Logo
phone
Hotline: 02437327155
Điểm tin môi trường tháng 1
  05/02/2018
icon-zalo

 

Nhiều vốn cho các dự án môi trường; 100 triệu USD hỗ trợ chuyển hóa rác thành năng lượng; Công bố đường dây nóng tiếp nhận và xử lý về ô nhiễm môi trường; Trao giải Liên hoan phim môi trường toàn quốc lần thứ 6; Thế giới trải qua ba năm nóng chưa từng có; Trung Quốc chính thức thu thuế bảo vệ môi trườngTrung Quốc chính thức thu thuế bảo vệ môi trường; ... là trong số những thông tin sự kiện môi trường trong tháng 1/2018.

 

Nhiều vốn cho các dự án môi trường


Mục tiêu từ nay đến năm 2020, ADB sẽ giải ngân khoản cho vay 6 tỷ USD cho những dự án về môi trường : thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính... Thông tin này vừa được ông Vijay Padmanbhan, Giám đốc Phát triển đô thị và Tài nguyên nước khu vực Đông Nam Á của ADB đưa ra tại buổi làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong đó, tổ chức này sẽ dành khoảng 1 tỷ USD cho các dự án phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu và tài nguyên nước tại khu vực, nhất là Việt Nam. Hiện nay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam xây dựng dự án hỗ trợ kỹ thuật “Lồng ghép chống chịu biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường để phát triển các đô thị xanh loại II” do Qũy Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua ADB.

 

 

 

Do vậy, Việt Nam sẽ là đối tác mà ADB ưu tiên hơn cả trong việc tài trợ vốn vào các dự án bảo vệ môi trường. Cũng liên quan đến nguồn vốn cho các dự án môi trường, mới đây, tại TP.HCM, Công ty CP Đầu tư địa ốc Đất Vàng, Công ty CP Hợp tác Phát triển DCA và Tập đoàn CMI (Vương quốc Bỉ) đã hợp tác đồng tài trợ 450 triệu euro cho các dự án lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, hỗ trợ TP.HCM đạt mục tiêu đến năm 2020, cơ bản thực hiện tốt các giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, chuyển giao và áp dụng công nghệ mới, công nghệ sạch, sử dụng năng lượng tái tạo, nhằm giảm phát thải khí nhà kính.


100 triệu USD hỗ trợ chuyển hóa rác thành năng lượng


Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho biết, ngày 2/2, Ngân hàng Phát triển châu Á đã ký một hiệp định vay vốn trị giá 100 triệu USD với Tập đoàn China Everbright International Limited (CEIL) để hỗ trợ một loạt nhà máy chuyển hóa rác thành năng lượng tại các đô thị loại 1 và loại 2 ở Đồng bằng sông Cửu Long (Việt Nam). Sáng kiến này sẽ là dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) đầu tiên trong lĩnh vực chuyển hóa rác thành năng lượng tại các đô thị ở Việt Nam – theo TTXVN.

 

Hiệp định được ký kết sẽ là một mô hình mới để cải thiện hoạt động quản lý rác thải rắn ở các đô thị, cũng như góp phần hạn chế biến đổi khí hậu thông qua giảm lượng khí mê-tan và tăng sản xuất năng lượng từ các nguồn tái chế. Mỗi năm Việt Nam tạo ra hơn 27,8 triệu tấn rác thải. Hầu hết rác thải thu gom được đổ vào các bãi chôn lấp rác theo cách thức không đảm bảo vệ sinh. Hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á sẽ giúp xây dựng và vận hành một loạt các nhà máy chuyển hóa rác thành năng lượng với các công nghệ sạch tiên tiến tại nhiều đô thị ở Việt Nam. Mỗi nhà máy chuyển hóa rác thành năng lượng sẽ xử lý rác thải đô thị và cấp điện vào mạng lưới điện địa phương. 

 

Công bố đường dây nóng tiếp nhận và xử lý về ô nhiễm môi trường


Tổng cục Môi trường vừa công bố Quy trình tiếp nhận, xác minh, xử lý và phản hồi thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường thống nhất từ trung ương đến địa phương thông qua đường dây nóng. Quy trình này quy định việc tiếp nhận, xác minh, xử lý và phản hồi thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường thông qua đường dây nóng của Tổng cục môi trường và sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

 


Quy trình này không quy định đối với các thông tin phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường (thanh tra, kiểm tra, giải quyết thủ tục hành chính,…) Đối với những vụ việc, sự cố ô nhiễm môi trường thuộc thẩm quyền giải quyết của các địa phương, tổng cục môi trường hướng dẫn tổ chức, cá nhân để phản ánh trực tiếp qua đường dây nóng của sở TN&MT. Danh mục đường dây nóng cấp địa phương được ban hành kèm theo Quy trình và có thể tra cứu trực tiếp tại địa chỉ http://www.duongdaynong.vea.gov.vn.


