1.900 tỉ đồng hỗ trợ các dự án bảo vệ môi trường; 225 triệu USD Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh - nước sạch nông thôn; Thiết bị giám sát chất lượng không khí của sinh viên; Nhiệt độ bề mặt Trái Đất năm 2016 đạt mức cao nhất mọi thời đại; NASA tính khoan xuyên lòng siêu núi lửa để ngăn chặn thảm họa;… là trong số những thông tin sự kiện môi trường đáng chú ý trong tháng 8.
VIỆT NAM
1.900 tỉ đồng hỗ trợ các dự án bảo vệ môi trường
Báo Tài nguyên và Môi trường cho biết sau 15 năm hoạt động, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam đã cho vay đến 1.900 tỉ đồng, hỗ trợ cho 245 dự án đầu tưbảo vệ môi trường trong nước. Hiện, có 8 lĩnh vực bảo vệ môi trường được ưu tiên vay vốn với lãi suất từ 2,6 - 3,6%/năm.
Tuy nhiên, mức cho vay chưa cao, tối đa 50 tỉ đồng, thời gian vay ngắn, tổng nguồn vốn chưa nhiều nên chưa thể hỗ trợ được nhiều dự án. Thời gian tới sẽ xem xét kiến nghị Thủ tướng sửa đổi một số quy định về tài chính trong các nghị định hướng dẫn thi hành luật Bảo vệ môi trường môi trường để tạo cơ chế tài chính đặc thù, thông thoáng hơn trong ứng phó khi có sự cố môi trường.
225 triệu USD Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh - nước sạch nông thôn
Đây là kết quả được triển khai tại địa bàn 21 tỉnh, thành khu vực miền núi phía Bắc, Tây nguyên và Nam trung bộ từ năm 2016-2020 với tổng vốn đầu tư hơn 225 triệu USD. Trong đó, vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới (WB) 200 triệu USD; vốn đối ứng Chính phủ Việt Nam 25,5 triệu USD. Nguồn vốn trên được phân bổ 187 triệu USD cho hợp phần cấp nước sạch nông thôn; 17 triệu USD thực hiện hợp phần vệ sinh nông thôn và 21 triệu USD dành xây dựng năng lực, truyền thông, giám sát, đánh giá thực hiện - Theo Đại Đoàn kết.
Riêng tại địa bàn tỉnh Hà Giang, Chương trình Mở rộng quy mô Vệ sinh – Nước sạch nông thôn dựa trên kết quả được triển khai với nguồn vốn 11,8 triệu USD gồm 10,9 triệu USD vốn WB, vốn đối ứng địa phương 969 nghìn USD. Số kinh phí trên được bố trí thực hiện 11.300 đầu đấu nối, tối thiểu 35 xã đạt vệ sinh toàn xã, 60 công trình vệ sinh trạm y tế, 114 công trình vệ sinh trường học và 5.150 công trình vệ sinh gia đình được xây mới, cải tạo.
Thiết bị giám sát chất lượng không khí của sinh viên
Tại sự kiện “Diễn đàn Khoa học và Công nghệ lần thứ 6” diễn ra ngày 26/8, sản phẩm “Thiết bị giám sát chất lượng không khí” của sinh viên ĐH Cần Thơ đã giành giải nhất cuộc thi “Trình diễn công nghệ của các nhà khoa học trẻ, sinh viên, nhóm khởi nghiệp sáng tạo” - theo KHPT.
Sự kiện do Trung tâm Dịch vụ công nghệ cao Hoà Lạc (Hoa Lac TOT) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Cần Thơ, Đại học (ĐH) Cần Thơ, Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển sinh viên Cần Thơ tổ chức có hơn 15 sản phẩm, công trình tiêu biểu được trình diễn và triển lãm.
Quản lý và cảnh báo bụi bằng ảnh vệ tinh
Hệ thống quản lý và cảnh báo bụi bằng ảnh vệ tinh thuộc đề tài "Hệ thống quản lý và cảnh báo ô nhiễm không khí" do TS Nguyễn Thị Nhật Thanh - Đại học (ĐH) Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội - làm chủ nhiệm. Đây là một hệ thống phần mềm quản lý và cảnh báo được tích hợp qua Google và chạy trên website: apom.fimo.edu.vn. Chương trình sử dụng cơ sở dữ liệu WebGIS (hệ thống thông tin địa lý) có khả năng cung cấp thông tin về mức độ, các chỉ số về ô nhiễm bụi, mật độ bụi mịn trong không khí tại từng khu vực và hiển thị ngay trên bản đồ lãnh thổ Việt Nam – theo KH&PT.
