Trần Anh Tuấn cho biết: “EcoBricks là một dự án dài hơi và rất cần sự quan tâm của cộng đồng, vì chúng tôi không thể chủ động trong phần nguyên liệu làm gạch. Trước tiên cần hạn chế sử dụng bao bì nhựa nhất có thể, còn những thứ không hạn chế được sẽ đem tái chế”.
EcoBricks là khái niệm quen thuộc trong cộng đồng những người yêu môi trường ở các nước như Philippines, Indonesia, Zambia… Nhưng cho đến năm 2018, Việt Nam mới chính thức có mặt trên bản đồ EcoBricks quốc tế. Đó là khi dự án của Anh Tuấn và Bình Minh, mang khái niệm gạch sinh thái đến gần với mọi người hơn.
Anh Trần Anh Tuấn và chị Nguyễn Bình Minh bên các “viên gạch” từ rác vô cơ.
EcoBricks hay còn được gọi là gạch sinh thái, được làm ra bằng những sản phẩm từ nhựa sử dụng một lần, sau đó vệ sinh sạch, phơi khô và nén vào các chai nhựa thật chặt đến khi chai đầy.
Trong 1 viên gạch, chứa một số lượng lớn rác khó phân hủy thải ra môi trường. Từ những viên gạch này có thể xây thành bồn hoa, ghế và cả nhà ở.
Anh Trần Anh Tuấn (34 tuổi) và chị Nguyễn Bình Minh (27 tuổi), triển khai dự án EcoBricks, chia sẻ: “Tại Việt Nam, hoạt động bảo vệ môi trường đa số đang được ở mức độ kêu gọi, tuyên truyền hoặc tổ chức thu gom rác thải không đúng nơi quy định. Như vậy vẫn chưa đủ, vì không rõ lượng rác khó phân hủy sẽ được giải quyết như thế nào. Khi chúng tôi qua Thái Lan tham gia một khóa học về sống và phát triển bền vững, đã được biết về EcoBricks. Về nước, chúng tôi bắt đầu thực hành, lôi hết đống túi ni lông tích lại trong 2 năm ra và làm được 2,5 viên gạch. Sau đó, chúng tôi quyết định chia sẻ cách làm này với mọi người”.
Hiện tại, ngoài việc tiếp nhận gạch sinh thái, Tuấn và Minh thông qua trang Facebook cũng đang liên hệ với các trường học, đầu tiên sẽ là những trường quốc tế, để có thể kết hợp và đưa việc làm gạch này thành một trong các hoạt động ngoại khóa cho học sinh.
Hoạt động này giúp các em hiểu thêm về việc tránh lãng phí, phân loại rác và tái chế một cách thiết thực. Các em có thể tự mình tạo nên sản phẩm từ rác.
Từ khi triển khai đến nay, dự án EcoBricks đã hỗ trợ tổ chức những buổi hoạt động cùng một số câu lạc bộ, đội nhóm. Đại diện nhóm Cô cú nhỏ, chia sẻ: “Trong một buổi sáng, các bé đã làm được gần 30 viên gạch lớn nhỏ bằng rác ni lông mà các bé nhặt được ở công viên Tao Đàn. Các bé làm gạch cẩn thận lắm, chỉn chu từng tí một. Các bé còn mời ba mẹ làm gạch cùng”.
Chị Ngọc Dung ngụ quận 5, vô tình thấy thông tin về dự án, đã cùng con gái 5 tuổi của mình thực hiện, chị nói: “Giờ con mình xem việc làm gạch như một trò chơi, làm mỗi ngày, có khi có mẹ làm cùng, có khi không. Bé thường sẽ giặt, phơi và cắt những bao bì ni lông và mẹ sẽ nén vào chai. Khi có thành phẩm, bé đem vào lớp, hướng dẫn bạn bè cách làm và phân loại rác. Thấy bé quan tâm như vậy, mình và chồng cũng ý thức thêm về việc bảo vệ môi trường”.
Anh Trần Anh Tuấn cho biết: “EcoBricks là một dự án dài hơi và rất cần sự quan tâm của cộng đồng, vì chúng tôi không thể chủ động trong phần nguyên liệu làm gạch. Trước tiên cần hạn chế sử dụng bao bì nhựa nhất có thể, còn những thứ không hạn chế được sẽ đem tái chế”.
Hiện tại, Tuấn và Minh đang sống trong một căn hộ chung cư nhỏ ở quận 2, nhưng đã tạo cho mình khu vườn nhỏ ngay tại ban công có hoa, rau sạch. Và những cây trồng này được chăm bón bằng những loại rác hữu cơ được ủ lên men.
Trên trang Facebook Nhà mình, Minh và Tuấn cũng thường có những clip ngắn hướng dẫn cách làm phân bón hữu cơ, chất tẩy rửa từ vỏ trái cây, nước gội đầu… rất đơn giản và dễ thực hiện.
Tuấn và Minh luôn quan niệm rằng, khi mình đã ý thức được việc bảo vệ môi trường thì nên cố gắng làm thật nhiều trong khả năng để bù lại cho những bạn trẻ khác không có khả năng, hoặc chưa có điều kiện quan tâm đến môi trường.
“Chúng tôi đang cố gắng từ dự án này có thể tập hợp được một số gạch sinh thái để xây được một ngôi nhà xanh. Xa hơn là kết hợp với các thiết kế thân thiện tạo nên không gian sống tiện nghi nhưng hạn chế lãng phí, tạo ra sản phẩm thực và động lực cho phong trào sống xanh. Và chúng tôi cũng sẵn sàng tặng số gạch của dự án cho nơi có nhu cầu”, Minh và Tuấn chia sẻ.
Theo SGGP