Phát động cuộc thi Vẽ tranh thiếu nhi Vì môi trường tương lai; 80% nguyên nhân gây ung thư đến từ môi trường sống; Thanh tra hai nhà máy thép gây ô nhiễm; Báo động tình trạng tử vong cao trên thế giới do ô nhiễm không khí; ... là trong số những thông tin sự kiện môi trường đáng chú ý trong tuần.
VIỆT NAM
Phát động cuộc thi Vẽ tranh thiếu nhi Vì môi trường tương lai
Sáng 15/6/2018, tại Hà Nội, tạp chí điện tử Môi trường và Đô thị Việt Nam phối hợp với hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và Ủy ban Hòa Bình TP.Hà Nội tổ chức phát động cuộc thi Vẽ tranh thiếu nhi Vì môi trường tương lai và cuộc thi - triển lãm ảnh Môi trường và cuộc sống lần thứ Nhất - 2018. Ban Tổ chức cho biết, thời gian tiếp nhận sản phẩm dự thi sẽ kéo dài đến hết ngày 20/10/2018. Dự kiến thời gian trao giải vào tháng 12/2018. Đối tượng tham dự cuộc thi là trẻ em trên cả nước trong độ tuổi thiếu niên, nhi đồng (từ 6 đến 15 tuổi). Trong đó được chia làm 3 lứa tuổi: Từ 6 - 8 tuổi, từ 9-11 tuổi, từ 12-15 tuổi. Trẻ em đang học tập và sinh hoạt tại cung thiếu nhi, nhà văn hóa thiếu nhi trên toàn quốc.
Về đề tài, các em tham gia thi có thể vẽ về các đề tài mình quan tâm yêu thích, về con người và cuộc sống, về đất nước, thiên nhiên tươi đẹp, về môi trường xung quanh, chống ô nhiễm môi trường, thực trạng và những ước mơ của các em về môi trường sống trong tương lai. Đặc biệt, các em tham dự cuộc thi cần lưu ý, hình thức thể hiện là tranh vẽ trên giấy trắng khổ A3 (40cm x 28cm) với các loại màu tự chọn như chì, bột màu, sáp hoặc các chất liệu khác… Mặt sau tranh ghi rõ tên, tuổi, lớp, trường và địa chỉ gia đình, số điện thoại gia đình (nếu có). Những tranh gửi dự thi phải là những tranh chưa từng tham gia các cuộc thi khác hoặc in trên bất kỳ tờ báo hay tạp chí nào. Ban Tổ chức không chấp nhận những tranh không đảm bảo những quy định trên và không gửi trả lại những tranh dự thi. Các tranh dự thi được lưu giữ để có thể sử dụng vào mục đích tuyên truyền, giáo dục. Đáng chú ý, mỗi em có thể gửi 1 đến 5 tranh dự thi. Tổng giải thưởng cuộc thi lên đến hơn 100 triệu đồng.
80% nguyên nhân gây ung thư đến từ môi trường sống
Theo dự báo của Bộ Y tế, đến năm 2020, con số mắc ung thư ở Việt Nam là gần 200.000 ca. Trong đó, 80% nguyên nhân ung thư liên quan đến thuốc lá, ô nhiễm môi trường, thực phẩm, nguồn nước; bệnh nghề nghiệp.. Còn theo thống kê của Viện nghiên cứu phòng chống ung thư, ước tính Việt Nam có khoảng 94.000 người chết vì ung thư/năm, tỷ lệ tử vong do ung thư tại Việt Nam đứng thứ 78/172 quốc gia được điều tra. Các bệnh ung thư nam giới mắc nhiều nhất vẫn là phổi, dạ dày, đại trực tràng, thực quản... và ở nữ là ung thư vú, đại trực tràng, phổi, buồng trứng…
Theo GS.TS Nguyễn Bá Đức - Phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, 80% nguyên nhân ung thư có thể phòng tránh liên quan đến thuốc lá, ô nhiễm môi trường, thực phẩm, nguồn nước; bệnh nghề nghiệp... 20% còn lại không thể phòng tránh gồm tuổi cao, giới tính, gen di truyền... 80% nguyên nhân ung thư ở nhóm này có thể phòng tránh bao gồm: thuốc lá; ô nhiễm môi trường; ô nhiễm môi trường, nguồn nước; bệnh nghề nghiệp (hóa chất trong công nghiệp); tia phóng xạ; vi rút; vi khuẩn... Các chuyên gia khuyến cáo, để phòng bệnh ung thư cần hạn chế tiếp xúc các yếu tố nguy cơ từ môi trường khói thuốc lá, ATVSTP, không dùng thực phẩm bị ô nhiễm hóa chất, thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản tăng trọng; phòng tránh các vi rút gây viêm gan B, C, HPV (vi rút gây u nhú); bảo hộ lao động.
