Tập đoàn dầu khí ExxonMobil dự kiến sẽ thu hồi được gần 7 triệu tấn carbon, tương đương với lượng phát thải của 1,5 triệu ô tô trong 1 năm, nhờ vào công nghệ do Honeywell cung cấp.
Tập đoàn này thông báo rằng công nghệ tinh chế hydro và phân đoạn CO2 của họ sẽ giúp Exxon kiểm soát lượng lớn carbon tại nhà máy ở Baytown, Texas. Dự kiến, nhà máy này sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2028 và sản xuất được 1 tỷ feet khối hydro mỗi ngày.
Rót vốn vào công nghệ khử carbon
Dự án Nhà máy Hydro tại Baytown là một phần trong sáng kiến của ExxonMobil nhằm giúp các doanh nghiệp khử carbon và sản xuất năng lượng sạch. Mặc dù quy trình sản xuất hydro cũng sẽ tạo ra CO2, tuy nhiên, nó sẽ được Exxon thu hồi và lưu trữ vĩnh viễn, thông qua công nghệ của Honeywell.
Những lợi ích về kinh tế và môi trường
Theo Honeywell, công nghệ của họ có thể góp phần giảm chi phí thu hồi, vận chuyển và lưu trữ khí CO2. So với các loại công nghệ khác, nó sử dụng các thiết bị nhỏ gọn và ít tốn kém hơn. Đây là một giải pháp hiệu quả cho các doanh nghiệp, vì có thể giúp giảm đáng kể lượng khí thải. Đồng thời, có thể đóng vai trò chính trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Ông Dan Ammann - Chủ tịch tập đoàn ExxonMobil Low Carbon Solutions cho biết, dự án “thể hiện cam kết của chúng tôi với nỗ lực hỗ trợ khách hàng trong việc giảm phát thải khí carbon”. Về phần mình, ông Barry Glickman - Phó chủ tịch tập đoàn Honeywell nhấn mạnh rằng, công nghệ thu giữ carbon của họ “luôn trong trạng thái sẵn sàng hoạt động”.
Giá trị của hợp đồng chưa được tiết lộ
Giá trị của hợp đồng thỏa thuận giữa 2 công ty hiện vẫn được bảo mật. Honeywell từ chối bình luận về các điều khoản trong thỏa thuận này. Tuy nhiên, công ty cho biết, công nghệ của họ sẽ giúp ExxonMobil tiết kiệm chi phí sản xuất, đồng thời, góp phần chống biến đổi khí hậu.
Áp dụng công nghệ của Honeywell, đồng nghĩa với việc ExxonMobil đang tiến thêm một bước trong chiến lược phát triển bền vững. Dự án này không chỉ giảm lượng khí thải CO2, mà còn cung cấp nguồn năng lượng sạch cho các ngành công nghiệp nặng, đang muốn chuyển sang sử dụng nhiên liệu tái tạo.
Nguồn: nangluongquocte.petrotimes.vn