Logo
phone
Hotline: 02437327155
Điểm tin môi trường tháng 3
  03/04/2018
icon-zalo

74 doanh nghiệp lớn tại Việt Nam nhận giải thưởng vì môi trường; Phát động Giải thưởng Sáng tạo xanh lần thứ II năm 2018; Kỷ niệm 10 năm Giờ Trái đất Việt Nam; Biến đổi khí hậu đã khiến thế giới thiệt hại hơn 320 tỷ USD;  Hơn 800 triệu người dân trên thế giới mất 30 phút để kiếm nước sạch; Trung Quốc truy cứu trách nhiệm 1.000 quan chức vì hủy hoại môi trường; ... là trong số những thông tin sự kiện môi trường đáng chú ý trong tháng.

 

VIỆT NAM


74 doanh nghiệp lớn tại Việt Nam nhận giải thưởng vì môi trường


VnExpress cho biết 74 doanh nghiệp được vinh danh đều là những đơn vị sản xuất kinh doanh lớn tại Việt Nam như Nike, Unilever, P&G, Nestle, Intel, Lộc Trời… Các công ty đều lựa chọn phương pháp đồng xử lý chất thải giảm thiểu các tác động tiêu cực cho môi trường, chú trọng phát triển bền vững. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, giải thưởng vì môi trường được đánh giá và trao tặng cho các doanh nghiệp qua hai tiêu chí: mức độ hạn chế chất thải chôn lấp và giảm lượng phát thải khí nhà kính; sử dụng phương pháp tính được công nhận bởi Liên Hiệp Quốc, trong công ước khung Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu.

 


 

Ecocycle Việt Nam trao tặng giải thưởng vì môi trường cho các doanh nghiệp tại Việt Nam cam kết quản lý chất thải công nghiệp an toàn, hạn chế chất thải chôn lấp và giảm phát thải CO2. Giải thưởng vì môi trường sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp tại Việt Nam thực hiện triết lý kinh doanh bền vững, đạt mục tiêu không chất thải chôn lấp trong quá trình sản xuất, giảm phát thải khí nhà kính và xây dựng môi trường lành mạnh. Ecocycle Việt Nam và đối tác luôn mong muốn xây dựng tương lai bền vững, hoàn toàn không chôn lấp chất thải.


Phát động Giải thưởng Sáng tạo xanh lần thứ II năm 2018


TTXVN cho biết từ nay đến ngày 31/8, các tác phẩm liên quan đến ý tưởng, mô hình tiêu biểu về sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu có thể gửi tới Ban tổ chức "Giải thưởng Sáng tạo xanh lần thứ II năm 2018." Giải thưởng do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức 2 năm/lần. Giải thưởng được phát động lần đầu vào tháng 9/2015 và đã được trao giải vào tháng 12/2016. 

 

Giải thưởng Sáng tạo xanh lần thứ II năm 2018 được chia thành 2 vòng từ ngày 25/2 đến tháng 12/2018 với cơ cấu Giải thưởng gồm: một giải nhất, mỗi giải trị giá 20 triệu đồng; năm giải nhì, mỗi giải 10 triệu đồng; mười giải ba, mỗi giải 7 triệu đồng, 15 giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 3 triệu đồng. Các tác giả có tác phẩm dự thi có thể gửi tới địa chỉ: Trung tâm truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Lô E2-Khu đô thị mới Cầu Giấy, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. (Tầng 4, Tòa nhà Báo Tài nguyên và Môi trường, Đường Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội). Ngoài phong bì thư ghi Giải thưởng Sáng tạo xanh. Hoặc gửi trực tiếp qua địa chỉ thư điện tử: giaithuongsangtaoxanh@gmail.com./.


Kỷ niệm 10 năm Giờ Trái đất Việt Nam


Từ 20h30 – 21h30, đêm sự kiện tắt điện 1 giờ - cũng là kỷ niệm 10 năm Giờ Trái đất Việt Nam – diễn ra nhiều hoạt động có ý nghĩa hướng tới những hoạt động bảo vệ môi trường trên toàn quốc. Giờ trái đất đã trở thành sự kiện thường niên không thể thiếu với ý nghĩa tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, với số lượng người tham gia hưởng ứng lên đến hàng tỷ người trên thế giới, hàng nghìn thành phố, hàng trăm quốc gia. Với khẩu hiệu “Hôm nay tôi sống xanh hơn”, Giờ Trái đất 2018 kêu gọi các tổ chức cá nhân tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường xanh và bền vững. 