Đà Nẵng thanh tra hai nhà máy thép gây ô nhiễm
Ngày 22/6, Thanh tra thành phố Đà Nẵng cho biết đã công bố quyết định thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quá trình thành lập, hoạt động và về môi trường tại Công ty cổ phần thép Dana Ý, Công ty cổ phần thép Dana Úc và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Đoàn thanh tra gồm 10 thành viên, do bà Nguyễn Thị Hồng Ân - Phó chánh thanh tra thành phố làm Trưởng đoàn. Thời gian thanh tra 45 ngày. Thời kỳ thanh tra từ khi thành lập các doanh nghiệp cho đến nay. Phòng Giám sát, kiểm tra và xử lý sau thanh tra sẽ giám sát hoạt động của đoàn thanh tra. Tại buổi công bố quyết định thanh tra, đại diện lãnh đạo hai Công ty cam kết sẽ chấp hành nghiêm túc quyết định thanh tra và yêu cầu các phòng chuyên môn, các bộ phận trực thuộc phối hợp cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu.
Hai nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc xây dựng tại huyện Hòa Vang hơn 10 năm nay. Khoảng 6 năm trở lại đây, hàng trăm hộ dân xã Hòa Liên sống gần nhà máy bị ảnh hưởng bởi khói bụi, tiếng ồn đã nhiều lần dựng lán trại bao vây trước cổng hai nhà máy để phản đối, buộc chính quyền nhiều lần tổ chức đối thoại và đưa ra chủ trương di dời người dân, sau đó sẽ di dời nhà máy thép. Theo giới thiệu của doanh nghiệp, nhà máy thép Dana Ý có diện tích 170.000 m2, vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng, sản lượng 400.000 tấn/năm. Dana Úc có vốn đầu tư ban đầu 500 tỷ đồng, quy mô 50.000 m2, hằng năm cho ra đời 300.000 tấn sản phẩm thép xây dựng các loại và khoảng 300.000 tấn phôi.
Nhà máy đường bị xử phạt hơn 1,9 tỷ đồng vì gây ô nhiễm môi trường
Theo báo Người Lao động, sáng 20/6, UBND tỉnh Bình Định cho biết cơ quan này vừa ra quyết định xử phạt hành chính hơn 1,9 tỷ đồng đối với Công ty CP Đường Bình Định (Bisuco; trụ sở huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) về hành vi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhưng chậm khắc phục. Cụ thể, thời gian qua, Bisuco đã xả nước thải tại cửa xả số 2 của nhà máy ra sông Kôn, trong khi chất lượng nước thải ô nhiễm nặng. Bên cạnh đó, có 6 thông số môi trường thông thường trong nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật, trong đó chỉ tiêu coliform vượt đến 8.000 lần với lượng nước thải là 1.900 m3/ngày đêm; 5 chỉ tiêu còn lại gồm nhiệt độ, amoni, COD, BOD5, sunfua vượt từ 1,1 đến 2,6 lần so với quy chuẩn quy định. Theo Đại tá Lương Văn Bình - Trưởng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường Công an tỉnh Bình Định, đây là mức tiền phạt kỷ lục trước nay tại tỉnh này đối với một vụ vi phạm trong lĩnh vực môi trường, báo Tuổi trẻ đưa tin.
Ngoài bị phạt tiền, Bisuco còn bị đình chỉ hoạt động 4,5 tháng kể từ ngày quyết định được ký (15/6/2018) để nâng cấp hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo việc xử lý nước thải đạt quy chuẩn cho phép trước khi thải ra môi trường. Đồng thời, công ty phải khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm. Sau khi công bố quyết định của UBND tỉnh Bình Định, các cơ quan chức năng đã niêm phong đình chỉ hoạt động các máy móc, thiết bị hoạt động chế biến đường tại nhà máy của Bisuco. Việc gây ô nhiễm của Bisuco đã được UBND tỉnh Bình Định chỉ ra từ năm 2017, nhiều lần yêu cầu khắc phục nhưng công ty thực hiện không đạt yêu cầu. UBND tỉnh Bình Định đã quyết định tạm dừng hoạt động của nhà máy nhiều tháng liền trước khi ra quyết định xử phạt.
