Logo
phone
Hotline: 02437327155
Điểm tin môi trường trong tuần
  15/01/2018
icon-zalo

 

Có thể thu 2.000 tỷ đồng từ phí dịch vụ môi trường rừng; Bình Dương biến rác thải thành điện; Lệnh cấm nghiêm khắc nhất thế giới với sản phẩm có hạt vi nhựa; Anh có kế hoạch trồng hơn 50 triệu cây xanh nối hai thành phố biển; Oxford sẽ trở thành nơi đầu tiên trên thế giới không có khí thải xe hơi; ... là trong số những thông tin sự kiện môi trường đáng chú ý trong tuần.

 

Có thể thu 2.000 tỷ đồng từ phí dịch vụ môi trường rừng


Dự kiến năm 2018, nguồn thu dịch vụ môi trường lên 2.000 tỷ đồng do tăng mức chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với các cơ sở sản xuất thủy điện. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2017, cả nước thu được 1.675 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Riêng tính đến tháng 10/2017, thu được 1.094,97 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, đạt 66,3% kế hoạch năm 2017; trong đó, đã giải ngân được 196 tỷ đồng cho chủ rừng, đạt 19% kế hoạch năm 2017.

 

 

 

Dự kiến năm 2018, nguồn thu này sẽ tăng thêm 800 tỷ đồng, từ mức 1.200 tỷ đồng năm 2017 lên 2.000 tỷ đồng do tăng mức chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với các cơ sở sản xuất thủy điện.

Bình Dương biến rác thải thành điện


Người Lao Động đưa tin ngày 10-1, UBND tỉnh Bình Dương công bố hoàn thành giai đoạn 2 của dự án xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải Bình Dương (tại thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương). Một ngày, khu liên hợp này có thể tiếp nhận xử lý 3.000 tấn rác sinh hoạt và hơn 1.000 tấn rác công nghiệp. Rác sau khi xử lý sẽ biến thành phân bón compost (công suất 840 tấn phân/ngày, bán ra thị trường), thành điện (công suất 820 KW, phục vụ vận hành dây chuyền xử lý rác), thành nguyên liệu làm gạch (hàng trăm tấn/ngày, bán ra thị trường).


Với vốn đầu tư hơn 30 triệu USD, dự án xử lý rác thải này được thứ trưởng Bộ Xây Dựng Phan Thị Mỹ Linh đánh giá là "khoa học, văn minh". Một số chuyên gia đánh giá khu liên hợp xử lý này là "hiện đại nhất Việt Nam". Lãnh đạo công ty cổ phần nước môi trường Bình Dương (chủ đầu tư) cho biết dự án này được chuyên gia Phần Lan hỗ trợ rất nhiều về mặt công nghệ, đặc biệt là công nghệ ủ rác thải để thu khí biogas rồi dùng khí này làm nhiên liệu chạy tổ hợp máy phát điện công suất lớn. Công nghệ biến rác thành điện đang được triển khai thí điểm tại nhiều nơi trong cả nước trong đó có TP HCM, Cần Thơ…


Cà Mau đã bố trí kinh phí sự nghiệp về môi trường gần 350 tỷ đồng


Báo nhân dân đưa tin, thông tin trên được nêu tại Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU của Tỉnh ủy Cà Mau (khóa XIV) về bảo vệ môi trường (BVMT), thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng (BĐKH-NBD) đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Giai đoạn 2012-2015, Cà Mau đã bố trí kinh phí sự nghiệp về môi trường gần 350 tỷ đồng (tương đương 1% ngân sách hằng năm của tỉnh) để đầu tư, xử lý các vấn đề về môi trường. Theo báo cáo của BCH Đảng bộ tỉnh, hiện Cà Mau có 6.849 cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, trong đó tập trung phần lớn ở 2 khu công nghiệp và 5 cụm công nghiệp.


