Công bố đường dây nóng kiến nghị về ô nhiễm môi trường; Xây dựng hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường; 2017 có thể là một trong 3 năm nắng nóng nhất trong 137 năm; Máy hút CO2 đầu tiên trên thế giới; Cường quốc làm giàu nhờ phân chim; … là trong số những thông tin sự kiện môi trường đáng chú ý trong tháng 10.
VIỆT NAM
Công bố đường dây nóng kiến nghị về ô nhiễm môi trường
Báo Tài nguyên & Môi trường đưa tin ngày 30/10, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) đã công bố đường dây nóng cấp trung ương để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường theo số điện thoại 086.900.0660. Theo đó, khi phát hiện những hành vi xả chất thải gây ô nhiễm môi trường; các vụ việc ô nhiễm, suy thoái môi trường, người dân có thể gọi ngay đến Đường dây nóng của Tổng cục môi trường theo số 086.900.0660.
Đường dây nóng 086.900.0660 sẽ tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường liên tục 24/24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần (bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ). Sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân, các thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường sẽ được Tổng cục Môi trường tiếp nhận và chuyển tới cơ quan chức năng của Tổng cục Môi trường, cơ quan quản lý nhà nước về môi trường của địa phương để xác minh, xử lý, phản hồi trong thời gian sớm nhất…
Xây dựng hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường
Ngày 24/10/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1618/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án Xây dựng Hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường. Đề án trên được thực hiện trong 6 năm 2017 – 2022 trên phạm vi toàn bộ các số liệu quan trắc về tài nguyên và môi trường của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, doanh nghiệp có hoạt động quan trắc về tài nguyên và môi trường, bao gồm:
Số liệu từ các trạm quan trắc cố định; Số liệu từ các hoạt động quan trắc định kỳ; Các số liệu quan trắc ngoài lãnh thổ Việt Nam phù hợp với các thỏa thuận, điều ước quốc tế; Số liệu quan trắc từ các hoạt động không thường xuyên sẽ được chọn lọc, tích hợp các kết quả quan trắc phù hợp.
Kiến nghị dùng 550 tỷ đồng ngân sách dự phòng khắc phục hậu quả bão lũ
Theo văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, từ giữa tháng Tám đến đầu tháng 10/2017, đã xảy ra nhiều đợt mưa lớn tại các tỉnh với tổng thiệt hại ước tính là 2.870 tỷ đồng. Trên cơ sở báo cáo của các địa phương, ý kiến một số bộ, ngành, Bộ Tài chính thống nhất trình Chính phủ hỗ trợ 550 tỷ đồng cho 15 địa phương bị thiệt hại do bão, mưa lũ để cứu trợ gia đình có người chết, bị thương, nhà đổ, sập, trôi và sửa chữa, khôi phục cơ sở hạ tầng thiết yếu.
Cụ thể, ngành tài chính đề nghị hỗ trợ Hà Tĩnh 135 tỷ đồng, Quảng Bình 70 tỷ đồng, Thanh Hóa 45 tỷ đồng, Nam Định 35 tỷ đồng, Quảng Trị 30 tỷ đồng, Ninh Bình 30 tỷ đồng, Thái Bình 15 tỷ đồng, Hải Phòng 15 tỷ đồng, Thừa Thiên Huế 15 tỷ đồng, Nghệ An 65 tỷ đồng, Hà Giang 30 tỷ đồng, Bắc Kạn 30 tỷ đồng, Lạng Sơn 15 tỷ đồng, Lào Cai 10 tỷ đồng và Hòa Bình 10 tỷ đồng.
TP.HCM thải ra khí nhà kính nhiều nhất nước
Lần đầu tiên việc kiểm kê lượng phát thải khí nhà kính được thực hiện tại TP.HCM, theo đó thành phố thải ra khí nhà kính nhiều nhất nước. Theo báo cáo mới đây của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) về giám sát phát thải khí nhà kính, lượng khí phát thải của TP.HCM đo được trong năm 2013 tương đương với lượng tổng phát thải của toàn nước New Zealand, gần bằng một nửa lượng phát thái của thành phố Tokyo (Nhật Bản) – theo Tuổi Trẻ.
