Mô hình xử lý ô nhiễm theo hướng sinh thái; Yêu cầu doanh nghiệp đổi mới công nghệ xử lý rác thải; Cực hiếm: mưa trút xuống chỉ một ngôi nhà; Biến lá cây thành thiết bị điện tử công nghệ cao; Pháp tăng mức hỗ trợ cho năng lượng tái tạo; … là trong số những thông tin sự kiện môi trường đáng chú ý trong ngày 4/9.
Mô hình xử lý ô nhiễm theo hướng sinh thái
Các nhà khoa học thuộc Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) nghiên cứu và phát triển thành công mô hình ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm tích hợp theo hướng sinh thái. Mô hình có tên là VACBNXT có chi phí thấp trên cơ sở quay vòng, khép kín dòng vật chất và năng lượng cũng như tận dụng hiệu quả nhất lợi thế của hệ sinh thái sẵn có tại hộ dân trong các làng nghề.
VACBNXT không chỉ giúp giảm ô nhiễm môi trường do chất thải phát sinh mà còn mang lại lợi nhuận từ việc tận dụng, thu hồi và tái chế chất thải. Mô hình được Hội đồng nghiệm thu cấp quốc gia thẩm định và đánh giá xuất sắc, được áp dụng thành công ở quy mô hộ gia đình tại ba làng nghề tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, được chính quyền, các hộ dân đánh giá cao và mong muốn được nhân rộng.
Yêu cầu doanh nghiệp đổi mới công nghệ xử lý rác thải
Nhằm hạn chế tác động của rác thải đến môi trường, UBND TP.Hồ Chí Minh yêu cầu Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam có lộ trình đổi mới công nghệ xử lý rác phù hợp với chủ trương của TP trong thời gian tới. Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường được giao tiếp tục thực hiện các giải pháp khắc phục môi trường tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, báo cáo tình hình thực hiện dự án vành đai cây xanh cách ly Khu liên hợp xử lý chất thải rắn và nghĩa trang Đa Phước – theo MT&CS.
UBND huyện Bình Chánh cần phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong công tác giải phóng mặt bằng, trồng cây xanh cách ly và giải quyết các vấn đề môi trường phát sinh của Khu liên hợp xử lý chất thải rắn và nghĩa trang Đa Phước; đồng thời tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc tham gia bảo vệ môi trường. Về xử lý, trong 8.300 tấn rác thải sinh hoạt của thành phố, hiện bãi rác Đa Phước (Bình Chánh) chôn lấp khoảng 5.500 tấn mỗi ngày, số còn lại được chôn lấp, tái chế và làm phân compost tại các đơn vị thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc – Củ Chi.
Pháp tăng mức hỗ trợ cho năng lượng tái tạo
Mức hỗ trợ của chính phủ Pháp cho ngành năng lượng trong năm 2018 sẽ là 8 tỷ Euro, tăng 17% so với năm nay. Số tiền này sẽ dùng để tài trợ cho những dự án phát triển năng lượng tái tạo theo một quyết định mới được công bố của Chính phủ Pháp. Quyết định mới của Chính phủ Pháp nêu rõ, Công ty Điện lực quốc gia EDF phải có trách nhiệm thu mua điện từ các dự án năng lượng tái tạo – Petrotimes đưa tin.
Theo Ủy ban Điều tiết năng lượng Pháp (CRE), 69% của con số 8 tỷ Euro sẽ được phân bổ cho năng lượng mặt trời, điện gió, cho việc lắp đặt các cơ sở hạ tầng điện ở những vùng chưa có điện, một phần cho nhiệt điện và hỗ trợ cho việc bơm khí biogas vào mạng lưới khí quốc gia... Pháp là quốc gia dẫn đầu trong việc thực hiện thỏa thuận cắt giảm khí thải nhà kính Paris 2015. Việc giảm nhiệt điện và điện hạt nhân, tăng cường năng lượng tái tạo là cách các nhà lãnh đạo Pháp thực hiện thỏa thuận trên.
Cực hiếm: mưa trút xuống chỉ một ngôi nhà!
Báo Tuổi Trẻ cho biết hiện tượng khó tin này vừa xảy ra ở Tebet, Nam Jakarta, Indonesia, và được các nhà khoa học xác nhận là rất hiếm trên thế giới. Theo The Straits Times, cơn mưa cục bộ kéo dài sáu giờ hôm 26-8 vừa qua chỉ trút xuống ngôi nhà diện tích 5x5m ở khu Jalan Tebet Barat Dalam 1, Nam Jakarta, trong khi xung quanh không mưa. Chủ ngôi nhà, ông Muzakir, nói ban đầu ông tưởng mưa toàn khu vực, mãi sau mới biết chỉ mỗi nhà mình có mưa.
Cơn mưa lạ lùng này đang là đề tài bàn tán sôi nổi sau khi đoạn clip về nó được đăng lên mạng. Ông Mulyono Prabowo - giám đốc trung tâm thông tin của Cơ quan khí tượng, khí học và địa vật lý Indonesia (BMKG), ngày 30-8 nói đây là hiện tượng lạ và rất hiếm, nhất là khi nó xảy ra trong thời tiết khô, nóng. Ông cho biết một nghiên cứu phát hiện ra rằng độ cao của các đám mây trong cơn mưa này khoảng 700-1.000m.
Biến lá cây thành thiết bị điện tử công nghệ cao
Các nhà khoa học tại Sơn Đông, Trung Quốc đã tìm ra phương pháp chuyển đổi chất thải hữu cơ từ lá cây Phượng Hoàng, một loại cây được trồng phổ biến dọc các con đường ở miền Bắc Trung Quốc, thành vật liệu các-bon xốp để sản xuất thiết bị điện tử công nghệ cao. Theo nhóm nghiên cứu Trung Quốc, trước tiên, lá cây khô được nghiền thành bột rồi đốt nóng ở 220 độ C trong vòng 12 giờ. Kết quả thu được là loại bột gồm các hạt các-bon nhỏ. Sau đó bột các-bon được xử lý bằng dung dịch kali hydroxit nhằm tạo độ xốp rồi tiếp tục đốt nóng ở nhiệt độ tăng từ 450 lên 800 độ C – theo Báo Tiền Phong.
Trong hàng loạt các thử nghiệm điện hoá chuẩn, các nhà khoa học nhận thấy vật liệu này có khả năng tạo ra loại siêu tụ điện có dung lượng lên đến 367 Farads / gram, cao gấp 3 lần siêu tụ điện graphene, loại tụ điện ưu việt nhất hiện nay. Chúng có thể nạp à phóng điện nhanh hơn nhiều so với pin thông thường. Vì lý do này, siêu tụ điện được xem là giải pháp tối ưu đáp ứng nhu cầu lưu trữ năng lượng đặc biệt trong công nghệ máy tính và các phương tiện sử dụng động cơ lai (hybrid) hay chạy điện. Ngoài lá cây, nhóm nghiên cứu cũng chuyển đổi thành công chất thải từ khoai tây, thân cây ngô, gỗ thông, rơm rạ và các chất thải nông nghiệp khác thành vật liệu điện cực các-bon.
Theo MTX