Tham gia phim ngắn về bảo vệ động vật hoang dã để ‘ẵm’ giải đi Anh; Facebook hỗ trợ Việt Nam dùng công nghệ ứng phó thảm họa thiên tai; Nhật Bản thông qua dự luật hạn chế xả rác thải nhựa; Sách về các loài chim có giá đến 220 tỉ đồng; Thế giới có nguy cơ khan hiếm rau xanh do biến đổi khí hậu; ... là trong số những thông tin sự kiện môi trường đáng chú ý trong tuần.
VIỆT NAM
Tham gia phim ngắn về bảo vệ động vật hoang dã để ‘ẵm’ giải đi Anh
TTXVN cho biết: Từ nay đến ngày 15/8, các tác giả có phim ngắn liên quan đến công tác bảo tồn, các giải pháp góp phần loại bỏ vấn nạn buôn bán bất hợp pháp các loài “sách đỏ,” có thể gửi tới cuộc thi phim ngắn đề tài phòng chống buôn bán trái phép động vật hoang dã. Cuộc thi phim ngắn đề tài phòng chống buôn bán trái phép động vật hoang dã do Chính phủ Anh phối hợp với Liên hoan phim Luang Prabang (Lào), Quỹ Quốc tế bảo vệ Thiên nhiên (WWF) và Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã (WCS) tổ chức. Giải thưởng lớn nhất cho một phim ngắn nhằm nâng cao nhận thức về phòng chống buôn bán trái phép động vật hoang dã là một chuyến đi đến London vào tháng Mười, và tham dự Liên hoan phim tại Lào sẽ diễn ra trong tháng 12.
Đối tượng tham gia cuộc thi là tất cả những người làm phim trong khu vực sông Mekong, bao gồm cả Việt Nam. Sản phẩm dự thi là phim ngắn không quá 6 phút. Cuộc thi với cơ cấu giải thưởng gồm: Giải nhất trị giá 5.000USD (tương đường gần 120 triệu đồng); giải nhì trị giá gần 90 triệu đồng; giải ba trị giá hơn 60 triệu đồng; bốn giải đặc biệt, mỗi giải trị giá hơn 40 triệu đồng; giải giành cho sinh viên trị giá hơn 20 triệu đồng. Toàn bộ thông tin về cuộc thi, giải thưởng, cách thức nộp sản phẩm tham dự và các thông tin liên quan khác có ở đường link này: http://www.lpfilmfest.org/content/IWTMekong.html.
Facebook hỗ trợ Việt Nam dùng công nghệ ứng phó thảm họa thiên tai
Mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook đã phối hợp VDMA triển khai chương trình xây dựng kỹ năng về công nghệ cho cán bộ các cấp nhằm tăng cường hiệu quả trong việc sử dụng công nghệ và mạng xã hội để phòng ngừa, ứng phó thảm họa thiên tai. Đại diện truyền thông của Facebook tại Việt Nam vừa cho biết, mạng xã hội lớn nhất thế giới này đã phối hợp Tổng cục Phòng, chóng thiên tai (VDMA), thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai chương trình xây dựng kỹ năng về công nghệ cho cán bộ các cấp nhằm tăng cường hiệu quả trong việc sử dụng công nghệ và mạng xã hội để phòng ngừa, ứng phó thảm họa thiên tai.
VDMA cũng giới thiệu trang Facebook chính thức tại địa chỉ
https://www.facebook.com/PCTTVN/ giúp nhanh chóng chia sẻ thông tin đến người dân trong thời gian xảy ra thảm họa.
Theo đó, Facebook sẽ tổ chức một chuỗi các buổi hội thảo, tập huấn và chia sẻ kinh nghiệm cho các cán bộ thuộc Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tại một số tỉnh trọng điểm. Bà Clair Deevy - Giám đốc Cộng đồng của Facebook tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cam kết phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành địa phương để giúp họ phòng ngừa, ứng phó, quản lý và phục vụ người dân Việt Nam, đặc biệt là trong thời gian xảy ra thảm họa. “Chúng tôi cũng hướng tới việc xây dựng kỹ năng chuyên môn nhằm giúp các cán bộ VDMA tận dụng công nghệ để truyền thông nhanh và hiệu quả hơn, đảm bảo an toàn cho người dân” - bà Clair Deevy nói.
