Logo
phone
Hotline: 02437327155
Điểm tin môi trường - Xử lý rác thải bằng công nghệ nhiệt phân plasma
  22/02/2016
icon-zalo

 

Xử lý rác thải bằng công nghệ nhiệt phân plasma

 

Hệ thống lò xử lý rác thải bằng công nghệ nhiệt phân plasma, do kỹ sư Phan Trí Dũng (Chủ tịch HĐQT Công ty CP khoa học công nghệ Petech) thiết kế và Công ty Petech chế tạo (từ linh kiện nhập khẩu của Canada), vừa đưa vào vận hành thử nghiệm tại Nhà máy xử lý rác Thành Quang (H.Đông Anh, TP.Hà Nội).

 

Theo Thanh Niên, dự án có công suất 300 tấn/ngày, không có chất thải cần phải chôn lấp sau khi đốt, bởi tro xỉ được hóa lỏng thành thủy tinh vô tính, an toàn với môi trường.

 

 

Nhà máy gồm hệ thống sơ tuyển rác, ủ rác thu biogas để chạy máy phát điện; hệ thống lò đốt tích hợp plasma thu hồi nhiệt phát điện; dây chuyền thu hồi và tái chế vật liệu (kim loại, thủy tinh, giấy, nhựa) và sản xuất phân bón compost; dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng (đá trải đường, tấm bê tông đúc sẵn, tấm đê kè...) từ xỉ plasma. Khí thải (SynGas) được thu hồi để đốt phát điện và lấy nhiệt sấy khô rác thải trước khi đưa vào lò đốt.


Quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình


Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình. Phạm vi quy hoạch là khu vực trung du và đồng bằng hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, bao gồm địa phận 15 tỉnh, thành phố là: Hoà Bình, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên – theo Chinhphu.


Mục tiêu chung của quy hoạch là chủ động phòng, chống lũ, bão trên lưu vực sông Hồng, sông Thái Bình, góp phần ổn định, phát triển kinh tế – xã hội và an ninh quốc phòng; làm cơ sở để lập và điều chỉnh quy hoạch phòng chống lũ chi tiết các tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và các quy hoạch khác có liên quan trên địa bàn các tỉnh, thành phố trong hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình và làm cơ sở cho các Bộ, ngành, địa phương có liên quan thực hiện quản lý, điều hành công tác phòng, chống lũ, bão và xây dựng kế hoạch đầu tư các công trình phòng, chống lũ, bão, công trình đê điều trong trung, dài hạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.


Bến Tre công bố thiên tai xâm nhập mặn


Ngày 16.2, UBND tỉnh Bến Tre tổ chức họp bàn công tác phòng chống hạn mặn tại địa phương, đồng thời chính thức thông báo quyết định của UBND tỉnh về công bố thiên tai xâm nhập mặn năm 2016 trên địa bàn tỉnh. Báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh cho biết hiện độ mặn 4‰ đã xâm nhập sâu vào đất liền cách cửa sông từ 40 - 50 km, ranh mặn 1‰ đã xâm nhập sâu cách cửa sông khoảng 75 km, hầu như đã bao trùm phạm vi toàn tỉnh (chiếm khoảng 155/164 xã, phường, thị trấn) – theo Thanh Niên.


Mặn làm thiệt hại trên 10.000 ha lúa, trong đó nặng nhất là H.Ba Tri với trên 3.800 ha lúa thiệt hại trên 70%, chưa kể những thiệt hại cho các vườn cây ăn quả, rau màu. Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập lưu ý ngành chức năng và chính quyền các địa phương trong tỉnh cần dựa vào dự báo của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam từ đây đến khoảng 25.2 mặn sẽ giảm khá mạnh, có khả năng xuất hiện nước ngọt để điều khiển linh hoạt hệ thống cống đập xổ mặn thay ngọt.


El Nino gây ra thiệt hại nghiêm trọng ở Trung Mỹ, châu Á và châu Phi


Hiện tượng El Nino ảnh hưởng nặng nề đến nhiều nước ở Trung Mỹ, châu Phi và châu Á. Zimbabwe đã tuyên bố tình trạng thiên tai ở một số vùng của đất nước, còn Ethiopia đã thông báo cần nhiều viện trợ lương thực để ngăn chặn sự gia tăng số lượng các trường hợp suy dinh dưỡng. El Nino có một ảnh hưởng tai hại ở các nước Trung Mỹ, ở một số vùng của châu Phi và châu Á, những nơi đã phải hứng chịu một đợt hạn hán dẫn tới  cuộc khủng hoảng lương thực trầm trọng. Trong khi đó, Zimbabwe đã tuyên bố tình trạng thiên tai ở một số vùng của đất nước. Theo báo cáo, 2,4 triệu người –  tức là khoảng một phần tư dân số – cần viện trợ lương thực vì hạn hán đã phá hủy mùa màng.


Ở Haiti, 3,6 triệu người bị ảnh hưởng bởi mất an ninh lương thực, còn mùa vụ của nông dân bị thiệt hại đáng kể, theo Euronews. Roger Bonifacio, một chuyên gia về khí hậu của Chương trình Lương thực Thế giới, cho biết đây là do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino bắt đầu từ năm 2015, và “những tác động của nó sẽ được cảm nhận cho đến đầu năm sau và nó đã trải rộng về mặt địa lý. El Nino đã ảnh hưởng đến mùa vụ ở Trung Mỹ”. Hiện tượng El Nino từ năm 2015 là một trong những đợt mạnh nhất từng được ghi nhận, thậm chí còn mạnh hơn đợt năm 1997. Trung bình, hiện tượng xảy ra mỗi 3 đến 5 năm, khi nước ở vùng xích đạo của Thái Bình Dương ấm lên đáng kể và ảnh hưởng đến mô hình thời tiết toàn cầu.


Một năm tệ chưa từng có với nạn săn trộm tê giác ở Châu Phi


Ít nhất có 1.312 con tê giác bị giết một cách bất hợp pháp trong năm 2015, mức cao kỷ lục đối với lục địa này, theo số liệu từ TRAFFIC, Mạng lưới Giám sát Buôn bán Động - Thực vật Hoang dã có trụ sở tại Cambridge, Anh. Nam Phi là nơi có tỷ lệ nạn săn trộm lớn nhất cho dù theo một báo cáo con số săn trộm tê giác giảm nhẹ từ 1.215 con vào năm 2014 xuống còn 1.175 con trong năm 2015. Nhưng bù lại là sự gia tăng săn bắt bất hợp pháp ở các nước láng giềng – theo  VFEJ.


Đối với toàn bộ Châu Phi, đây là năm tệ nhất đối với việc săn trộm tê giác trong vòng mười năm qua, Tom Milliken, chuyên gia về tê giác của TRAFFIC cho biết trong một tuyên bố với giới truyền thông. Tâm chấn của nạn săn trộm tê giác đã lan sang các nước láng giềng Namibia và Zinbabwe, nhưng không nơi nào ở Nam Phi dập tắt được vấn nạn này. Các biện pháp bảo tồn tê giác sẽ được thảo luận tại cuộc họp Công ước CITES lần thứ 17, Công ước về Buôn bán Quốc tế các Loài Động Thực vật Nguy cấp, sẽ được tổ chức vào Tháng Chín tại Johannesburg, Nam Phi.

 

Mai Anh (TH)

 

Theo moitruong

Đối tác
bô kế hoạch
bộ tài chính
bộ khcn
bộ y tế
bộ nông nghiệp
bộ gtvt
bo xd
bo cong thuong
bộ tnmt