Hệ thống này sử dụng công nghệ thu thập và xử lý ảnh MODIS trên vệ tinh Terra/Aqua và VIIRS trên vệ tinh Soumi NPP thu được từ trạm thu ảnh đặt tại ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội. Đây là hướng nghiên cứu dựa trên mạng lưới hợp tác liên ngành viễn thám - khí tượng - công nghệ thông tin và truyền thông trong ĐH Quốc gia Hà Nội, trong khu vực và quốc tế và cũng là công trình nghiên cứu đầu tiên của Việt Nam sử dụng dữ liệu ảnh vệ tinh để cảnh báo ô nhiễm không khí. Hệ thống cảnh báo ô nhiễm bụi APOM đã được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng như các trung tâm quan trắc đặt hàng để thu nhận dữ liệu và đưa vào ứng dụng trong thời gian tới.
Ra mắt Tổng cục Phòng, chống thiên tai
Chiều 16/8, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức lễ ra mắt Tổng cục Phòng, chống thiên tai (PCTT). Theo Quyết định số 26 ngày 3/7 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục PCTT, trực thuộc Bộ NN&PTNT, là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT – Báo Tin Tức đưa tin.
Cục này sẽ theo dõi toàn bộ thiên tai trong cả nước sau đó tham mưu cho ban chỉ đạo, đây là cơ quan thường trực để ban chỉ đạo điều hành PCTT, chỉ đạo kịp thời cho địa phương, nhất là khâu phòng và tái thiết sau thiên tai. Bên cạnh đó, công tác tái thiết sau thiên tai cũng rất quan trọng, Tổng cục PCTT sẽ giúp cho công tác tổ chức, tái thiết sau thiên tai được tốt hơn.
THẾ GIỚI
Nhiệt độ bề mặt Trái Đất năm 2016 đạt mức cao nhất mọi thời đại
Trong báo cáo quốc tế về "Tình trạng khí hậu" công bố ngày 10/8, Chính phủ Mỹ khẳng định năm 2016 là năm nóng kỷ lục trên toàn cầu trong vòng 137 năm qua, với nhiệt độ bề mặt Trái Đất được ghi nhận ở mức cao nhất mọi thời đại. Theo báo cáo của Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia (NOAA), phần lớn các chỉ số về biến đổi khí hậu trong năm 2016 đều trong xu hướng ấm dần lên.
Mức tăng nhiệt độ được ghi nhận là từ 0.45-0.56 độ C so với giai đoạn 1981-2010. Trong khi đó, nhiệt độ trung bình mặt nước biển cũng ở mức cao nhất trong năm 2016 với mức tăng từ 0,36-0,41 độ C so với giai đoạn 1981-2010, thậm chí vượt 0,01-0,03 độ C so với mức kỷ lục ghi nhận được trong năm 2015.Theo báo cáo trên, mực nước biển trung bình toàn cầu cũng đạt kỷ lục mới với mức tăng khoảng 82 mm so với năm 1993 và là năm thứ sáu tăng liên tiếp.
Australia tìm ra công nghệ mới lọc nước ô nhiễm trong vài phút
Phó giáo sư Laichang Zhang, một nhà khoa học người Australia gốc Hoa tại khoa Cơ khí thuộc Đại học Edith Cowan, miền Tây Australia đã tìm ra phương pháp lọc nước ô nhiễm chỉ trong vài phút. Theo ông Zhang, các nhà khoa học đã sử dụng công nghệ nano thay đổi cấu trúc nguyên tử của sắt để tạo ra dải "thủy tinh kim loại." Biện pháp lọc nước thải công nghiệp hiện nay sử dụng bột sắt thì lại tốn kém và để lại nhiều cặn trong quá trình lọc. Một nhược điểm của biện pháp này là bột sắt chỉ được dùng một lần trong quá trình lọc.
