Logo
phone
Hotline: 02437327155
EU khuyến cáo Việt Nam giảm phát thải CO2 nhiều hơn
  24/11/2015
icon-zalo

 

Các nước châu Âu cho rằng mục tiêu giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính của Việt Nam nên cao hơn mức 8% mới công bố.

 

Các nước EU thảo luận các biện pháp giúp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu. Ảnh: Phái đoàn EU tại Việt Nam

 

Ông Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam hôm qua cho biết Hội nghị toàn cầu về biến đổi khí hậu (COP21) cuối tháng này tại Paris là cơ hội lịch sử để các nước thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp. Theo đó, để đảm bảo nhiệt độ trái đất tăng dưới 2 độ C thì các nước cần đưa ra cam kết về tỷ lệ giảm phát khí gây hiệu ứng nhà kính.

 

Ông Angelet nói trong thảo luận bàn tròn "Hành động về biến đổi khí hậu của EU tại Việt Nam", được tổ chức cùng với các nước thành viên Anh, Pháp, Đức, Bỉ tại Hà Nội.

 

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà cho rằng Việt Nam là nước bị ảnh hưởng nặng bởi biến đổi khí hậu, thể hiện ở thực trạng thiên tai và nhiễm mặn do nước biển dâng. Nhằm đóng góp vào nỗ lực chung của quốc tế trong hạn chế sự nóng lên của trái đất, Việt Nam cam kết cắt giảm 8% lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 bằng nguồn lực trong nước, tỷ lệ này có thể tăng đến 25% nếu nhận được sự hỗ trợ quốc tế. 

 

Mục tiêu này đã được nêu rõ trong Báo cáo đóng góp dự kiến cho quốc gia tự quyết định (INDC) mà Việt Nam gửi lên Ban thư ký Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) cuối tháng 9. 

 

"EU khuyến khích Việt Nam cam kết một mục tiêu về khí hậu tham vọng hơn tại Hội nghị Paris hơn mục tiêu hiện thời ", ông Angelet nói.

 

Đề cập tới hỗ trợ của EU dành cho Việt Nam, Đại sứ Angelet cho hay trong số khoản cam kết 346 triệu euro trong giai đoạn 2014 -2020, Liên minh châu Âu sẽ tập trung giúp Việt Nam cải cách ngành năng lượng. EU và chính phủ Việt Nam đang xúc tiến thảo luận các vấn đề liên quan tới cơ chế thị trường, cơ chế định giá, trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch và đánh giá sự độc quyền.

 

Các nước thành viên khác của EU cũng thảo luận nhiều vấn đề giúp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu như quản lý tài nguyên nước, tăng trưởng xanh, tiết kiệm năng lượng, xây dựng năng lực và phát triển carbon thấp. Các nước cũng cho rằng kinh nghiệm để thực hiện tốt kế hoạch là rà soát mục tiêu giảm phát thải theo chu kỳ 5 năm, quy định về trách nhiệm giải trình và minh bạch. Hiện EU cam kết giảm phát thải khí nhà kính tối thiểu là 40%.

 

Hội nghị COP21 sắp tới có sự tham gia của khoảng 195 nước thành viên. Mục tiêu cao nhất là các nước cần đưa ra cam kết ràng buộc về giữ nhiệt độ trái đất tăng dưới 2 độ C. Các nước cũng sẽ bàn biện pháp để huy động nguồn tài chính khoảng 100 tỷ USD mỗi năm để chống biến đổi khí hậu, nguồn này chủ yếu dành cho các nước đang phát triển.

 

Theo VNE

 

Đối tác
bô kế hoạch
bộ tài chính
bộ khcn
bộ y tế
bộ nông nghiệp
bộ gtvt
bo xd
bo cong thuong
bộ tnmt