Lắp 90.000 tấm pin năng lượng mặt trời đầu tiên tại Ninh Thuận


Chiều 23/1, UBND tỉnh Ninh Thuận phối hợp cùng Tập đoàn BIM tổ chức lễ khởi công Nhà máy điện mặt trời dự án BIM 1 (dự án 18E) tại thôn Quán Thẻ, xã Phước Minh (Thuận Nam). Dự án Nhà máy điện mặt trời BIM 1 do Tập đoàn BIM hợp tác cùng AC Energy, một công ty thành viên thuộc Tập đoàn Ayala (Philippines), thực hiện với vốn đầu tư khoảng 800 tỷ đồng. Dự án được xây dựng trên diện tích 35 ha, hình thành trang trại năng lượng sạch lớn nhất Việt Nam.  


90.000 tấm pin năng lượng mặt trời sẽ được lắp đặt với công nghệ và thiết bị hiện đại, mang lại hiệu suất cao. Dự án cho sản lượng điện hàng năm là 50 triệu kwh và hòa lưới điện vào quý III/2018. Ninh Thuận là nơi nhận lượng lớn bức xạ mặt trời với tổng số giờ nắng trung bình 2.837,8 giờ/năm, cao nhất cả nước, phân bố tương đối điều hòa quanh năm, trên diện tích gần 80.000 ha, có tiềm năng phát triển điện mặt trời. Tỉnh này đang tận dụng lợi thế nắng gió, khô hạn để phát triển năng lượng tái tạo để trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước.


Trao giải Liên hoan phim môi trường toàn quốc lần thứ 6


(moitruong.com.vn) Ngày 16/1, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Hội Điện ảnh Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức trao giải Liên hoan phim moi trường toàn quốc lần thứ 6. Hội đồng giám khảo đã xét chọn 21 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải, trong đó có một giải Việt Nam xanh, 5 giải A, 5 giải B và 10 giải Khuyến khích.  Phim phóng sự "Khi cò ốc trở về" của đạo diễn Phạm Hiếu Thảo (Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Đồng Tháp) đã xuất sắc đoạt giải Việt Nam xanh - Liên hoan phim Môi trường toàn quốc lần thứ 6. Đây là phóng sự về loài cò chuyên ăn ốc bươu vàng giúp bảo vệ mùa màng và hạn chế tối đa sử dụng thuốc diệt ốc, bảo vệ thực vật.


5 giải A được trao cho phóng sự “ Rừng kêu cứu” của đạo diễn Hồng Anh và Hồ Trí (Đài Truyền hình Việt Nam), phóng sự “Trồng rừng trong Hồ” của đạo diễn Huỳnh Nguyên (Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bình Phước), phim khoa học “Hồi sinh” của đạo diễn, nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Hồng Quảng (Đài Truyền hình Việt Nam), phim tài liệu “Người đi tìm ngọt trong mặn” của đạo diễn Nguyễn Xuân Giang (Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh An Giang), phim hoạt hình “Bước qua hai thế giới” của đạo diễn, nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Bảo Quang (Hãng phim hoạt hình Việt Nam).


Thế giới trải qua ba năm nóng chưa từng có


Báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công bố ngày 18/1 cũng khẳng định 3 năm qua là thời điểm nóng nhất từng được ghi nhận và mức độ ấm lên toàn cầu thời gian này là một "ngoại lệ." Báo cáo của WMO - một cơ quan của Liên hợp quốc, nhấn mạnh hiện đã có thể xác định các năm 2015, 2016 và 2017 là 3 năm nóng chưa từng có. Ba năm này nằm trong xu hướng ấm lên trên toàn cầu trong dài hạn do sự gia tăng nồng độ khí nhà kính trong khí quyển và do tác động mạnh mẽ của hiện tượng khí hậu El Nino – theo VietnamPlus.


Báo cáo cho hay nhiệt độ trung bình trên bề mặt Trái Đất trong năm 2017 và 2015 cao hơn khoảng 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, và năm 2016 là 1,2 độ C. Theo giới chuyên gia, rất khó để phân biệt năm nào trong 2 năm nay nóng hơn, do sự khác biệt về nhiệt độ là rất nhỏ, ít hơn biên độ sai số trong thống kê. Vấn đề ở chỗ cần phải nhìn vào xu hướng cũng như các biểu hiện của sự ấm lên này cùng với các đặc điểm thời tiết khác như biển băng. Theo đó, 2017 là năm phạm vi biển băng trung bình hàng năm đã thu hẹp ở mức thấp kỉ lục thứ 2 và đang tiếp tục đi xuống. Đây mới thực sự là điều đáng báo động.


Cảnh báo nhiệt độ bề mặt toàn cầu đã tăng hơn 25% kể từ năm 1900


Với mức tăng kỷ lục trong giai đoạn 2014-2016, nhiệt độ bề mặt toàn cầu đã tăng hơn 25% kể từ năm 1900 đến nay. Nghiên cứu này do Đại học Arizona của Mỹ tiến hành và công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích 15 bộ dữ liệu khác nhau, bao gồm theo dõi nhiệt độ trung bình bề mặt toàn cầu từ năm 1850-2016, nhiệt độ đại dương từ năm 1955-2016, ghi chép về mực nước biển từ năm 1948-2016 và tài liệu về chu kỳ hiện tượng El Nino... Họ đã phát hiện ra nhiệt độ trung bình bề mặt Trái Đất đã tăng khoảng 0,9 độ C từ năm 1900-2013.


