Logo
phone
Hotline: 02437327155
Định hướng chương trình nâng cao năng lực đào tạo, hợp tác quốc tế phát triển khoa học công nghệ phục vụ phát triển ngành công nghiệp môi trường P1
  25/05/2016
icon-zalo

 

Vấn đề phát triển ngành Công nghiệp môi trường, trong đó có ngành tái chế, ở Việt Nam là một yêu cầu cấp bách, trong hoàn cảnh đất nước ta, mặc dù đang trên đường phát triển mạnh mẽ kinh tế và xã hội nhưng vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề liên quan đến môi trường và sử dụng tài nguyên. Nếu không giải quyết được những vấn đề trên, việc phát triển kinh tế sẽ không còn ý nghĩa, vì tổn thất (về cả môi trường và tài nguyên) sẽ lớn hơn nhiều mức độ tăng trưởng, như thực tế nhiều năm qua đã chứng minh, và như đã thấy ở nhiều quốc gia đang phát triển khác.

 

Đối với việc phát triển ngành công nghiệp môi trường nói chung, và công nghiệp tái chế nói riêng ở Việt Nam, vẫn còn chịu nhiều yếu tố ảnh hưởng tiêu cực. Trong các yếu tố này, có sự yếu kém và thiếu hụt nguồn nhân lực, không chỉ trong hoạt động sản xuất mà còn của hoạt động nghiên cứu, triển khai và chuyển giao công nghệ môi trường, công nghệ tái chế, vốn là những hoạt động quan trọng góp phần cho sự phát triển của ngành.

 

Tiềm năng của ngành

Ngành công nghiệp môi trường ở Việt Nam trên thực tế đã được hình thành một cách chính thức thông qua Quyết định số 1030 ngày 20/7/2009 của Chính phủ về việc phê duyệt "Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025". Tuy nhiên, ngay cả trước thời điểm này, ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đã manh nha hình thành từ những năm trước, nhằm đáp ứng một phần nhu cầu bảo vệ môi trường quy định bởi pháp luật, mà điển hình là các công ty môi trường đô thị tại các tỉnh thành phố. Tiếp theo sau đó là hàng loạt các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ môi trường, đặc biệt là xử lý/tái chế chất thải/nước thải. Theo số liệu điều tra của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách công nghiệp (IPSI) tiến hành trong các năm 2006-2007 trên phạm vi 20 tỉnh, đã thống kê được 2.271 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực môi trường[i]. Ngoài các công ty Môi trường đô thị URENCO của các tỉnh/thành phố còn có các doanh nghiệp tư nhân trong nước, nước ngoài, các hình thức liên doanh, liên kết. Quy mô của các công ty cũng tăng rất nhanh, trong đó một số công ty có doanh số lên đến 1.000 tỷ đồng/năm.

 

Một thực tế không thể phủ nhận, là nhu cầu và tiềm năng của ngành công nghiệp môi trường ở Việt Nam là rất lớn. Theo nghiên cứu đã dẫn của IPSI, điều tra bước đầu 16 ngành lĩnh vực căn bản cho thấy nhu cầu ước đạt trên 130.000 tỷ đồng tương đương với khoảng 7 tỷ USD/năm. Con số này mới chỉ đạt trung bình trên 50 % tổng nhu cầu xã hội. Cũng theo số liệu điều tra, mỗi trong số hơn 500 đô thị lớn của cả nước đều cần khoản kinh phí 80 triệu USD cho hệ thống thu gom và xử lý nước thải của mình, riêng TP .HCM và Hà Nội thì con số này là khoảng 3 tỷ USD. Sẽ cần khoảng 5 tỷ USD mỗi năm cho việc vận hành các hệ thống xử lý này, trong khi tổng đầu tư nhà nước cho lĩnh vực này mới chỉ dừng ở con số trên dưới 900 triệu USD, gần bằng số vốn ODA được đầu tư cho lĩnh vực này trong giai đoạn 2006 - 2010.

 

Nhu cầu trong phát triển nguồn lực

Khi xem xét đến yếu tố nguồn nhân lực trong phát triển công nghiệp môi trường ở Việt Nam, điều đầu tiên dễ nhận thấy rằng, nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, đã được đánh giá là một trong những nguồn lực quan trọng bậc nhất cho phát triển kinh tế quốc gia nói chung, và ngành công nghiệp môi trường còn non trẻ nói riêng. Các mô hình phát triển kinh tế đều khẳng định điều này khi cho rằng sự phát triển bền vững đòi hỏi phải tích lũy vốn, phát triển kỹ thuật và công nghệ. Đây là những nhân tố gắn liền và phụ thuộc vào chất lượng NNL, khi chất lượng lao động thấp hay vốn nhân lực ít thì việc tạo ra và thực hiện tích lũy vốn và phát triển kỹ thuật công nghệ khó mà thực hiện được. Các bằng chứng cả vi mô và vĩ mô đều cho thấy tầm quan trọng của chất lượng của nhân tố này với sự phát triển kinh tế.