Tình trạng gây ô nhiễm vẫn đang xảy ra ở khu công nghiệp Hòa Trung và cụm công nghiệp Sông Đốc, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường nước mặt và không khí, báo Cà Mau đưa tin. Báo nhân dân cho biết, qua công tác chuyên ngành, từ năm 2012-2017, cơ quan chức năng tỉnh đã kiểm tra 300 cơ sở và phát hiện, xử phạt hành chính 75 cơ sở với tổng số tiền gần 2,7 tỷ đồng. Đó là chưa tính con số hơn 2,7 tỷ đồng mà Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) và UBND các huyện, TP Cà Mau xử phạt các cơ sở gây ô nhiễm môi trường tại địa phương trong thời gian nêu trên. Báo Cà Mau cho biết thêm, trên cơ sở các chiến lược, kế hoạch, chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu, UBND tỉnh đã cụ thể hóa tình hình của tỉnh, đã có 39 dự án ưu tiên cấp thiết với tổng dự toán kinh phí hơn 5.700 tỷ đồng.


NOAA: Thiên tai năm 2017 gây tổn thất 306 tỷ USD


Cơ quan quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) cho hay thiên tai năm 2017 đã khiến Mỹ thiệt hại 306 tỷ USD. Báo cáo của NOAA nhấn mạnh những rủi ro kinh tế do thiên tai năm 2017 gây ra, ngay cả khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nghi ngờ nguyên nhân của thiên tai và bắt đầu rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (BĐKH) năm 2015.
NOAA cho biết những vụ cháy rừng ở phía Tây nước Mỹ và những cơn bão Harvey, Maria và Irma đã góp phần làm năm 2017 trở thành năm tổn thất nhiều nhất về kinh tế trong lịch sử. Kỷ lục trước đó là 215 tỷ USD hồi năm 2005 khi bão Katrina, Wilma và Rita càn quét bờ biển vùng Vịnh duyên hải Mexico của Mỹ (US Gulf Coast). Trong khi đó, nhiệt độ trung bình hàng năm của Mỹ tiếp giáp là 54,6 độ F (12,6 độ C) trong năm 2017, cao hơn 2,6 độ F so với mức trung bình của thế kỷ 20 và xếp thứ 3 về khí hậu nóng nhất kể từ năm 1895, đứng sau năm 2012 và 2016.


Lệnh cấm nghiêm khắc nhất thế giới với sản phẩm có hạt vi nhựa


VietnamPlus đưa tin từ ngày 9/1, việc sản xuất các sản phẩm có chứa các hạt vi nhựa (microbead) sẽ chính thức bị cấm trên toàn nước Anh. Đây được xem là một trong những lệnh cấm nghiêm khắc nhất trên thế giới đối với việc sử dụng các hạt siêu nhỏ độc hại này. Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Môi trường Anh Therese Coffey tuyên bố các nhà sản xuất mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân sẽ không còn được phép bổ sung các hạt nhựa nhỏ li ti vào các sản phẩm làm sạch như sữa rửa mặt, kem đánh răng hay sữa tắm.


Theo quan chức này, việc sử dụng các hạt siêu nhỏ này trong những sản phẩm trên là hoàn toàn không cần thiết bởi vẫn còn những giải pháp thiên nhiên khác có thể thay thế. Trong khi đó, người phát ngôn của Bộ Môi trường, Thực phẩm và các vấn đề Nông thôn (Defra) của Anh nhấn mạnh do những hạt nhựa siêu nhỏ độc hại này có thể đe dọa nghiêm trọng môi trường biển, vì vậy lệnh cấm trên sẽ giúp ngăn chặn hàng tỷ microbead thâm nhập vào đại dương mỗi năm. Dự kiến, một lệnh cấm đối với việc buôn bán các sản phẩm có chứa các hạt vi nhựa cũng sẽ chính thức có hiệu lực trong năm nay.


Anh có kế hoạch trồng hơn 50 triệu cây xanh nối hai thành phố biển


TTXVN đưa tin ngày 7/1, Thủ tướng Anh Theresa May công bố kế hoạch trồng hơn 50 triệu cây xanh để tạo ra một khu rừng mới ở miền Bắc nước này. Theo Bộ Môi trường, Thực phẩm và các vấn đề nông thôn của Anh, khu rừng sẽ trải dài gần 200km từ Liverpool và Hull dọc theo tuyến đường cao tốc M62 nối giữa hai thành phố cảng này. Kế hoạch này là dự án trồng rừng đầu tiên tại Anh trong hơn 25 năm qua, một phần trong Kế hoạch Môi trường 25 năm của Chính phủ Anh. Thủ tướng May cho biết nước này đang đầu tư hơn 3 tỷ bảng Anh (khoảng 4 tỷ USD) để cải thiện chất lượng không khí, khắc phục tình trạng ô nhiễm đại dương bằng cách cấm các vi sinh vật gây hại, cũng như tăng hình phạt cho các tội danh ngược đãi động vật lên năm năm.