Khi phân tích những số liệu ghi chép về nhiệt độ toàn cầu, các nhà khoa học phát hiện thêm rằng đến cuối năm 2016, nhiệt độ bề mặt toàn cầu đã tăng thêm 0,24 độ C. Đây là mức tăng chưa từng thấy trong thế kỷ 20 và 21. Theo Trưởng nhóm nghiên cứu Jianjun Yin thuộc Đại học Arizona, kết quả phân tích cho thấy nguyên nhân cơ bản của hiện tượng nhiệt độ toàn cầu liên tiếp bị phá kỷ lục là do tác động của khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Các nhà nghiên cứu cũng dự báo tần suất hiện tượng nhiệt độ toàn cầu tăng 0,24 độ C xuất hiện trong thế kỷ 21 này tùy thuộc vào lượng khí nhà kính phát ra môi trường từ nay đến năm 2100.


NOAA: Thiên tai năm 2017 gây tổn thất 306 tỷ USD


Cơ quan quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) cho hay thiên tai năm 2017 đã khiến Mỹ thiệt hại 306 tỷ USD. Báo cáo của NOAA nhấn mạnh những rủi ro kinh tế do thiên tai năm 2017 gây ra, ngay cả khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nghi ngờ nguyên nhân củ thiên tai và bắt đầu rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (BĐKH) năm 2015.
NOAA cho biết những vụ cháy rừng ở phía Tây nước Mỹ và những cơn bão Harvey, Maria và Irma đã góp phần làm năm 2017 trở thành năm tổn thất nhiều nhất về kinh tế trong lịch sử. Kỷ lục trước đó là 215 tỷ USD hồi năm 2005 khi bão Katrina, Wilma và Rita càn quét bờ biển vùng Vịnh duyên hải Mexico của Mỹ (US Gulf Coast). Trong khi đó, nhiệt độ trung bình hàng năm của Mỹ tiếp giáp là 54,6 độ F (12,6 độ C) trong năm 2017, cao hơn 2,6 độ F so với mức trung bình của thế kỷ 20 và xếp thứ 3 về khí hậu nóng nhất kể từ năm 1895, đứng sau năm 2012 và 2016.


Trung Quốc chính thức thu thuế bảo vệ môi trường


VTV đưa tin bắt đầu từ đầu năm 2018, Luật Thuế bảo vệ môi trường tại Trung Quốc đã chính thức có hiệu lực. Theo đó, các cục thuế địa phương sẽ chịu trách nhiệm thu thuế môi trường của doanh nghiệp hay tổ chức công. Đây là lần đầu tiên một hệ thống thuế rõ ràng được áp dụng đối với các hình thức gây ô nhiễm tại Trung Quốc. Luật mới quy định hoạt động gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, thải chất thải rắn và tiếng ồn là 4 hoạt động làm ô nhiễm chính có thể bị áp thuế.


Chính quyền địa phương tại Trung Quốc đã lựa chọn tự đưa ra mức thuế đối với các loại chất gây ô nhiễm khác nhau, dựa trên điều kiện địa lý và tình trạng kinh tế. Mức giới hạn mà chính quyền trung ương đưa ra là trong khoảng từ 1,2 - 12 Nhân dân tệ cho mỗi đơn vị không khí ô nhiễm; và từ 1,4 - 14 Nhân dân tệ cho mỗi đơn vị nước ô nhiễm. Bắc Kinh đã quyết định áp dụng mức thuế cao nhất. Mức thuế cao tiếp theo là của thành phố Thiên Tân, thành phố Nam Kinh và tỉnh Sơn Đông. Theo các chuyên gia, Trung Quốc có thể thu được gần 8 tỷ USD mỗi năm từ hệ thống thuế môi trường này.


Anh ngập rác thải nhựa vì không thể xuất sang Trung Quốc


Các nước châu Âu, đặc biệt là Anh đang rất đau đầu vì vấn đề rác thải nhựa sau khi Trung Quốc đưa ra những quy định kiểm soát việc nhập khẩu các loại phế liệu. Mỗi năm, Trung Quốc nhập khẩu 7,3 triệu tấn nhựa tái chế từ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Nhưng bắt đầu từ năm 2018, 24 loại phế liệu tái chế và phế liệu rắn sẽ bị cấm nhập khẩu.


Như vậy, 2/3 của tổng số 500.000 tấn phế liệu nhựa mỗi năm của Anh được xuất sang Trung Quốc, giờ đang bế tắc sau quy định mới của Trung Quốc.Các công ty xử lý rác thải Anh đang tìm kiếm thị trường khác như Malaysia hoặc Việt Nam, tuy nhiên cũng không thể đáp ứng như Trung Quốc. Anh giờ buộc phải thiêu hủy hoặc chôn phần lớn số phế liệu của nước này.

 

Theo moitruong

Đối tác
bô kế hoạch
bộ tài chính
bộ khcn
bộ y tế
bộ nông nghiệp
bộ gtvt
bo xd
bo cong thuong
bộ tnmt