Doanh nghiệp trước lựa chọn giảm phát thải
Việc xây dựng và vận hành thị trường các-bon nội địa hướng tới việc đặt mức trần phát thải khí nhà kính cho các doanh nghiệp trong nước để đạt được mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia. Vấn đề nằm ở lựa chọn của doanh nghiệp: chủ động giảm phát thải hay phát thải vượt trần rồi mua tín chỉ để bù đắp?
* Phát thải nhiều phải trả tiền
Khoản 1 Điều 6 Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định, đối tượng phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính là cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên hoặc thuộc một trong các trường hợp: Nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp có tổng lượng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương (TOE) trở lên; Công ty kinh doanh vận tải hàng hóa có tổng tiêu thụ nhiên liệu hằng năm từ 1.000 TOE trở lên; Tòa nhà thương mại có tổng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE trở lên; Cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm từ 65.000 tấn trở lên.
Dựa trên các tiêu chí này, ngày 18/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính tại Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg. Theo đó, cả nước có 1.912 cơ sở phải cung cấp số liệu hoạt động, thông tin phục vụ kiểm kê khí nhà kính theo hướng dẫn của Bộ quản lý lĩnh vực trước ngày 31/3/2023, và tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính định kỳ hai năm một lần cho năm 2024 trở đi gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước ngày 31/3 kể từ năm 2025 để thẩm định.
Căn cứ kết quả kiểm kê khí nhà kính của quốc gia, của các lĩnh vực và của chính các cơ sở, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý lĩnh vực liên quan xây dựng, ban hành định mức phát thải khí nhà kính trên đơn vị sản phẩm đối với các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tổ chức phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các cơ sở cho giai đoạn 2026 - 2030 và hằng năm.
Theo quy định, cứ hai năm một lần, Thủ tướng Chính phủ sẽ ra quyết định điều chỉnh, cập nhật danh mục cơ sở phải thực hiện kiểm kê. Điều này đồng nghĩa với việc các cơ sở sẽ sớm ra khỏi danh mục này nếu đẩy mạnh triển khai các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính. Nếu không dùng hết hạn ngạch, các cơ sở có thể bán cho các cơ sở khác có nhu cầu hoặc tự nguyện nộp trả lại cho Nhà nước, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của quốc gia.
Với cơ sở phát thải vượt quá hạn ngạch, có thể áp dụng các hình thức đấu giá, chuyển giao, vay mượn, sử dụng tín chỉ các-bon để bù trừ thông qua sàn giao dịch tín chỉ các-bon trong nước (sẽ vận hành thí điểm từ năm 2025). Nếu vẫn không đủ, cơ sở sẽ phải nộp tiền thanh toán cho lượng phát thải khí nhà kính vượt quá, đồng thời, khấu trừ vào vào hạn ngạch phân bổ cho giai đoạn cam kết sau đó. Về mức tiền phải nộp với mỗi tấn CO2 tương đương vượt ngưỡng, sẽ có quy định cụ thể khi vận hành sàn giao dịch.
Doanh nghiệp phát thải vượt hạn ngạch sẽ phải trả tiền hoặc mua tín chỉ các-bon để bù đắp
* Cơ quan quản lý đồng hành cùng doanh nghiệp
Trong danh mục cơ sở phải tiến hành kiểm kê khí nhà kính, có 1.662 cơ sở thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương, 70 cơ sở thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giao thông vận tải, 104 cơ sở thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng và 76 cơ sở thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Quy định trong Luật đã rõ. Tuy nhiên, thách thức hiện nay là khối doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân hầu như chưa nắm được yêu cầu kỹ thuật về kiểm kê khí nhà kính, chi phí vận hành hệ thống kiểm kê ra sao và phải kiểm kê như thế nào, chưa có hướng dẫn cụ thể cho tất cả các ngành nghề sản xuất kinh doanh.
Theo khảo sát nhanh 43 cơ sở phát thải lớn thuộc danh mục trong Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg, chỉ có 19 doanh nghiệp đã thực hiện báo cáo phát thải KNK theo yêu cầu của Tập đoàn hoặc chuỗi cung ứng, nhưng phương pháp kiểm kê chưa rõ ràng. Một số doanh nghiệp chỉ áp dụng hệ số phát thải do công ty mẹ cung cấp để ước tính nên không thật sự chính xác. 3/4 số doanh nghiệp được khảo sát cho biết có dữ liệu liên quan đến phát thải khí nhà kính và năng lượng. Trong số này, gần một nửa có cả 2 loại dữ liệu.
Hầu hết các doanh nghiệp đã chủ động sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng và triển khai một số giải pháp giảm phát thải khác như: Tiết kiệm điện năng và sử dụng nhiên liệu sinh khối cho lò hơi; lò hơi tải nhiệt, sử dụng biến tần cho dây chuyền sản xuất; tối ưu hóa thiết bị máy móc; tăng cường quản lý năng lượng; thu hồi CO2 từ khói thải; xây dựng hệ thống quản lý khí nhà kính theo tiêu chuẩn ISO 14064 – 1:2018.
Mặc dù vậy, ứng phó BĐKH chưa phải là ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp. Họ đang có nhu cầu được hỗ trợ về hướng dẫn kỹ thuật, các chương trình đào tạo, tập huấn, dịch vụ tư vấn kiểm kê khí nhà kính, giảm phát thải cũng như có thêm nguồn tài chính để thực hiện các hành động giảm nhẹ.
Để thực hiện công tác kiểm kê một cách hiệu quả, trong năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ ban hành các hướng dẫn đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; hướng dẫn kỹ thuật kiểm kê khí nhà kính; danh mục hệ số phát thải phục vụ kiểm kê khí nhà kính; đồng thời, phổ biến các phương pháp kiểm kê khí nhà kính cấp quốc gia và cấp lĩnh vực
Theo ông Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô dôn (Cục Biến đổi khí hậu), trong thời gian tới, các Bộ quản lý cũng sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn kỹ thuật cụ thể công tác kiểm kê khí nhà kính từng lĩnh vực. Ví dụ, Bộ TN&MT sắp ban hành Thông tư quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực quản lý chất thải. Các cơ sở xử lý chất thải hoàn toàn có thể tự mình thực hiện theo hướng dẫn tại đây. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có đội ngũ chuyên gia, công ty tư vấn sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo rằng kết quả kiểm kê khí nhà kính sẽ được công nhận ở cấp quốc gia và cấp quốc tế.
Cũng theo ông Lương Quang Huy, khi thực hiện giảm nhẹ phát thải KNK và kiểm kê đầy đủ, bài bản theo hướng dẫn kỹ thuật, doanh nghiệp sẽ có đủ điều kiện tham gia thị trường các bon trong nước, quốc tế. Thực tế hiện nay, sau những cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP 26, rất nhiều đối tác quốc tế đã đặt vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi công nghệ, tăng tăng tính cạnh tranh khi tham gia thị trường quốc tế, hướng tới nền kinh tế các-bon thấp. Dự kiến sang tháng 5, Cục Biến đổi khí hậu sẽ tổ chức hội thảo nhằm chia sẻ chi tiết hơn các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới.
Theo monre