Logo
phone
Hotline: 02437327155
Điểm tin môi trường trong tuần
  02/08/2017
icon-zalo

 

Khai mạc Hội thảo quan trắc môi trường lần thứ 8 năm 2017; Cả nước còn 240 điểm tồn lưu hóa chất gây ô nhiễm nặng; Triển khai Thỏa thuận Paris tại các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên; Cảnh báo hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino tăng tần suất;… là những thông tin sự kiện môi trường đáng chú ý diễn ra trong tuần qua.

 

Khai mạc Hội thảo quan trắc môi trường lần thứ 8 năm 2017


Sáng 28/7, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh  đã diễn ra Hội thảo quan trắc môi trường lần thứ 8 với chủ đề “Vai trò, nhiệm vụ của các Trung tâm Quan trắc môi trường trong tình hình mới”. Hoạt động quan trắc môi trường tại Việt Nam đã được thiết lập và duy trì từ năm 1994 đến nay, quan trắc môi trường được thực hiện theo quy mô từ Trung ương đến địa phương và trên phạm vi cả nước. Các cơ quan, đơn vị thực hiện quan trắc môi trường ngày càng phát triển về số lượng và nâng cao về chất lượng.


Trên phạm vi cả nước, các cơ quan, đơn vị thực hiện công tác quan trắc môi trườngcũng ngày càng phát triển về số lượng và nâng cao về chất lượng. Đến nay, hầu như 63 tỉnh/thành phố đã thành lập Trung tâm Quan trắc môi trường. Với vai trò đầu mối thống nhất quản lý hoạt động quan trắc môi trường trên phạm vi cả nước, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã, đang và sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị trong hệ thống quan trắc môi trường nhằm đẩy mạnh các hoạt động quan trắc cả về lượng và chất, đảm bảo nâng cao hoạt động quan trắc môi trường trong thời gian tới.

 

 Cả nước còn 240 điểm tồn lưu hóa chất gây ô nhiễm nặng


Thông tin từ Bộ Tài nguyên & Môi trường cho biết, chất lượng môi trường đất tại các khu đô thị đang có xu hướng bị ô nhiễm nặng do các
chất thải từ hoạt động công nghiệp, xây dựng, sinh hoạt và các điểm chứa chất độc hóa học tồn lưu Dioxin. Theo thống kê, chỉ tính riêng các điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, hiện có 240 điểm trên địa bàn 15 tỉnh. Trong đó, có 23 điểm thuộc khu vực đô thị chưa được xử lý.


Các điểm ô nhiễm chất độc hóa học tồn lưu được phân làm hai loại chính là các khu vực đất bị nhiễm Dioxin do hậu quả chiến tranh (khu vực bị phun rải chất độc hóa học và các sân bay quân sự) và các kho thuốc bảo vệ thực vật. Báo cáo Môi trường quốc gia năm 2016 vừa được Bộ Tài nguyên & Môi trường công bố cũng chỉ rõ, tại các điểm tồn lưu chất độc hóa học, đất bị nhiễm các loại hợp chất có hàm lượng các chất độc cao, thời gian tồn lưu trong môi trường lâu, khó phân hủy, khó xử lý hoặc cải tạo.


Triển khai Thỏa thuận Paris tại các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên


Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 28/7, tại thành phố Hội An (Quảng Nam), Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam tổ chức triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu tại các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên. Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu đã được các quốc gia thông qua tại COP 21 (Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu), là văn bản pháp lý toàn cầu đầu tiên quy định trách nhiệm ứng phó với biến đổi khí hậu của tất cả các bên.


Trọng tâm của Thỏa thuận Paris là đưa ra các quy định liên quan đến trách nhiệm xây dựng và thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định của mỗi bên tham gia Công ước Khí hậu. Cho đến nay, Thỏa thuận đã được 195 nước ký, 155 nước phê chuẩn trong tổng số 197 bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu. Thỏa thuận Paris chính thức có hiệu lực từ ngày 4/11/2016. Hiện trong số 20 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên, có Đà Nẵng, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Nghệ An, Quảng Bình và Quảng Ngãi đã xây dựng và ban hành Kế hoạch của tỉnh/thành phố thực hiện Quyết định số 2053/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.


Ô nhiễm môi trường biển: 80% lượng rác có nguồn gốc từ đất liền


Thông tin từ Bộ Tài nguyên & Môi trường cho biết, thời gian gần đây, môi trường biển có nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn do các độc chất trong chất thải từ một số hoạt động trên đất liền, đặc biệt là các khu công nghiệp ven biển. Theo thống kê, có từ 70% đến 80% lượng rác thải trên biển bắt nguồn từ đất liền do các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, cơ sở công nghiệp, khu dân cư xả nước thải, chất thải rắn không qua xử lý ra các sông ở ven biển, hoặc xả thẳng ra biển.


Báo cáo Môi trường quốc gia năm 2016 vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố cũng chỉ rõ, hàm lượng dầu mỡ khoáng trong nước biển đang có xu hướng gia tăng, phổ biến ở khu vực cảng biển, do hoạt động của các tàu thuyền làm rò rỉ nhiên liệu dầu mỡ. Ngoài ra, môi trường biển còn có nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn do các độc chất trong chất thải từ hoạt động của các khu công nghiệp ven biển. Điển hình là sự cố ô nhiễm môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung xảy ra trong tháng 4/2016.