Cụ thể, lượng phát thải khí nhà kính đo được ở TP.HCM khoảng 38,5 triệu tấn CO2. So với cả nước thì TP.HCM phát thải khí nhà kính nhiều nhất, chiếm khoảng 15% trong khi dân số thành phố chiếm 9% dân số Việt Nam. Trong khi đó, nếu so sánh 91 thành phố tham gia vào chương trình mạng lưới các thành phố đối phó với biến đổi khí hậu, lượng phát thải khí nhà kính trên bình quân đầu người của TP.HCM lại cùng mức với thành phố Seoul, London... mặc dù TP.HCM phát triển kinh tế ít hơn so với các thành phố này. Còn nếu tính theo GDP bình quân đầu người, lượng phát thải khí này thuộc nhóm cao nhất trên thế giới, khoảng 4.157 tấn/người.
Khoảng 250.000 ca tử vong mỗi năm do ảnh hưởng biến đổi khí hậu
Từ năm 2030-2050 biến đổi khí hậu sẽ gây thêm 250.000 ca tử vong mỗi năm do suy dinh dưỡng, sốt rét, tiêu chảy và sốc nhiệt. Đây là cảnh báo của phó giáo sư, tiến sỹ Trần Thị Giáng Hương, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Y tế tại cuộc họp nhóm đối tác y tế tuyến tỉnh với chủ đề Tác động của biến đổi khí hậu tới sức khỏe tại Việt Nam do Bộ Y tế tổ chức, diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 19/10.
VnExpress dẫn lời Phó giáo sư-tiến sỹ Trần Thị Giáng Hương cho biết điều kiện khí hậu khắc nghiệt sẽ tác động lớn đến chăm sóc sức khỏe, tăng các bệnh truyền nhiễm và không lây nhiễm. Trong đó, nắng nóng cực đoan sẽ góp phần gia tăng tình trạng tử vong do bệnh tim mạch và hô hấp, đặc biệt là ở người cao tuổi. Ngoài ra, lượng mưa tăng và ngập lụt cũng ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt khiến tăng các bệnh tiêu chảy, các bệnh do nước gây ra và các bệnh do virus.
THẾ GIỚI
2017 có thể là một trong 3 năm nắng nóng nhất trong 137 năm
Năm 2017 có thể sẽ là một trong 3 năm nóng nhất trong 137 năm qua. Đó là nhận định mới nhất mà Cơ quan Khí quyển và đại dương Mỹ (NOAA) đưa ra trong ngày 18/10. Theo báo cáo của NOAA, tính từ đầu năm đến nay, nhiệt độ trên bề mặt đất liền và các đại dương trên toàn cầu cao hơn 0,87 độ C so với mức nhiệt trung bình 14,1 độ C của thế kỷ 20. Đây là mức tăng nhiệt độ cao thứ hai của 9 tháng đầu năm trong giai đoạn 1880 – 2017 sau mức tăng kỷ lục 0,13 độ C của năm 2016.
Theo TTXVN, kể từ năm 2005, thế giới đã ghi nhận tới 9 trong số 10 lần nền nhiệt trung bình của Trái đất trong 9 tháng đầu năm nóng nhất, ngoại trừ năm 1998. Căn cứ vào những số liệu trên có thể thấy rằng 2017 có thể sẽ là một trong 3 năm có nhiệt độ nóng nhất trong vòng 137 năm qua. Mật độ CO2 trung bình toàn cầu trong năm 2016 là 402,9 ppm (phần triệu), tăng 3,5ppm so với năm 2015 và là mức tăng hàng năm lớn nhất trong vòng 58 năm qua.
Lượng CO2 đạt mức kỷ lục 800.000 năm
Lượng khí CO2 thải ra từ năm 2015 đến 2016 tăng mạnh, theo Báo cáo Khí Nhà kính của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), Mother Nature Network hôm 30/10 đưa tin. Nồng độ CO2 trong khí quyển trung bình năm 2016 là 403,3 phần triệu (ppm), tăng so với mức 400 ppm năm 2015. Những số liệu này được tính sau khi các bể khí như rừng hay biển đã hấp thụ bớt một lượng đáng kể khí CO2. Đây là mức CO2 cao nhất trong 800.000 năm qua – theo VnExpress.