 

Cần chú ý rằng, nguồn nhân lực chất lượng cao ở đây không hiểu theo nghĩa bằng cấp, học vị, mà phải hiểu theo nghĩa chất lượng cao về chuyên môn công việc, với ý thức kỷ luật và khả năng nhận thức trong phạm vi trách nhiệm được giao.

 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến năm 2011 dân số Việt Nam gần đạt ngưỡng 88 triệu người (ước tính khoảng 87,84 triệu người). Với lượng dân số này, hiện nay Việt Nam đang đứng thứ 13 trên thế giới về dân số và thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á. Về lực lượng lao động, tính đến 1/7/2011, cả nước có 51,4 triệu người từ 15 tuổi trở lên thuộc lực lượng lao động, chiếm 58,5% tổng dân số. Trong đó lực lượng lao động của khu vực nông thôn chiếm 70,3%. Điều này cho thấy tiềm năng về mặt con người trong phát triển kinh tế nói chung và phát triển ngành công nghiệp môi trường nói riêng là rất lớn.

 

Tuy nhiên, số người trong độ tuổi lao động đông không có nghĩa là thị trường lao động Việt Nam đáp ứng đủ nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp. Bởi số lao động có tay nghề, có chất lượng của nước ta đang còn rất hạn chế. Trong tổng số 51,4 triệu lao động chỉ có gần 7,8 triệu người đã được đào tạo, chiếm 15,4%. Sự chênh lệch về chất lương nguồn lao động được thể hiện rõ nhất là ở khu vực nông thôn và thành thị. Ở thành thị lao động đã được đào tạo chiếm 30,9%, trong khi ở nông thôn chỉ có 9%. Sự chênh lệch này là quá lớn, ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển kinh tế chung của nước. Trong khi đó, lượng lao động từ nông thôn đến thành thị tìm việc là rất lớn.Nhưng mục đích chính của những lao động này lên thành phố không phải để học nghề, học việc mà tham gia vào các công việc mang tính chất thời vụ, buôn bán hoặc làm những công việc không đòi hỏi kinh nghiệm, tay nghề.

 

Nguồn lao động dồi dào, tỷ lệ thất nghiệp ở nước ta trong những năm gần đây liên tục tăng, nhưng các doanh nghiệp vẫn thiếu lao động. Nguyên nhân là do lao động Việt Nam chỉ mới đáp ứng được nhu cầu về số lượng, chứ chưa đáp ứng được nhu cầu về chất lượng. Điều này không chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp và còn khiến cho người lao động tự làm mất cơ hội việc làm cho bản thân.

 

 Thiếu hụt lao động trình độ cao có đào tạo và có ý thức trách nhiệm, chuyên môn

Việt Nam hiện là nước đông dân thứ 3 ở Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines) và đứng thứ 13 trong số những nước đông dân nhất thế giới. Theo phân tích và nhận định của các nhà nhân khẩu học kinh tế trong và ngoài nước, cơ cấu dân số Việt Nam đã bước vào giai đoạn “Cơ cấu dân số vàng” hoặc “Dư lợi dân số”. Như vậy, mặc dù đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực này nhưng ngay trong khối ASEAN chỉ số HDI của chúng ta cũng chỉ cao hơn 3 nước là Lào, Campuchia và Mianma. Tỷ lệ lao động được đào tạo có trình độ từ sơ cấp trở lên của Việt Nam cũng chưa cao. Những điều này cho thấy rằng, mặc dù đã đạt nhưng thành tích nhất định nhưng để nâng cao chất lượng dân số, phát triển được nguồn nhân lực chất lượng cao, tận dụng hiệu quả dư lợi nhân khẩu học, thì còn là một thách thức rất lớn đối với chương trình phát triển kinh tế-xã hội của nước ta trong giai đoạn tới. 

 

Theo số liệu của Viện nghiên cứu phát triển TP. HCM cho biết: hiện nay, cung lao động tại Việt Nam rất dồi dào và lớn hơn cầu về lao động. Tuy nhiên, phần lớn lượng cung lao động này là lao động phổ thông, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo cao và chất lượng lao động không đồng đều giữa các vùng, miền. Cụ thể là gần 77% người lao động trong độ tuổi lao động chưa được đào tạo nghề, hoặc được đào tạo thì còn hạn chế về kỹ năng nghề nghiệp và chất lượng lao động ở khu vực thành phố cao hơn so với ở khu vực nông thôn. Về mặt cầu, nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay phần lớn được phân bổ trong khu vực nông nghiệp, nơi kỹ năng, tay nghề và trình độ của người lao động thường không cần ở mức độ cao. Lực lượng lao động đang làm việc trong khu vực công nghiệp chỉ chiếm 20% và đối với khu vực dịch vụ chỉ chiếm khoảng 26%.