Đưa vào hoạt động Nhà máy xử lý và tái chế rác thải tại Đồng Tháp


Ngày 26/7, tỉnh Đồng Tháp tổ chức khánh thành, đưa Nhà máy xử lý và tái chế rác thải Đập Đá nằm trên địa bàn xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, công suất 240 tấn/ngày vào hoạt động. Nhà máy được xây dựng trên diện tích 10 ha, tổng vốn đầu tư hơn 270 tỷ đồng. Dây chuyền công nghệ đáp ứng được việc phân loại riêng các thành phần rác thải bằng hệ thống tự động kết hợp thủ công.


Các thành phần rác thải sau khi phân loại sẽ được dẫn về các dây chuyền xử lý riêng cho từng loại sản phẩm. Lượng rác sau khi đi qua tất cả dây chuyền xử lý trong nhà máy sẽ được tái sử dụng 100% thành các sản phẩm hữu ích như hạt nhựa, phân hữu cơ, than không khói, gạch... Hệ thống dây chuyền khép kín, giải quyết được vấn đề môi trường như mùi hôi, nước rỉ rác. Nhà máy xử lý và tái chế rác thải Đập Đá sẽ xử lý lượng rác thải trên địa bàn thành phố Cao Lãnh, huyện Cao Lãnh, huyện Tháp Mười và Thanh Bình.


Cảnh báo hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino tăng tần suất


Trong một báo cáo được công bố ngày 24/7, các nhà khoa học Australia đến từ Tổ chức Nghiên cứu công nghiệp và khoa học Khối Thịnh vượng chung (CSIRO) cho biết hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino thậm chí sẽ tăng gấp đôi trong vòng 35 năm tới, ngay cả khi nhiệt độ toàn cầu ổn định trong thời gian đó. Vào năm 2015, hầu hết các nước trên thế giới đã ký vào Hiệp ước Paris về chống biến đổi khí hậu với cam kết cùng chung tay giảm thiểu phát thải khí nhà kính - một trong những thủ phạm khiến Trái Đất ấm lên - qua đó giữ cho nhiệt độ Trái Đất không bị tăng quá 1,5 độ C trong thế kỷ này.


Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu tại CSIRO và chủ nhiệm công trình, tiến sỹ Guojian Wang, El Nino sẽ vẫn tiếp diễn, tác động trực tiếp đến lượng mưa tại khu vực vành đai Thái Bình Dương, bao gồm Australia và các nước Nam Mỹ. Hiện tượng thời tiết cực đoan này thậm chí sẽ xảy ra nhiều gấp hai lần mức hiện tại vào năm 2050, tức khoảng 10 lần trong 100 năm (tính tới năm 2050). Sau mốc năm 2050, khi sự nóng lên tại ở vùng xích đạo phía Đông Thái Bình Dương gia tăng, nguy cơ xuất hiện hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino sẽ tăng lên với khoảng 14 lần/100 năm vào năm 2150.


Mỹ có nguy cơ sắp mất hòn đảo đầu tiên do nước biển dâng


Hòn đảo Tangier nhỏ bé ở Vịnh Chesapeake, vốn tự nhận là “thủ đô của loài cua mai mềm của thế giới,” đang dần bị xói mòn bờ biển và có nguy cơ trở thành hòn đảo đầu tiên của Mỹ biến mất trong vòng 40 năm nữa do mực nước biển dâng cao. Theo các nhà khoa học, mực nước biển ở vịnh Chesapeake cao hơn so với bất kỳ nơi nào khác ở bờ biển Đại Tây Dương của Mỹ và cao gấp đôi so với tốc độ trung bình trên toàn cầu.


Đảo Tangier đang mất trung bình gần 5 mét đường bờ biển mỗi năm ở một số khu vực, khiến diện tích toàn đảo 3,1 km2 bị thu hẹp. Nhà nghiên cứu về sinh vật biển, David Schulte làm việc cho quân đội Mỹ cho biết hòn đảo này đã mất hơn 2/3 diện tích đất liền kể từ năm 1850 và chỉ 20 năm nữa đây sẽ trở thành nơi không thể ở được. Cư dân đảo đang đề nghị chính phủ liên bang tài trợ để xây một bước tường cao chắn sóng nhằm ngăn nước biển xâm lấn, trong khi một công trình xây đê chắn sóng để bảo vệ một bến cảng trên đảo dự kiến sẽ được khởi công vào năm 2018.

 

 Phát minh chất xúc tác để tách nước thành năng lượng sạch


Tách nước thành hydro và oxy để tạo ra năng lượng sạch có thể được đơn giản hóa chỉ với một chất xúc tác duy nhất. Đây là kết quả nghiên cứu được các chuyên gia Đại học Rice và Đại học Houston của Mỹ công bố ngày 26/7. Các chuyên gia Đại học Rice đã chế tạo ra một tấm phim điện phân, là một cấu trúc ba lớp gồm niken, graphene và hợp chất gồm sắt, mangan và phốtpho.


Thiết bị này đã được thử nghiệm trong phòng thí nghiệm của Đại học Houston. Bọt bong bóng niken tạo cho tấm phim một thiết diện bề mặt lớn hơn, trong khi chất dẫn graphene sẽ bảo vệ niken khỏi biến chất và kim loại phosphide sẽ thực hiện tiến trình phản ứng. Tấm phim này có thể vượt qua được những hạn chế về chất xúc tác để sản xuất hoặc oxy hoặc hydro, song không thể tạo ra đồng thời hai nguyên tố này.

 

Theo MTX

 

Đối tác
bô kế hoạch
bộ tài chính
bộ khcn
bộ y tế
bộ nông nghiệp
bộ gtvt
bo xd
bo cong thuong
bộ tnmt