Logo
phone
Hotline: 02437327155
Điểm tin môi trường tháng 1
  02/02/2016
icon-zalo

 

Khai mạc hội nghị triển khai kế hoạch năm 2016 ngành TN&MT; Hà Nội rét nhất kể từ năm 1977; Họa sỹ Việt Nam duy nhất tham dự "Trái đất xanh"; Bắc Kinh đóng cửa 2.500 công ty để chống ô nhiễm; Nhật Bản xây Nhà máy điện Mặt Trời nổi lớn nhất thế giới; ExxonMobil dự báo khí thải toàn cầu giảm vào năm 2040; … là trong số những thông tin sự kiện môi trường nổi bật trong tháng 1.

 

VIỆT NAM


Khai mạc hội nghị triển khai kế hoạch năm 2016 ngành TN&MT


Sáng 5/1 tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và môi trường đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2015 và triển khai kế hoạch 2016. Năm 2015 cũng như giai đoạn 2011-2015. Nhìn lại 5 năm qua, toàn ngành đã làm tốt công tác chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; phát huy hiệu quả nguồn lực TN&MT, đóng góp quan trọng cho ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo hướng bền vững. Hệ thống chính sách, pháp luật về TN&MT cơ bản đã được hoàn thiện; nhiều đạo luật quan trọng trong các lĩnh vực quản lý của ngành đã được Quốc hội thông qua như: Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường và mới đây là Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và Luật Khí tượng thủy văn.

 

 

 

Về kế hoạch năm 2016 và triển khai kế hoạch 5 năm 2016-2020 của ngành TN&MT, Bộ trưởng Bộ TN&MT đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị tập trung thảo luận vào các vấn đề như: chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên,  bảo vệ môi trường; tập trung xây dựng mới Luật Đo đạc và bản đồ, các văn bản dưới luật; kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ nhà nước từ Trung ương đến cơ sở; xây dựng và thực hiện các kế hoạch, chương trình đặt ra… Thực tế đó đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực, quyết tâm lớn và sáng tạo hơn trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ - theo Báo Tài nguyên & Môi trường.


Rét kỷ lục


Về mức độ, đợt rét này thực sự khốc liệt với hàng loạt kỷ lục được ghi nhận. Nhiệt độ Hà Đông (Hà Nội) lúc 9h00 sáng 24/1 xuống 5,4 độ C, thấp nhất từ năm 1977 tới nay. Lần đầu tiên đỉnh núi Ba Vì, cách trung tâm thủ đô 60 km, có tuyết rơi kéo dài. 'Mức nhiệt 5,4 độ C ở Hà Đông sáng 24/1 là thấp nhất từ năm 1977 tới nay, Ba Vì chưa bao giờ có tuyết kéo dài như vậy', ông Lê Thanh Hải, Phó tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trao đổi với VnExpress. So với trung bình nhiều năm, rét đậm, rét hại mùa đông 2015-2016 đến hơi muộn. Bình thường đợt rét nhất mùa đông rơi vào cuối tháng 12 sau Noel, nhưng nay phải đến cuối tháng 1 mới có.


Lần đầu tiên trạm khí tượng Sa Pa (Lào Cai) nhiệt độ xuống -4,2 độ C; trạm Mẫu Sơn (Lạng Sơn) chưa khi nào ghi nhận mức nhiệt -4,4 độ C như 13h trưa 24/1. Tuyết rơi, băng giá xuất hiện khá dày ở hầu khắp các điểm cao. Năm 2008 miền Bắc từng trải qua đợt rét đậm, rét hại kéo dài 38 ngày từ 13/1 đến 20/2, băng tuyết cũng xuất hiện trên đỉnh Mẫu Sơn (Lạng Sơn) và Hoàng Liên Sơn (Lào Cai) khi nhiệt độ chỉ còn -2 và -3 độ C. Nhưng Hà Nội khi ấy nền nhiệt vẫn cao hơn bây giờ, đạt 6,7 độ C. Dự báo trong tháng 2 còn 2-3 đợt rét đậm, rét hại nữa, nhưng khả năng lặp lại như đợt kỷ lục lần này rất ít.


