Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, ngày 4/6 tại Hà Nội, Báo Tài nguyên & Môi trường tổ chức Diễn đàn đổi mới công nghệ hướng tới phát triển kinh tế xanh.
Tới dự Diễn đàn có Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai cùng đại diện lãnh đạo Bộ KH&CN, các ban ngành, tổ chức, hiệp hội trong và ngoài nước, đại diện các doanh nghiệp tiêu biểu và đông đảo các cơ quan thông tấn báo chí.
Phát biểu tại diễn đàn Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai cho rằng: Chủ trương phát triển kinh tế xanh, bền vững đã được Chính phủ Việt Nam thể hiện nhất quán với nội dung ngày càng hoàn thiện trong những cam kết, chỉ đạo, Nghị định hướng dẫn hoạt động sản xuất bảo vệ môi trường cùng với quá trình phát triển của đất nước trong nhiều thập kỷ qua. Để thực hiện Chiến lược phát triển bền vững của mình, Việt Nam đã, đang và sẽ đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp về thể chế, nhân lực, tài chính, và phát triển những ngành khoa học, công nghệ, kinh tế môi trường cần thiết như tập trung cho công nghệ xử lý chất thải, tiêu tốn ít năng lượng, phát thải ít cacbon, tái chế rác thải …
Diễn đàn là cơ hội giao lưu giữa các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học, các doanh nghiệp cùng tìm ra những giải pháp hợp lý nhằm nâng cao hiệu quả công tác ứng dụng, đổi mới công nghệ hướng tới phát triển kinh tế xanh trong hoạt động sản xuất của đơn vị, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Theo ông Hoàng Văn Thành, Tổng Biên tập Báo TN&MT cho rằng, muốn phát triển đất nước, công nghệ xanh sẽ là nhân tố quyết định cho việc tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy phát triển bền vững; giảm sự dụng năng lượng hóa thạch. Để làm được điều này, các doanh nghiệp cần tăng cường năng lực về đổi mới công nghệ và tính cạnh tranh của công nghệ xanh trong nước cũng như trên trường quốc tế. Tại các nước phát triển, xu hướng chung trong đổi mới công nghệ được nhận định là xu hướng đầu tư nghiên cứu và phát triển nhằm đưa những công nghệ tiên tiến hơn, hiệu quả hơn, sạch hơn, thân thiện với môi trường để hướng đến tăng trưởng xanh – giảm khí thải, tiết kiệm năng lượng. Điển hình như các doanh nghiệp của Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ...
Tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những thuận lợi, khó khăn của doanh nghiệp đổi mới công nghệ hướng tới phát triển kinh tế xanh, chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ.
Được biết, những năm qua Đảng và Nhà nước đã từng bước tạo lập khung pháp lý hình thành cơ chế chính sách để thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ nền kinh tế nói chung cũng như doanh nghiệp nói riêng. Đồng thời, các chính sách này cũng là giải pháp hữu hiệu cho việc nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và góp phần giảm phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu. Về lâu dài, đây cũng là giải pháp giảm chi phí vận hành và tận thu nguyên liệu cho các doanh nghiệp.
Song trên thực tế khi đi vào cuộc sống, các chính sách hiện hành vẫn còn nhiều bất cập, chưa phát huy và kích thích được doanh nghiệp trong việc chuyển đổi công nghệ, đầu tư công nghệ. Vì vậy, tại Diễn đàn này, các đại biểu tham dự đã đưa ra một số giải pháp quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng xanh hóa các ngành sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng theo hướng chiều sâu. Đồng thời cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách về đổi mới công nghệ theo hướng phát triển xanh, sạch. Tăng cường nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp về đổi mới công nghệ. Ngoài ra, cần hình thành các cơ chế, chính sách, chương trình đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao về kỹ thuật công nghệ, thân thiện với môi trường; Thúc đẩy phát triển thị trường công nghệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong phát triển chuyển giao khoa học kỹ thuật.
Nguồn monre