THẾ GIỚI
Báo động tình trạng tử vong cao trên thế giới do ô nhiễm không khí
Theo báo cáo có tiêu đề "Các mục tiêu phát triển bền vững năm 2018," trong năm 2016, 91% dân cư đô thị trên thế giới đang hít thở bầu không khí ô nhiễm không đáp ứng các tiêu chuẩn trong Hướng dẫn Chất lượng không khí được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề ra về hạt vật chất có đường kính dưới 2,5 micromet (PM2,5). Trong khi đó, hơn một nửa dân cư đô thị bị phơi nhiễm không khí ô nhiễm cao ít nhất 2,5 lần so với tiêu chuẩn an toàn – TTXVN đưa tin.
Nhiều thành phố trên thế giới đang đứng trước những "bài toán khó"về quản lý đô thị khi tốc độ đô thị hóa nhanh, từ bảo đảm có đủ nhà ở và hạ tầng cơ sở cho dân số ngày càng tăng đến đối mặt với tác động của đô thị hóa đối với môi trường cũng như giảm tính dễ tổn thương trước các thảm họa. Báo cáo cho biết trong giai đoạn 2000-2014, tỷ lệ người dân tại các đô thị trên thế giới sống trong các khu ổ chuột đã giảm từ 28,4% xuống 22,8%. Tuy nhiên, con số thực tế số người đang sống trong các căn nhà ổ chuột lại tăng từ 807 triệu đến 883 triệu người.
Lượng methane phát thải từ các công ty Mỹ nhiều hơn 60% ước tính
Theo các nhà khoa học Mỹ, đã có 13 triệu tấn khí methane phát thải từ các công ty năng lượng nước này ra môi trường, cao hơn 60% so với con số ước tính của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA). Đây là thống kê được nêu ra trong báo cáo đăng tải trên Tạp chí Science số ra ngày 21/6. Báo cáo do Quỹ Bảo vệ Môi trường (EDF) - một tổ chức phi lợi nhuận, thực hiện với sự tham gia của 140 nhà nghiên cứu từ 16 trung tâm nghiên cứu như Đại học Colorado Boulder hay Đại học Texas Austin. Để thực hiện công trình khoa học này, các nhà khoa học đã được 50 công ty dầu mỏ và khí đốt của Mỹ cho phép tiếp cận 400 giếng khoan tại 6 khu vực khai thác dầu mỏ và khí đốt, cùng một số cơ sở khác.
Các nhà khoa học phát hiện ra phần lớn lượng khí methane bị rò rỉ ra môi trường là do một số nguyên nhân như thiết bị trục trặc và điều kiện khai thác "không bình thường." Đây cũng là nguyên nhân khiến số liệu của EPA và của báo cáo chênh lệch ở mức cao. Theo các nhà khoa học, tỷ lệ khí methane rò rỉ ra không khí hiện nay vào khoảng 2,3%, cao hơn nhiều so với mức 1,4% mà EPA ước tính. Lượng khí rò rỉ này tương đương với lượng khí gas tự nhiên đủ cung cấp nhu cầu năng lượng cho 10 triệu hộ gia đình tại Mỹ và giá trị lên tới 2 tỷ USD. Methane là thành phần chính trong khí gas tự nhiên và là khí gây hiệu ứng nhà kính có khả năng làm trái đất nóng lên cao hơn 80 lần so với khí CO2 trong khoảng thời gian 20 năm.
EU nâng mục tiêu sử dụng năng lượng tái tạo lên 32% vào năm 2030
Liên minh châu Âu (EU) ngày 14/6 đã nhất trí nâng mục tiêu sử dụng các nguồn năng lượng gió, Mặt Trời và năng lượng tái tạo khác từ mức 27% tổng mức năng lượng tiêu thụ của khối lên 32% vào năm 2030. Theo thỏa thuận trên, đến năm 2030, ít nhất 14% nhiên liệu sử dụng cho hoạt động vận tải phải là nguồn năng lượng tái tạo. Thỏa thuận cũng đặt mục tiêu tỷ lệ sử dụng nhiên liệu sinh học và khí đốt sinh học tiên tiến sẽ đạt ít nhất 1% vào năm 2025 và ít nhất 3,5% vào năm 2030. Thỏa thuận này cần được Nghị viện châu Âu và từng nước thành viên EU thông qua.