Việt Nam - Canada hợp tác nghiên cứu năng lượng sạch
Lễ ký kết ý định thư thực hiện chiều 8/6 tại Canada (theo giờ địa phương) giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Quỹ Nghiên cứu của Quebec, Canada. Sau lễ ký kết, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy và Nhà khoa học trưởng Québec Rémi Quirion đã trao ý định thư dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ ngành hai nước. Để cụ thể hóa nội dung hợp tác, Quỹ nghiên cứu khoa học bang Québec và Bộ Khoa học và Công nghệ thống nhất trực tiếp tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu chung trong từng lĩnh vực cụ thể. Bang Québec hiện tập trung nhiều trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ cũng như các vườn ươm công nghệ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, thành phố thông minh, công nghệ 5G, năng lượng tái tạo…
Theo VnExpress, trên cơ sở thế mạnh trong các lĩnh vực nghiên cứu, giáo sư Rémi Quirion - Nhà khoa học trưởng của Québec khẳng định sẽ cùng Việt Nam đẩy mạnh lĩnh vực này. Trước mắt Việt Nam và Quebec sẽ trao đổi sinh viên, hợp tác trong các dự án nghiên cứu điện, năng lượng sạch, giao thông... Đồng tình quan điểm này, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh mong muốn hai bên sẽ đẩy mạnh chính sách khoa học và công nghệ, hỗ trợ tăng cường mối liên kết giữa nghiên cứu và các ngành công nghiệp. Lễ ký kết diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm Canada và dự Hội nghị thượng định khối G7 mở rộng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam từ ngày 7 đến 10/6.
Chương trình hành động vì Hạ Long xanh: Hướng tới du lịch không rác
TTXVN cho biết ngày 14/6, tại Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN) phối hợp cùng Trung tâm hỗ trợ Phát triển xanh (GreenHub) và Trung tâm sống và học tập vì môi trường và cộng đồng (Live & Learn) tổ chức Chương trình "Hành động vì Hạ Long xanh: Hướng tới du lịch không rác." Hoạt động “Hành động vì Hạ Long xanh" nằm trong khuôn khổ Sáng kiến Liên minh Hạ Long-Cát Bà do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, hưởng ứng ngày Môi trường Thế giới 2018 với chủ đề “Giảm rác thải nhựa - nếu bạn không thể tái sử dụng, hãy từ chối." Tham gia chương trình lần này có hơn 100 đại diện đến từ các công ty du thuyền, đại lý du lịch, hướng dẫn viên du lịch, sinh viên và giảng viên các trường đại học du lịch và khách sạn, USAID, các tổ chức phi chính phủ, các chuyên gia và báo chí.
Theo ông Michael Greene, Giám đốc Tổ chức hợp tác quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam, đây là lần thứ tư Chương trình “Hành động vì Hạ Long xanh” được tổ chức kể từ năm 2016. Thông qua đó, nhiều hoạt động đã diễn ra với sự tham gia của các doanh nghiệp như tập huấn thu gom và phân loại rác thải, tổ chức cuộc thi cho sinh viên về các sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa và các chiến dịch làm sạch bờ biển.Trong ba chương trình trước, các tình nguyện viên đã thu gom được 4 tấn rác thải, trong đó chủ yếu là phao xốp và chai nhựa. Tại chương trình, các đại biểu tham gia được hiểu rõ khái niệm zero waste (không thải rác) và cách tiếp cận này trong thực tế tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch và khách sạn. Với hơn 500 tàu du lịch đang hoạt động và 4 triệu khách du lịch hàng năm, Vịnh Hạ Long đang là một trong những điểm du lịch hấp dẫn hàng đầu tại Việt Nam. Do đó, việc đầu tư vào hệ thống xử lý nước thải và quản lý chất thải rắn được coi là công việc trước mắt cần phải làm để duy trì các giá trị môi trường của Vịnh Hạ Long.
Quảng Nam lập lý lịch cho rừng để bảo vệ rừng
Trước tình trạng phá rừng ngày càng gia tăng và phức tạp, tỉnh Quảng Nam đã triển khai lập hồ sơ, lý lịch cho những cánh rừng, sau đó giao cho người dân tổ chức quản lý. Sau 5 tháng triển khai, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh nằm trên địa bàn 2 huyện Phước Sơn và Nam Giang đã luồn rừng, tiến hành thẩm định, làm lý lịch cho hơn 1.000 cây cổ thụ quý hiếm, sau đó bàn giao nguyên trạng cho từng thôn bản tự giữ.