Phát động chiến dịch “Tắt đèn bật ý tưởng” hưởng ứng Giờ Trái đất 2016


Chiều 14/01, tại TP Hà Nội, Ban Dự án Môi trường của Công ty TNHH TM BOO đã tổ chức họp báo phát động Chiến dịch “Tắt đèn Bật ý tưởng 2016” hưởng ứng sự kiện trái đất- một sự kiện thường niên của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) diễn ra vào tháng 3 hằng năm trên toàn thế giới. Năm 2016 với mục tiêu kết nối các bạn trẻ trên cả nước thông qua chuỗi sự kiện nhằm truyền tải thông điệp về Giờ Trái đất - Bình chọn thành phố tôi yêu - Năng lượng bền vững, chiến dịch “Tắt đèn Bật ý tưởng 2016” sẽ là nơi kết nối kết nối các nhóm/ Câu lạc bộ /Tổ chức thanh niên hành động vì môi trường cùng chung tay vì mục tiêu chung chống biến đổi khí hậu.


Buổi phát động chiến dịch với sự đồng hành của 3 đại sứ Top 11 Hoa hậu Thế giới 2015 Trần Ngọc Lan Khuê, Vlogger Jvevermind và thủ lĩnh trẻ Hoàng Đức Minh cùng sự góp mặt của rất nhiều báo giới, MC, nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng đã đồng hành cùng với sự kiện trong nhiều năm qua như Quỳnh Anh Shyn, Đinh Mạnh Ninh, Hà Okio, Trần Ngọc, v.v... Với sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là các bạn trẻ Việt Nam, chiến dịch Tắt đèn bật ý tưởng 2016 sẽ là hoạt động đầy ý nghĩa, lan tỏa sự tham gia của mọi người cùng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, qua đó đóng góp vào việc giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường.


Bổ sung trên 141 tỷ đồng kinh phí tổng điều tra rừng toàn quốc


Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định bổ sung trên 141 tỷ đồng cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và 13 tỉnh từ nguồn dự toán chi sự nghiệp kinh tế của ngân sách Trung ương năm 2015 để thực hiện Dự án “Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013-2016.”


13 tỉnh được bổ sung kinh phí gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Tháp, Hậu Giang và An Giang. Dự án “Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013-2016” nhằm xác định và nắm bắt được diện tích rừng, trữ lượng rừng và diện tích đất chưa có rừng được quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp gắn với chủ quản lý cụ thể trên phạm vi cả nước; thiết lập hồ sơ quản lý rừng và xây dựng cơ sở dữ liệu và đất chưa có rừng – theo TTXVN.


Họa sỹ Việt Nam duy nhất tham dự "Trái đất xanh"


Họa sỹ Nguyễn Mai Hương là đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự triển lãm và hội thảo mỹ thuật quốc tế Olympia 2016, một sự kiện mỹ thuật lớn trên thế giới vừa diễn ra tại Ấn Độ. Với tác phẩm “Biển thức” được vẽ bằng chất liệu acrylic, chị vinh dự góp mặt tại sự kiện cùng 56 nghệ sỹ đến từ nhiều quốc gia trên thế giới..
Với chủ đề “Trái đất xanh”, triển lãm và hội thảo mỹ thuật quốc tế Olympia 2016 được tổ chức nhằm tăng cường sự hiểu biết của công chúng về nghệ thuật đương đại và thúc đẩy sự sáng tạo. An Ninh Thủ Đô cho biết Chương trình diễn ra từ ngày 16 đến 22/1 và do Hiệp hội Mỹ thuật Olympia tổ chức. Với lối vẽ biểu hiện trừu tượng, họa sỹ Mai Hương đã thể hiện vẻ đẹp dịu dàng của biển khi ban tặng sự sống và sự dữ dội của biển khi bị con người khai thác quá mức cùng nạn ô nhiễm môi trường.