Tổ chức môi trường Hòa bình Xanh (Greenpeace) nhận định với thỏa thuận trên, sẽ có thêm hàng triệu tấm pin năng lượng Mặt trời được lắp đặt trên các mái nhà ở châu Âu, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia quá trình chuyển đổi năng lượng. Tuy vậy, Greenpeace cho rằng mục tiêu sử dụng 32% năng lượng tái tạo là quá thấp và điều đó cho phép các công ty năng lượng vẫn sẽ dựa chủ yếu vào các nguồn năng lượng hóa thạch, cùng nhiều giải pháp không thân thiện với môi trường khác. Theo tổ chức này, thỏa thuận trên chưa đủ để EU có thể chống biến đổi khí hậu hiệu quả. Theo Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu được ký kết năm 2015, EU cam kết cắt giảm 40% khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so với mức năm 1990, đồng thời tỷ lệ năng lượng tái tạo chiếm 27% tổng năng lượng sử dụng.
McDonald sẽ thay ống hút nhựa tại các nhà hàng ở Anh và Ireland
Hãng tin BBC của Anh ngày 15/6 đưa tin tập đoàn kinh doanh đồ ăn nhanh McDonald sẽ thay thế các ống hút nhựa hiện đang được sử dụng tại các nhà hàng của tập đoàn này ở Anh và Ireland bằng ống hút giấy, bắt đầu từ tháng Chín này. Dẫn lời tập đoàn McDonald, BBC cho biết trong một cuộc tranh luận công khai về vấn đề ống hút, các khách hàng của McDonald đã bày tỏ mong muốn tập đoàn này cải tiến các ông hút và Mc Donald đã cam kết sẽ thực hiện việc cải tiến này. Trước đó hai tháng, Chính phủ Anh đã đề xuất lệnh cấm sử dụng các ống hút nhựa và tăm bông ngoáy tai vào cuối năm nay nhằm lên làm sạch đại dương. Kế hoạch này được Thủ tướng Anh Theresa May công bố trước cuộc họp của các nhà lãnh đạo Khối thịnh vượng chung ở London, theo đó, bà May kêu gọi các thuộc địa cũ của Anh tuân theo lệnh cấm.
Theo Thủ tướng Anh, chất thải nhựa là một trong những thách thức lớn nhất mà môi trường thế giới đang phải đối mặt và Anh đã đi đầu trong việc giải quyết vấn đề này. Cũng liên quan đến vấn đề trên, Bộ trưởng Môi trường Anh Michael Gove cho biết sẽ ngăn chặn các vi sinh vật gây hại và giảm bớt sử dụng túi nylon. Ông nêu rõ: "Chúng tôi sẽ cấm việc sử dụng ống hút, tăm bông ngoáy tai để giúp bảo vệ cuộc sống biển. Có một số nhà bán lẻ, quán rượu và nhà hàng đã giảm bớt việc sử dụng ống hút nhựa, tuy nhiên cần sự tham gia mạnh mẽ của chính phủ, doanh nghiệp và công chúng để bảo vệ môi trường cho thế hệ tiếp theo".
Mũ bảo hiểm có điều hòa nhiệt độ
Một công ty công nghệ ở thành phố Mũ bảo hiểm có điều hòa nhiệt độ, Ấn Độ đã phát minh một thiết bị làm mát cho mũ bảo hiểm để giúp người đi xe máy đối phó với cái nóng tại quốc gia Nam Á này. Thiết bị này chạy bằng pin, bao gồm một quạt điện, một lưới lọc, một khay nhỏ đựng nước.
Quạt hút không khí từ bên ngoài, đi qua lưới lọc, được bù ẩm sẽ phun vào bên trong mũ, đem lại cảm giác mát mẻ cho người đội. Thiết bị này có thể lắp dễ dàng vào bất cứ chiếc mũ bảo hiểm nào. Chiếc máy điều hòa không khí này đang được bán với giá 30 USD.
Mai Anh
Theo moitruong