Theo VTV, hiện nay việc thẩm định, làm lý lịch cho rừng, phân loại từng diện tích, chất lượng rừng sau đó giao rừng cho người dân địa phương quản lý theo từng gia đình, từng nhóm hộ được xác định là giải pháp căn cơ và lâu dài. Sau thí điểm, mô hình giữ rừng này sẽ được tỉnh Quảng Nam triển khai trên diện rộng toàn tỉnh. Cùng với đó là các công cụ như lập bản đồ số để quản lý từ xa, thay đổi mô hình Ban quản lý rừng, tổ chức buôn làng lập chốt giữ rừng.
THẾ GIỚI
Nhật Bản thông qua dự luật hạn chế xả rác thải nhựa
Trong một nỗ lực nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm đại dương, ngày 15/6, Thượng viện Nhật Bản đã thông qua dự luật về giảm thiểu việc xả thải các hạt nhựa siêu nhỏ từ các nhà máy ra biển. Dự luật trên đã nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của các thượng nghị sĩ Nhật Bản. Văn bản này hối thúc các doanh nghiệp, đặc biệt là các hãng sản xuất hóa mỹ phẩm, ngừng sử dụng các hạt nhựa siêu nhỏ trong quá trình sản xuất, đồng thời kêu gọi giảm thải các mảnh nhựa có kích thước lên tới 5mm ra môi trường. Ngoài ra, dự luật này cũng khuyến khích chính quyền địa phương nâng cao ý thức người dân trong việc tái chế nhựa và giảm thiểu rác thải nhựa. Đây là dự luật môi trường đầu tiên tại Nhật Bản về các biện pháp giảm thiểu xả thải các hạt nhựa siêu nhỏ ra môi trường. Tuy nhiên, văn kiện này không đưa ra các chế tài xử phạt đối với những tổ chức và cá nhân thiếu ý thức và không tuân thủ các yêu cầu trên.
Một nhóm các nhà khoa học cho biết hồi năm ngoái khoảng 40% lượng cá đánh bắt tại các hồ và biển tại Nhật Bản có chứa các hạt nhựa siêu nhỏ trong cơ quan tiêu hóa của chúng. Theo các chuyên gia, tổng lượng rác thải nhựa mỗi năm thu gom tại các đại dương trên thế giới vào khoảng 4,8 triệu đến 12,7 triệu tấn. Tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra tại Canada vừa qua, 5 trong số 7 nước thuộc nhóm G7, trừ Nhật Bản và Mỹ, đã cùng thông qua một chương mới nhằm tìm kiếm biện pháp hạn chế tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa trong môi trường.
Sách về các loài chim có giá đến 220 tỉ đồng
Nhà đấu giá Christie’s cho biết ấn bản đầu tiên của quyển sách nổi tiếng “The Birds of America” (tạm dịch: Các loài chim ở Mỹ) vừa được bán thành công tại New York (Mỹ) với giá lên đến 9,65 triệu USD (220 tỉ đồng). Quyển sách của tác giả John James Audubon xuất bản từ năm 1827-1838 thể hiện hình ảnh vẽ lại của hơn 1.037 loài chim ở Mỹ. Sách được tô màu sau khi in và hiện chỉ còn khoảng 120 cuốn, trong đó chỉ có 13 cuốn trong tay các nhà sưu tập tư nhân.
Sách có khổ 99 x 66 cm với hình ảnh thể hiện kích thước thật của các loài chim, trong đó có 6 loài ngày nay đã tuyệt chủng. Christie’s mô tả rằng đây là một trong những quyển bảo quản tốt nhất trong tay các nhà sưu tập tư nhân. Đây là giá cao thứ 2 cho quyển sách “The Birds of America”. Trước đó vào năm 2010, một quyển khác được bán với giá 10,27 triệu USD. Nhà đấu giá không tiết lộ danh tính người mua. Quyển sách trước đó thuộc sở hữu của doanh nhân Mỹ Carl W. Knobloch Jr. qua đời năm 2016. Tiền bán sách sẽ được quyên góp cho công tác bảo tồn động thực vật và môi trường tự nhiên thông qua quỹ gia đình Knobloch.
Thế giới có nguy cơ khan hiếm rau xanh do biến đổi khí hậu
Theo VTV, Trái đất nóng lên có thể khiến lượng rau xanh trên thế giới ngày càng khan hiếm. Các khu vực như Nam Âu, nhiều vùng của châu Phi và Nam Á là những nơi có nguy cơ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Theo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ, hơn 1/3 sản lượng rau xanh của thế giới sẽ bị sụt giảm vào năm 2100 nếu tình trạng Trái đất ấm lên vẫn tiếp diễn. Nghiên cứu trên khuyến cáo các chính phủ cần hỗ trợ ngành nông nghiệp trong nước để giúp chống chịu tốt hơn trước những biến đổi của khí hậu.