THẾ GIỚI


Bắc Kinh đóng cửa 2.500 công ty để chống ô nhiễm


Tân Hoa Xã ngày 9/1 cho biết, 2.500 công ty trên 4 quận ở thủ đô Bắc Kinh bị buộc phải ngừng hoạt động trước cuối năm 2016. Các quận này đều là 4 nơi bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Cũng trong ngày 9/1, Bộ Môi trường Trung Quốc cảnh báo sương mù dày đặc sẽ xuất hiện trở lại từ tuần tới ở Bắc Kinh, tỉnh Hà Bắc và các vùng lân cận của tỉnh Thiên Tân. Số liệu chính thức cho thấy chỉ số PM2.5 của Trung Quốc năm 2015 là 80,6 microgram/mét khối, cao gấp 1,3 lần tiêu chuẩn quốc gia – theo Zing.


Ô nhiễm là chủ đề nhức nhối trong xã hội Trung Quốc. Reuters ước tính hàng nghìn cuộc biểu tình diễn ra mỗi năm ở nước này để phản đối tình trạng ô nhiễm môi trường. Hồi tháng 12/2015, Bắc Kinh lần thứ hai phải ra "báo động đỏ" do không khí ô nhiễm nghiêm trọng, buộc các trường học phải đóng cửa và tạm ngưng những công trình xây dựng ngoài trời. Dù Bắc Kinh tuyên bố đẩy mạnh việc giảm tiêu thụ than và đóng cửa những cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm, các quan chức ngành môi trường Trung Quốc thừa nhận sẽ không thể đạt mục tiêu cải thiện chất lượng không khí cho đến năm 2030.


Trung Quốc: Ô nhiễm làm tăng số người bị ung thư


Theo một báo cáo nghiên cứu được công bố ngày 26/1 trên Tạp chí về Ung thư dành cho các bác sỹ lâm sàng, phát hành tại bang California của Mỹ, tình trạng viêm nhiễm mạn tính, hút thuốc và ô nhiễm đã làm gia tăng số trường hợp bị ung thư ở Trung Quốc. Riêng trong năm 2015, ước tính đã có tới 4,3 triệu trường hợp mới được chẩn đoán mắc ung thư và 2,8 triệu trường hợp đã tử vong ở nước này. Báo cáo cho biết ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư ở Trung Quốc và đây là một vấn đề lớn đối với ngành y tế của quốc gia có 1,37 tỷ dân này – TTXVN cho biết.


Báo cáo được soạn thảo dựa trên các số liệu do 72 cơ quan đăng ký điều trị ung thư cung cấp trong thời gian từ năm 2009-2011. Dựa theo những số liệu đó, các nhà nghiên cứu đã dự đoán sẽ có 4,292 triệu trường hợp mới được chẩn đoán mắc ung thư xâm lấn ở Trung Quốc trong năm 2015, tương đương 12.000 trường hợp mới mắc ung thư được chẩn đoán mỗi ngày và 7.500 trường hợp trử vong do căn bệnh này. Tỷ lệ tử vong do ung thư ở nam giới Trung Quốc khá cao, với 166 người chết/100.000 trường hợp - cao gấp khoảng 2 lần so với nữ giới.


Exxon Mobil dự báo khí thải toàn cầu giảm vào năm 2040


Tập đoàn dầu khí Exxon Mobil cho biết nhu cầu năng lượng toàn cầu tăng một phần do dân số toàn cầu tăng, dự báo tới năm 2040, số người toàn thế giới sẽ tăng lên 9 tỷ người. Dầu lửa vẫn sẽ tiếp tục là nguồn năng lượng phổ biến nhất, song khí tự nhiên sẽ vươn lên trở thành phương án lựa chọn số hai trong khi than đá trở nên ít được ưa chuộng do các chế tài mạnh tay về giảm khí thải CO2. Sự thay đổi này sẽ tạo điều kiện để nền kinh tế toàn cầu giảm tới 50% "cường độ sử dụng carbon" hiện tại – theo TTXVN.


