đường đại lộ Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ và sau đó nhân rộng trên các tuyến đường khác, phù hợp với quy hoạch giao thông công cộng thành phố trong thời gian tới, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên tuyến cũng như trên địa bàn thành phố.
Việc triển khai Dự án Phát triển Giao thông xanh TP HCM với các công trình trên tuyến được thiết kế theo định hướng thân thiện môi trường, tăng cường mảng xanh đô thị và nhất là loại xe buýt sử dụng nhiên liệu CNG góp phần khắc phục vấn đề khí thải từ xe cộ, đặc biệt là xe máy, giảm ô nhiễm không khí ở thành phố”.
Theo baotainguyenmoitruong