Chế tạo thành công ruồi robot theo dõi cây trồng
Tuổi Trẻ cho biết các kỹ sư tại Đại học Washington (UW) đã tạo ra một con ruồi robot đầu tiên trên thế giới có thể khảo sát sự phát triển của cây trồng và kiểm tra các mầm bệnh trên cành lá dưới góc độ hiển vi. Sawyer Fuller, giáo sư Kỹ thuật Cơ khí tại UW, cho biết: "Trước đây, khái niệm robot bay có kích thước bằng côn trùng là chuyện khoa học viễn tưởng. Nhưng với RoboFly, chúng tôi sẽ biến những điều không tưởng trở nên gần gũi với cuộc sống thực." Với kích thước và tốc độ phù hợp, ruồi robot RoboFly có thể khảo sát sự phát triển của cây trồng và kiểm tra các mầm bệnh trên cành lá dưới góc độ hiển vi.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng phương pháp chiếu tia laser vào tế bào quang điện gắn trên RoboFly để tế bào chuyển đổi ánh sáng laser thành năng lượng. Đây được xem là cách hiệu quả nhất để nhanh chóng truyền tải năng lượng đến thiết bị mà không cần thêm nhiều trọng lượng. Xét về mặt điều khiển, vi điều khiển hoạt động như bộ não của RoboFly, gửi điện áp thu thập được trong sóng tới cánh ruồi và khiến chúng đập liên tục như một con ruồi thực sự. Johannes James, tác giả chính của nghiên cứu, nói thêm: "Nó sử dụng các xung năng để định hình sóng, làm cho cánh vỗ nhanh về phía trước, đồng thời sẽ làm chậm nhịp đập xuống khi xung năng đến gần đỉnh sóng, dao động trong một biên độ tùy chỉnh từ 7V đến 240V cần thiết cho một "chuyến bay"."
'Mưa đá quý' trút xuống từ núi lửa Hawaii
Người dân Hawaii tìm thấy vô số viên đá quý màu xanh lá cây ở khu vực quanh núi lửa Kilauea sau vụ phun trào. Những viên đá quý, đặc biệt là đá olivine hay peridot, phun ra từ núi lửa Kilauea trên Hawaii đang trút xuống các khu vực xung quanh, IFL Science hôm qua đưa tin. Olivine là một loại đá quý màu xanh, thành phần vô cùng phổ biến trong đá núi lửa. Khoáng chất sắt - magie silicat này có nhiều màu sắc nhưng thường mang màu xanh lá cây nhạt. Olivine có nhiều trong đá phun trào với lượng silica thấp, tương tự lớp đá mới phun từ núi lửa Kilauea. Đây là một trong những vật đầu tiên hình thành dạng cứng bên trong dòng magma khi nó bắt đầu nguội dần – theo VnExpress.
Olivine có ở mọi nơi tại Hawaii. Theo thời gian, khi dung nham chứa đá bazan bị mài mòn, khoáng chất pha tạp lộ ra, trong đó có olivine. Theo nhà địa chất học David Bressan và nhà núi lửa học, tiến sĩ Janine Krippner, có một bãi biển hình thành toàn bộ từ đá olivine trên Đảo Lớn, Hawaii. Bãi biển Papakolea màu xanh biếc được tạo ra khi các tinh thể olivine bị mài ra từ đá núi lửa. Do tinh thể olivine khá nặng, chúng vẫn nằm trên bờ trong khi nhiều loại đá khác bị cuốn trôi. Hiện nay, dung nham vẫn đổ xuống biển tại nhiều điểm ở vịnh Kapoho. Lượng dung nham đổ xuống nhanh và nhiều tới mức tạo ra một đồng bằng mới, vùng đất trẻ nhất trên Trái Đất. Toàn bộ dung nham đến từ khe nứt số 8. Magma cực nóng và giàu khí gas ở khe nứt này tạo ra những đài phun dung nham cao hơn tòa nhà 20 tầng. Phun trào núi lửa làm magma bắn lên cao, đồng thời nhiệt độ kết tinh cao khiến sắt magie silicat biến thành đá olivine trước khi chúng chạm đất, tạo ra cơn mưa đá quý.
Theo MTX