Ngoài việc lượng CO2 thải ra liên tục tăng, hiện tượng El Niño năm 2016 cũng góp phần đáng kể khiến nồng độ CO2 trong khí quyển đạt ngưỡng cao kỷ lục. Hiện tượng thời tiết này gây ra những đợt hạn hán làm hạn chế khả năng hấp thụ CO2 của Trái Đất. Các báo cáo của WMO và Liên Hợp Quốc có thể sẽ đóng vai trò quan trọng trong những cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu sắp tới của Liên Hợp Quốc diễn ra ngày 7/11 tại Bonn, Đức.
Máy hút CO2 đầu tiên trên thế giới
Iceland vừa bắt đầu vận hành một nhà máy hút thải (thay vì xả thải như thông thường), biến CO2 thành đá bằng cách sử dụng. Máy móc ở đây làm việc giống như một cây xanh (nhưng ở tốc độ cao), hút CO2 từ không khí và bơm vào đất. CO2 khoáng hoá nhanh chóng trong các buồng đá bazan nên sẽ làm giảm nguy cơ rò rỉ trở lại vào bầu khí quyển – theo Người Đồng Hành.
Các kỹ sư đã theo đuổi công nghệ "thu giữ carbon" trong nhiều năm nhưng vẫn chưa tìm ra một phương pháp tiết kiệm (và không bị rò rỉ). Đặc biệt, công nghệ thu khí trực tiếp vẫn bị coi là đắt đỏ. Tuy nhiên, Climeworks tuyên bố hãng có thể thu được CO2 tại nhà máy Iceland với giá chưa tới 30 USD một tấn. Nếu có thể nhân rộng, công nghệ này sẽ giúp giảm lượng khí thải khổng lồ trên thế giới và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.ng công nghệ thu khí trực tiếp do công ty khởi nghiệp Climeworks phát triển.
Mái nhà bê tông tạo ra điện từ ánh sáng Mặt Trời
Nhóm nghiên cứu tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ xây dựng một mẫu thử nghiệm mái nhà bê tông dạng vòm, siêu mỏng, cao 7,5 m và có diện tích mặt cong là 160 m2. Màng tế bào quang điện mỏng phủ bên ngoài mái nhà có khả năng sản xuất điện khi ánh sáng Mặt Trời chiếu vào, theo Futurism. Mái nhà dày từ 3 - 12 cm với cấu trúc gồm nhiều lớp khác nhau. Vì vậy, nó có khả năng cách nhiệt và làm mát – theo VnExpress.
Mái nhà nguyên mẫu do các nhà khoa học tạo ra có kích thước giống như thật. Năm 2018, nó sẽ được lắp đặt lần đầu tiên trên mái của tòa nhà chung cư HiLo. Khuôn để làm mái nhà là một mạng lưới dây thép kéo căng. Nhóm nghiên cứu phủ vải polymer ra bên ngoài, sau đó phun bê tông lên trên mạng lưới. Bê tông phun phải đủ ướt, nhưng cũng đủ chắc chắn để dính vào bề mặt thẳng đứng. Cấu trúc bê tông phức tạp này sử dụng ít nguyên vật liệu hơn so với thông thường.
Cường quốc làm giàu nhờ phân chim
Lượng cá cực lớn ở biển đã thu hút đông đảo các loài chim về hải đảo sinh sống. Sau nhiều năm, lượng chim đã bao phủ khắp đảo với mật độ 2 triệu con/m². Do đó, lượng phân chim tích lũy lâu năm đã chất cao thành đống, độ dày bao phủ lên đến 45m. So với những nguồn tài nguyên thiên nhiên khác như dầu mỏ, kim cương, nguồn tài nguyên này quả là độc nhất vô nhị - theo Dân Việt.
Công việc khai thác phân chim vốn không cần bất kỳ kỹ thuật phức tạp nào, chỉ dựa vào đôi tay của người lao động. Giá thành khai thác cũng vô cùng thấp, bởi tiền công của thợ khai thác còn không bằng 5% doanh số bán phân bón. Trong hơn nửa thế kỷ, chỉ nhờ nguồn tài nguyên “trời ban” này, Peru đã trở thành một trong những quốc gia giàu có nhất châu Mỹ La-tinh với tốc độ phát triển không tưởng. Nhiều người dân ở Trung Quốc thậm chí còn vượt biển sang châu Mỹ với mong ước đổi đời nhờ nghề này.
Theo MTX