Rác thải là một trong năm nguồn phát thải KNK chính của quốc gia với lượng phát thải khoảng 31.3 triệu tấn CO2tđ năm 2020. Nếu tổ chức hiệu quả các hoạt động xử lý rác sẽ trực tiếp giảm phát thải KNK và đóng góp thực hiện các mục tiêu giảm phát thải KNK quốc gia.
Thông tin được đưa ra tại Hội thảo tập huấn về "Kiểm kê và thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK) cho doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý chất thải”, do Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức ngày 19/4, tại Hà Nội.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định tại Việt Nam, nhằm giới thiệu các quy định pháp luật, hướng dẫn kiểm kê KNK cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý chất thải.
Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu
phát biểu tại Hội thảo
Theo thống kê của Bộ TN&MT, hiện cả nước có 1.322 cơ sở xử lý rác thải sinh hoạt, bao gồm 381 lò đốt chất thải rắn, 37 dây chuyền sản xuất phân bón và 904 bãi chôn lấp.
Trong Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam, mục tiêu đặt ra vào năm 2030 là giảm phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực chất thải từ 46,3 triệu tấn CO2tđ xuống 29,4 triệu tấn CO2tđ (giảm 63% so với kịch bản phát triển thông thường) với sự hỗ trợ quốc tế. Các biện pháp giảm thiểu bao gồm: Giảm chất thải rắn; tái chế chất thải rắn, phân hữu cơ, nhiên liệu từ rác thải; thu hồi và tận dụng khí thải bãi; chôn lấp để phát điện; đốt rác phát điện; các biện pháp xử lý nước thải khác.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ về mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định các vấn đề về giảm phát thải.
Các văn bản quan trọng khác cũng đã cụ thể hóa những nội dung này, bao gồm Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn; Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; Thông tư 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu. Bộ TN&MT cũng đã ban hành Thông tư quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực quản lý chất thải.
Các đại biểu trao đổi, thảo luận nhằm giải đáp các vướng mắc liên quan tới quy định kiểm kê phát thải trong lĩnh vực chất thải
Doanh nghiệp thuộc danh mục trong Quyết định 01, trong đó có các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chất thải, phải thực hiện trách nhiệm cung cấp số liệu thông tin liên quan đến phục vụ kiểm kê khí nhà kính; tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính và xây dựng báo cáo kiểm kê định kỳ 2 năm 1 lần từ 2024 trở đi. Đồng thời, xây dựng, thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính giai đoạn từ 2023 - 2025 phù hợp điều kiện sản xuất, kinh doanh của cơ sở.
Ông Quang lưu ý, doanh nghiệp cần xây dựng các biện pháp giảm nhẹ ngay từ bây giờ để kịp đáp ứng yêu cầu giảm phát thải khí nhà kính từ năm 2026, nếu không có thể sẽ dẫn đến đình trệ sản xuất. Đây cũng là cơ sở để doanh nghiệp có thể tham gia thị trường các-bon và tăng thêm nguồn tài chính để tái đầu tư.
Theo ông Koji Fukuda, Cố vấn trưởng, Dự án JICA SPI-NDC, việc nắm vững những thông tin này sẽ giúp tăng cường sự tham gia của khối tư nhân tham gia thực hiện NDC, cũng như triển khai hiệu quả các quy định pháp luật về biến đổi khí hậu, đặc biệt trong vấn đề liên kết với thị trường các-bon của Việt Nam trong tương lai.
Đại diện các doanh nghiệp và chuyên gia cùng thực hành tính toán
kiểm kê khí nhà kính
Bà Akiko Ishii, chuyên gia đào tạo lĩnh vực tư nhân, Dự án SPI – NDC cho biết, với khung pháp lý liên quan đến báo cáo khí phát thải KNK, chương trình đào tạo giúp đại diện doanh nghiệp có một nền tảng kiến thức chung nhất về các quy định có liên quan về báo cáo phát thải khí nhà kính, cũng như những phương pháp xác định cụ thể cho từng ngành nghề lĩnh vực. Thông qua đó, các doanh nghiệp niêm yết có thể sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ báo cáo của mình với các cơ quan liên quan.
Tại hội thảo, các chuyên gia Việt Nam và Nhật Bản đã chia sẻ các quy định cụ thể về giảm phát thải KNK, các phương pháp, công cụ tính toán kiểm kê KNK, các biện pháp giảm nhẹ phát thải của các doanh nghiệp tiên phong sản xuất xanh, sạch trong lĩnh vực quản lý chất thải; hệ thống báo cáo kiểm kê KNK cấp cơ sở và thực hành tính toán giả định kiểm kê phát thải KNK. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp có thể tham khảo, học hỏi và thực thi một cách có hiệu quả các quy định giảm phát thải trong thời gian tới.
Nguồn baotainguyenmoitruong