 

Tối 24/3, tại Quảng trưởng Cách mạng Tháng 8, Hà Nội đã diễn ra nghi thức tắt đèn hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất 2018. Với thông điệp “Hôm nay tôi sống xanh hơn”, 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đồng loạt tắt đèn từ 20h30 đến 21h30 ngày 24/3. Mặc dù, lượng điện tiết kiệm được không lớn, nhưng đã khơi gợi và lan tỏa ý thức tiết kiệm điện hàng ngày, hàng giờ trong cộng đồng. Tại TP Hồ Chí Minh, đêm sự kiện tắt điện 1 giờ diễn ra tối 24/3 tại sân 4A Nhà văn hóa Thanh niên, quận 1 với sự tham gia của trên 5.000 tình nguyện viên, thanh thiếu niên và người dân trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Trong gần 1 tháng chuẩn bị và tổ chức cho dịp kỷ niệm 10 năm vô cùng đặc biệt, 5 dự án Chuyển động xanh, Cộng đồng xanh, Điểm đến xanh và bước nhảy xanh, Kết nối xanh và hoạt động xung kích vì cộng đồng - đã được đồng loạt triển khai tại các quận, huyện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, thu hút sự tham gia đông đảo của người dân. 

 

Việt Nam mới có gần 40 nhà máy xử lý nước thải tập trung


Báo cáo tại Hội thảo Việt - Nhật về thoát nước và xử lý nước thải ngày 9/3 cho biết  đến nay, Việt Nam có khoảng 37 nhà máy xử lý nước thải tập trung với tổng công suất thiết kế 890.000 m3/ngđ (ngày đêm), đến năm 2020 sẽ có thêm khoảng 50 nhà máy xử lý nước thải với tổng công suất khoảng 2 triệu m3/ngđ đi vào vận hành, nâng tỷ lệ nước thải được thu gom và xử lý đạt khoảng 20%. Bên cạnh đó, trên cả nước có 33 tỉnh, thành đã ban hành quy định quản lý thoát nước địa phương. Sau Nghị định 80/2014/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành, đã có 14 tỉnh thành ban hành mới quy định quản lý thoát nước địa phương và có 8 tỉnh rà soát, chỉnh sửa và ban hành quy định quản lý thoát nước địa phương theo Nghị định 80/2014/NĐ-CP. 

 

Báo Kinh tế & Đô thị dẫn lời bà Mai Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết, thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Thủ tướng chính phủ đã ký quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017, trong đó mục tiêu phát triển 6.3 liên quan đến thoát nước và xử lý nước thải rất được quan tâm. Đó cũng là mục tiêu hợp tác từ cấp trung ương đến địa phương và doanh nghiệp của hai nước Việt Nam và Nhật Bản hướng tới. Thực hiện mục tiêu trên, thời gian qua hai bên đã tập trung hợp tác về một số nội dung chính như tăng cường năng lực quản lý thoát nước và xử lý nước thải; Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ; Thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương và doanh nghiệp của hai nước trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải. 

 

Rót 102 triệu USD đầu tư công nghệ tiết kiệm năng lượng
Ngày 5/3, Ngân hàng Thế giới và Bộ Công thương đã tổ chức khởi động dự án nhằm hỗ trợ cho những nỗ lực của các doanh nghiệp công nghiệp trong việc áp dụng các kỹ thuật và thông lệ về tiết kiệm năng lượng với tổng giá trị gần 102 triệu USD. Theo đó, doanh nghiệp công nghiệp sẽ được vay vốn mới để đầu tư cho các công nghệ tiết kiệm năng lượng và tối ưu hóa sản xuất, từ đó giảm tiêu thụ năng lượng, chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh tổng thể của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế.
Trong tổng giá trị của dự án là 158 triệu USD, 101,7 triệu USD của Ngân hàng Thế giới, còn lại của dự án đến từ Chính phủ Việt Nam, các định chế tài chính tham gia, và các doanh nghiệp công nghiệ.  Với sự hỗ trợ của dự án, các định chế tài chính và doanh nghiệp công nghiệp sẽ có thể lập, đánh giá và thẩm định các dự án tiết liệm năng lượng. Điều này sẽ tạo ra một lĩnh vực kinh doanh mới cho các định chế tài chính, đó là cung cấp các khoản vay nhằm hỗ trợ các khoản đầu tư vào tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp, từ đó có thể mở rộng quy mô cho vay vốn cho các nghiệp công nghiệp.
THẾ GIỚI 