 

Bên cạnh các Doanh nghiệp Việt Nam, hiện nay các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở nước ta cũng đang rất khát nguồn lao động có tay nghề, chất lượng cao, mặc dù vẫn tuyển ồ ạt lao động trình độ phổ thông. Trong khi đó, tỷ lệ lao động có chất lượng của chúng ta lại quá ít, không đủ để đáp ứng cho nhu cầu của các doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc quan tâm đào tạo nguồn nhân lực là vấn đề vô cùng quan trọng hiện nay. Như vậy, có thể thấy rằng chất lượng nguồn lao động của nước ta hiện nay đang còn rất thấp, trong khi nhu cầu sử dụng lao động có tay nghề, chất lượng cao của các DN lại liên tục tăng. Điều này dẫn đến nguồn lao động của chúng ta dồi dào, nhu cầu việc làm lớn, nhưng các doanh nghiệp vẫn rơi vào tình trạng thiếu lao động. Đây cũng chính là một vấn đề bất cập lớn nhất khi xem xét đến cơ sở cho việc phát triển ngành công nghiệp môi trường trong tương lai ở Việt Nam.

 

Thiếu hụt trong nguồn nhân lực tham gia công tác đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ

Cần phải nhấn mạnh rằng, trong lĩnh vực công nghiệp môi trường, năng lực và nhân lực nghiên cứu của các đơn vị tham gia đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, một yếu tố cũng không kém phần quan trọng chính là cơ sở hạ tầng cho công tác nghiên cứu, đó là hệ thống các thiết bị nghiên cứu quy mô phòng thí nghiệm và các thiết bị đo, phân tích chất lượng phục vụ. Hiện nay, đội ngũ cán bộ nghiên cứu tại các đơn vị tham gia trong lĩnh vực công nghiệp môi trường không nhiều, số lượng cán bộ có năng lực tham gia nghiên cứu thực tế còn ít hơn. Tại các trung tâm và viện nghiên cứu, mặc dù đội ngũ cán bộ đông đảo và đồng đều hơn, tuy nhiên, do chưa có các chính sách hỗ trợ tài chính phù hợp nên thực tế không có nhiều cán bộ tham gia vào các nghiên cứu có liên quan đến công nghệ tái chế, do thời gian nghiên cứu dài, mức độ đầu tư lớn. Đây cũng là một hạn chế rất lớn cho việc phát triển các nghiên cứu khoa học công nghệ về tái chế

 

Công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành trong các năm qua còn nhiều bất cập, mất cân đối giữa các ngành, các cấp đào tạo: nhiều lĩnh vực quản lý mới của Bộ chưa được các cơ sở đào tạo quan tâm xây dựng chương trình và tuyển sinh đào tạo kịp thời, đẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực cả ở trung ương và địa phương. Các trường đại học, các cơ sở đào tạo lớn trong cả nước mới chỉ tập trung đào tạo về công nghệ, kỹ thuật chưa chú trọng đào tạo kiến thức về quản lý cho các lĩnh vực chuyên môn tài nguyên môi trường. Một số lĩnh vực chuyên sâu của ngành tài nguyên và môi trường chưa được các cơ sở đào tạo quan tâm xây dựng chương trình đào tạo, đặc biệt là đào tạo sau đại học và đào tạo cán bộ ở trình độ cao.

 

Chương trình, giáo trình đào tạo của các cơ sở đào tạo ít có sự đổi mới, cập nhật sự phát triển khoa học công nghệ và thay đổi về tư duy quản lý. Nội dung chương trình, giáo trình còn nặng về chuyên môn và mang tính hàn lâm, chưa đáp yêu cầu công tác quản lý và chuyên môn, nghiệp vụ. Cơ sở vật chất, kỹ thuật cũng đang là mối quan tâm của các cơ sở đào tạo. (Còn tiếp)

 

PGSTS. Huỳnh Trung Hải


[i] Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công  nghiệp - Bộ Công Thương. Hiện trạng công nghiệp môi trường Việt Nam. 2008

Đối tác
bô kế hoạch
bộ tài chính
bộ khcn
bộ y tế
bộ nông nghiệp
bộ gtvt
bo xd
bo cong thuong
bộ tnmt