Ngày 25/1, ExxonMobil công bố dự báo cho biết từ nay tới năm 2040, nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu sẽ tăng 25%, nhưng thế giới chuyển hướng sang sử dụng các nguồn năng lượng ít carbon sẽ giúp giảm lượng khí thải nhà kính trong hoạt động công nghiệp. Khoảng 40% tăng trưởng trong nhu cầu năng lượng từ giờ tới năm 2040 sẽ đến từ năng lượng hạt nhân và các nguồn năng lượng tái tạo khác, bao gồm năng lượng sinh học, thủy điện, nhiệt điện, năng lượng gió và Mặt Trời. Ngược lại, lượng than đá sử dụng toàn cầu được dự kiến sẽ giảm, với tỷ lệ điện sản xuất từ than đá xuống còn 30% trong năm 2040 so với 40% của năm 2014. ExxonMobil dự báo lượng khí thải CO2 toàn cầu sẽ đạt đỉnh vào năm 2030 và sau đó bắt đầu đi xuống. Lượng khí thải của Trung Quốc, nước đứng đầu thế giới về khí thải công nghiệp gây ô nhiễm hiện nay, cũng sẽ chạm trần trong năm 2030 trước khi giảm dần. Tuy nhiên, lượng khí thải tại Ấn Độ và một số nền kinh tế đang phát triển khác vẫn sẽ tiếp tục tăng.


Nhật Bản xây Nhà máy điện Mặt Trời nổi lớn nhất thế giới


Tập đoàn Kyocera đã khởi công xây dựng nhà máy điện mặt trời nổi lớn nhất thế giới tại thành phố Ichihara, tỉnh Chiba, Nhật Bản. Trong thông báo công bố với báo chí, Tập đoàn Kyocera và Công ty Century Tokyo Leasing cho biết đây là dự án liên doanh giữa Kyocera và Century Tokyo Leasing. Dự án được khởi công vào tháng 12/2015 tại hồ chứa nước Yamakura, do Cơ quan Quản lý Công của tỉnh Chiba điều hành. Nhà máy sẽ được lắp đặt khoảng 51.000 module trên diện tích bề mặt nước 180.000m2, có công suất phát diện 16,170 MWh/năm, cung cấp điện cho khoảng 4.970 hộ gia đình. Theo kế hoạch, nhà máy này sẽ được khởi động trong tài khóa 2018.


Dự án này do Cơ quản Quản lý Công tỉnh Chiba giới thiệu vào tháng 10/2014 với mục tiêu giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Theo ước tính của Kyocera, công suất phát điện của nhà máy tương đương với lượng điện do tiêu thụ 19.000 thùng dầu và 8.170 tấn khí CO2 thải ra bầu khí quyền. Dự án tại hồ chứa nước Yamakura sẽ là nhà máy điện Mặt trời nổi thứ tư của Kyocera sau hai nhà máy được vận hành vào tháng 3/2015 và một nhà máy được khởi động vào tháng 6/2015 – theo Vietnam+.


Thị trấn không bỏ phí rác thải


Người dân thị trấn Kamikatsu (Nhật Bản) bấy lâu nay vẫn giữ thói quen tự giác đưa mọi đồ phế liệu đi tái chế theo một trình tự nhất định. Kamikatsu không có xe chở rác nên người dân phải tự ủ rác ở nhà. Họ cũng phải rửa và tự phân loại rác ra làm 34 nhóm khác nhau, rồi mang đến trung tâm tái chế đổ vào đúng thùng, đúng loại quy định. Phải mất một khoảng thời gian khá dài để người dân có thể làm quen với quy định này, nhưng bây giờ việc này đã trở thành thói quen của cả cộng đồng người dân nơi đây.


Với dân số hơn 1.700 người, Kamikatsu tái chế khoảng 80% rác thải, chỉ có 20% được tập kết ra bãi rác. Trong suốt 13 năm, thị trấn này đã thận trọng quản lý rác thải và đang đưa ra tuyên bố đầy tham vọng: Trở thành cộng đồng đầu tiên không có rác ở Nhật vào 2020 – theo Đại Đoàn Kết.

 

Minh Cường

 

Theo moitruong

 

Đối tác
bô kế hoạch
bộ tài chính
bộ khcn
bộ y tế
bộ nông nghiệp
bộ gtvt
bo xd
bo cong thuong
bộ tnmt