Biến đổi khí hậu đã khiến thế giới thiệt hại hơn 320 tỷ USD 

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 29/3 tuyên bố tình trạng biến đổi khí hậu đang là mối đe dọa lớn hơn bao giờ hết đối với loài người. Những thông tin gần đây từ Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), Ngân hàng Thế giới và Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho thấy tốc độ biến đối không ngừng của khí hậu. Tổng thư ký viện dẫn số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết năm ngoái biến đổi khí hậu đã khiến thế giới thiệt hại hơn 320 tỷ USD trong khi 41 triệu người dân ở Nam Á và 900.000 người ở châu Phi phải sống trong cảnh lụt lội. Đồng thời, các vụ cháy rừng xảy ra ở khắp mọi nơi trên thế giới, còn lớp băng ở Bắc cực vào mùa đông thấp hơn bao giờ hết. Lượng khí Co2 và Methane trong khí quyển lên tới mức cao nhất trong 800.000 năm qua. 
Người đứng đầu Liên hợp quốc cho biết nhiên liệu hóa thạch, vốn chiếm 70% tốc độ tăng trưởng nhu cầu năng lượng trong năm ngoái, vẫn được sử dụng một cách "vô tội vạ." Theo IMF, nhiên liệu hóa thạch được trợ giá tới 5.300 tỷ USD mỗi năm, hay chiếm 6% GDP toàn cầu. Ông Guterres viện dẫn thông báo của các nhà khoa học cho thấy các quốc gia chưa thực hiện những cam kết đưa ra theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký năm 2016 để tiến tới giới hạn mức tăng của nhiệt độ trái đất không quá 1,5 độ C. Trước tình hình đó, Tổng thư ký kêu gọi các quốc gia nỗ lực giảm 25% lượng khí thải toàn cầu vào năm 2020.
Hơn 800 triệu người dân trên thế giới mất 30 phút để kiếm nước sạch
Nhằm kỉ niệm Ngày Nước Thế giới (22/03), tổ chức phi chính phủ WaterAid đã đưa ra các số liệu nghiên cứu về sự khó khăn trong việc tiếp cận nguồn nước sạch ở một số quốc gia trên thế giới. Sự mất cân bằng về nguồn nước sạch đang gia tăng ở nhiều quốc gia, đặc biệt là những nước có điều kiện môi trường khắc nghiệt. Theo báo cáo của tổ chức WaterAid, hơn 800 triệu người dân trên thế giới cần đi lại và xếp hàng trong ít nhất 30 phút mới có thể tiếp cận được nguồn nước sạch.
Trong khi báo chí thế giới chỉ tập trung vào hạn hán ở Cape Town thì tổ chức WaterAid, trong báo cáo của mình ngày 21/3 lại nhấn mạnh rằng còn rất nhiều nơi ở các vùng khác từ lâu đã phải xếp hàng mới có thể tiếp cận được một nguồn cung cấp nước hạn chế. Cho đến nay, quốc gia bị ảnh hưởng tồi tệ nhất là Eritrea, nơi chỉ có 19% dân số có cơ hội sử dụng nước. Tiếp đến là Papua New Guinea, Uganda, Ethiopia, Cộng hòa Dân chủ Congo và Somalia, hầu hết đều chỉ có từ 37% đến 40% tỷ lệ người dân được tiếp cận nước sạch. 