Các quỹ tín thác Woodland Trust và Community Forest Trust ước tính khu rừng mới với cảnh quan đẹp sẽ mang lại hơn 2,7 tỷ USD cho nền kinh tế của Xứ sở Sương mù. Đợt trồng cây gây rừng đầu tiên sẽ bắt đầu vào tháng Ba tới. Dự án này được thực hiện tiếp sau thành công của dự án Rừng quốc gia, vốn chuyển đổi 518km2 diện tích các khu công nghiệp ở miền Trung nước này thành rừng. Khu rừng này hiện thu hút hơn 8 triệu lượt khách mỗi năm.


Oxford sẽ trở thành nơi đầu tiên trên thế giới không có khí thải xe hơi


Oxford luôn khiến Vương quốc Anh tự hào khi là một thành phố đi xe đạp, và hiện nay, nó còn đang hướng đến trở thành khu vực không có khí thải đầu tiên trên thế giới vào năm 2035. Oxford công bố kế hoạch cấm tất cả các loại xe ô tô chạy xăng và dầu hoạt động trong trung tâm thành phố. Oxford, thành phố lâu đời tại Anh tự hào về số lượng đông đảo du khách đi xe đạp, với những khẩu hiệu, "Chào mừng bạn đến thành phố Oxford, một thành phố đi xe đạp”. Trong một cuộc khảo sát gần đây, Oxford đứng thứ hai trong số các thành phố tại Anh với 22% người dân địa phương đi xe đạp ba lần hoặc nhiều hơn trong một tuần. Hiện nay, thành phố tỏ ra tham vọng hơn với “vùng không khí thải” tới năm 2035.


Sau khi phát hiện ra rằng 75% lượng khí bị ô nhiễm tại Oxford xuất phát từ giao thông, hội đồng thành phố và quận quyết định tạo ra một vùng khí thải thấp. Từ năm 2014, chỉ những phương tiện khí thải thấp mới được phép hoạt động trong phạm vi thành phố. Xe buýt, một nguồn gây ô nhiễm không khí chính, đã bắt đầu chuyển sang các phương tiện phát thải thấp và đội xe lai điện. Trong 10 năm qua, Oxford đã chứng kiến mức độ ô nhiễm không khí giảm 1/3. Mục tiêu kế tiếp của Oxford: không ô nhiễm. Ban đầu, khu vực không khí thải sẽ chỉ ở trung tâm thành phố. Nó sẽ mở rộng dần cho đến khi khu vực bao phủ toàn bộ thành phố vào năm 2035. Các loại xe chạy bằng xăng hoặc dầu diesel đi vào khu vực chỉ định sẽ bị phạt tiền.


Nhật Bản tạo radar phát hiện rác nhỏ trong vũ trụ


Cơ quan Thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) đang tạo ra một radar có khả năng phát hiện những mảnh rác vũ trụ cỡ nhỏ khoảng 10cm – truyền thông Nhật Bản cho biết ngày 8/1. Theo tờ báo Yomiuri, radar hiện tại của JAXA có khả năng tìm các mảnh rác lớn hơn 150 cm trong quỹ đạo của Trái đất. Tuy nhiên radar trong tương lai dự kiến sẽ hoạt động vào năm 2023, sẽ có độ nhạy cảm hơn 200 lần.


Thiết bị mới sẽ nhằm mục đích giúp ngăn chặn những va chạm giữa các mảnh vỡ trong vũ trụ và các vệ tinh hoạt động ở độ cao tới 2.000 km. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đang chuẩn bị tạo một radar mới ở quận Yamaguchi có khả năng phát hiện rác vũ trụ trong quỹ đạo có độ cao khoảng 36.000 km – báo Yomiuri nói.

 

Theo MTX

 

Đối tác
bô kế hoạch
bộ tài chính
bộ khcn
bộ y tế
bộ nông nghiệp
bộ gtvt
bo xd
bo cong thuong
bộ tnmt