Trong khi đó, ông Zhang cho biết "thủy tinh kim loại" được hình thành từ các nguyên tử sắt mà các nhà khoa học phát triển có thể tái sử dụng tới 20 lần, không tạo ra cặn sắt trong nước và giá thành sản xuất rất rẻ, chỉ mất vài USD/kg. Phát hiện này cũng mang lại lợi ích rất lớn cho ngành công nghiệp dệt của Trung Quốc, giúp họ có thể sản xuất nhanh hơn và thân thiện với môi trường hơn, đồng thời cho ra những sản phẩm chất lượng với giá thành rẻ hơn.
Chile bác dự án 1 tỷ USD để bảo vệ môi trường
Chính phủ Chile vừa bác bỏ dự án khai thác mỏ trị giá 1 tỷ USD để bảo vệ sinh vật biển, trong đó có loài chim cánh cụt. Công ty sắt Chile Andes muốn khai thác hàng triệu tấn sắt tại khu vực Coqimbo, phía Bắc Chile, tuy nhiên các Bộ trưởng nước này cho rằng dự án không đủ yếu tố kỹ thuật bảo vệ môi trường – theo Báo Sài Gòn Giải Phóng.
Coqimbo gần đảo có khu bảo tồn chim cánh cụt Humboldt. Nơi đây chiếm 80% chim cánh cụt Humboldt của thế giới cùng nhiều loài sinh vật biển quý hiếm khác như cá voi. Các công ty khai thác mỏ những năm gần đây ít khi được cấp phép tại Chile nhờ tinh thần bảo vệ môi trường của công chúng và các nhà chính trị.
25% dân số thế giới đối mặt với các đợt nắng nóng gây chết người
Trong công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Climate Change số ra ngày 16/8, các nhà khoa học cảnh báo trong những năm tới, 50% dân số thế giới sẽ phải đối mặt với những đợt nắng nóng ít nhất mỗi năm một lần, trong đó 25% phải hứng chịu các đợt nắng nóng có thể gây chết người. Giáo sư Camilo Mora thuộc Đại học Hawaii cho biết các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với nhân loại là "không thể tránh khỏi" ngay cả khi đạt được mục tiêu chính của Hiệp định Paris là giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C.
Cũng theo báo cáo trên, ngày nay, khoảng 30% cư dân địa cầu trải qua các đợt nắng nóng tồi tệ tại một số thời điểm trong năm. Kể từ đầu thế kỷ 21, nắng nóng đã ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm triệu người. Riêng trong mùa Hè 2003 đã có hơn 70.000 người tử vong ở Tây Âu. Cùng ngày, Ủy ban liên chính phủ Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (IPCC) công bố báo cáo nêu rõ, trong tương lai, nhân loại sẽ phải đối mặt với ba kịch bản gây ô nhiễm bởi khí carbon, trong đó các vùng nhiệt đới sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
NASA tính khoan xuyên lòng siêu núi lửa để ngăn chặn thảm họa
VnExpress dẫn nguồn tin cho biết Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) dự định khoan sâu vào lòng một trong những siêu núi lửa nguy hiểm nhất thế giới nằm dưới công viên quốc gia Yellowstone ở Mỹ, Independent hôm 19/8 đưa tin. Họ sẽ dùng những vòi phun nước áp suất cao để làm mát núi lửa, giải phóng nhiệt từ buồng chứa magma và ngăn núi lửa phun trào. Kế hoạch của NASA là khoan sâu khoảng 10 km ở Yellowstone và bơm nước qua đó. Chi phí của dự án là 4,5 tỷ USD.
Trong tương lai, một nhà máy địa nhiệt có thể được xây dựng để khai thác năng lượng. Tuy nhiên, khoan xuyên siêu núi lửa ẩn chứa nhiều nguy hiểm tiềm tàng, theo nhà khoa học Brian Wilcox ở Phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực (JPL) của NASA ở Viện công nghệ California. Theo Wilcox, mối đe dọa từ siêu núi lửa lớn hơn nhiều so với tiểu hành tinh hay sao chổi. Một vụ phun trào siêu núi lửa có thể tác động lâu dài tới hành tinh, bao gồm nạn đói trên toàn thế giới và lượng khí sulphur dioxide lớn giải phóng vào khí quyển. Liên Hiệp Quốc ước tính nguồn dự trữ lương thực toàn cầu chỉ đủ cung cấp trong 74 ngày.
Theo moitruong