Trung Quốc truy cứu trách nhiệm 1.000 quan chức vì hủy hoại môi trường 
Theo TTXVN, trong thông báo ngày 29/3, MEE nêu rõ các cơ quan trung ương Trung Quốc đã tiến hành thanh tra môi trường tại 7 khu vực gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Hồ Bắc, Quảng Đông, Trùng Khánh, Thiểm Tây và Cam Túc. Trong tổng số 1.048 người bị truy cứu trách nhiệm có 3 quan chức cấp bộ thuộc tỉnh Đông Bắc Cam Túc. 3 nhân vật này đối diện với cáo buộc hủy hoại môi trường tại dãy núi Qilian, sau khi các nhà điều tra tiến hành đợt thanh tra môi trường lần thứ hai từ tháng 11-12/2016. Cùng thời điểm trên, nhà chức trách Trung Quốc cũng đã truy cứu trách nhiệm 159 quan chức cấp sở với cáo buộc tương tự. 
Những người này bị khiển trách, chịu hình thức kỷ luật trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, hoặc bị xử phạt hành chính. Tỉnh Hồ Bắc là nơi có số quan chức đông nhất nhất bị truy cứu trách nhiệm trong số 7 khu vực tiến hành thanh tra môi trường với 221 người. Hoạt động thanh tra trên là một phần trong chiến dịch của Trung Quốc nhằm chống ô nhiễm và ngăn chặn thực trạng suy thoái môi trường khi mà trong nhiều thập kỷ qua, đi đôi với sự phát triển kinh tế là việc nước này luôn đối diện với hiện tượng khói bụi, ô nhiễm nguồn nước và đất đai. Giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường là một trong 3 "cuộc chiến khó khăn" mà Trung Quốc đang nỗ lực giành thắng lợi trong 3 năm tới.
Các thành phố của Mỹ cấm bán lông thú để bảo vệ động vật
TTXVN cho biết Tổ chức Nhân đạo quốc tế (HSI) đã hoan nghênh quyết định ngày 20/3 nói trên của chính quyền thành phố San Francisco, đồng thời cho rằng hành động này sẽ giúp bảo vệ các loài động vật và tác động đến thói quen của người tiêu dùng. Theo HIS, 2 thành phố khác của bang California, Mỹ, là West Hollywood và Berkeley cũng đã ban hành lệnh cấm tương tự. Lệnh cấm bán và nhập khẩu lông thú đã được áp dụng tại Ấn Độ và thành phố Sao Paulo của Brazil.
Dưới áp lực của HIS, 2 hãng thời trang nổi tiếng của Italy là Versace và Furla hiện nay cũng tuyên bố sẽ không sử dụng lông thú trong các sản phẩm thời trang của mình, cùng với các thương hiệu đình đám khác như Armani, Calvin Klein, Hugo Boss, Ralph Lauren, Michael Kors và Gucci. Theo giới chức San Francisco, mỗi năm ước tính có 50 triệu con thú bị giết hại để lấy lông và da phục vụ ngành thời trang. 
Dùng chai nhựa tại Anh sẽ phải đóng phí 

Thanh Niên dẫn thông tin từ Hãng AFP ngày 28/3 đưa tin Anh sẽ áp dụng phí đối với chai đựng thức uống sử dụng một lần nhằm đối phó với tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là từ rác thải nhựa. Theo Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn Anh, trong số rác thải hằng năm ở nước này có đến khoảng 13 tỉ chai nhựa. Bên cạnh chai nhựa, phí mới cũng sẽ áp dụng đối với chai làm bằng thủy tinh và kim loại dùng để đựng thức uống.
Trước đó, quy định tương tự cũng đã được áp dụng ở Đan Mạch, Thụy Điển và Đức, với mức phí lên đến 25 euro cent (7.000 đồng) mỗi chai. Anh cũng đã áp dụng phí 5 xu (1.600 đồng) đối với túi nhựa ở hầu hết các cửa hàng kể từ năm 2015. Quy định này đến nay đã giúp giảm khoảng 9 tỉ túi nhựa. Theo một báo cáo mới đây của quỹ Ocean Cleanup (Hà Lan), đảo rác Thái Bình Dương đang phình to rất nhanh và hiện lớn bằng tổng diện tích 3 nước Pháp, Đức và Tây Ban Nha, với khoảng 80.000 tấn rác. Đây chỉ là 1 trong 5 đảo rác thải nhựa lớn tích tụ trên biển.

Theo MTX

 

Đối tác
bô kế hoạch
bộ tài chính
bộ khcn
bộ y tế
bộ nông nghiệp
bộ gtvt
bo xd
bo cong thuong
bộ tnmt