Logo
phone
Hotline: 02437327155
Điểm tin môi trường ngày 19/12
  19/12/2017
icon-zalo

 

Kiểm soát đặc biệt cơ sở nguy cơ gây ô nhiễm cao; Biến đổi khí hậu gây biến động đường bờ biển Nam Bộ; Giá xăng sẽ tăng vì Trung Quốc chuyển sang dùng năng lượng sạch?; Iran đóng cửa trường học do ô nhiễm; Xe đẩy em bé có thiết bị lọc sạch không khí sắp ra mắt; … là trong số những thông tin sự kiện môi trường đáng chú ý trong ngày 19/12.

 

Kiểm soát đặc biệt cơ sở nguy cơ gây ô nhiễm cao


Theo dự thảo đề án kiểm soát đặc biệt đối với cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), sẽ có 28 cơ sở công nghiệp trên toàn quốc vào diện kiểm soát đặc biệt về môi trường. Đây là lần đầu tiên có một đề án kiểm soát đặc biệt về môi trường, tuy nhiên, nhiều chuyên gia còn băn khoăn về cách thức kiểm soát như thế nào cho hiệu quả.

 

 

Danh sách 28 dự án dự kiến sẽ chịu sự kiểm soát môi trường đặc biệt gồm Dự án luyện thép Formosa (Hà Tĩnh); Dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát (giai đoạn III); Dự án Trung tâm điện lực (TTĐL) Vĩnh Tân (Bình Thuận); Dự án TTĐL Duyên Hải (Trà Vinh); Dự án TTĐL Thái Bình; Dự án sản xuất và chế biến vonfram Núi Pháo (Thái Nguyên); Dự án khu mỏ tuyển đồng Sinh Quyền (Lào Cai); Dự án tổ hợp bauxit – nhôm Tân Rai và Nhân Cơ; Dự án mỏ sắt Thạch Khê; Dự án Nhà máy giấy Lee & Man (Hậu Giang); Dự án Nhà máy bột giấy VNT 19 (Quảng Ngãi); Dự án Nhà máy giấy An Hòa (Tuyên Quang); Dự án Nhà máy giấy Bãi Bằng; Dự án Nhà máy hóa chất, phân bón DAP số 1 Đình Vũ (Hải Phòng), DAP Lào Cai; Dự án Nhà máy sản xuất phốt pho vàng Việt Nam (Lào Cai); Dự án Khu công nghiệp Tằng Loỏng (Lào Cai); Dự án Khu công nghiệp (KCN) Texhong, KCN Lai Vu, KCN Xuyên Á.

 

Biến đổi khí hậu gây biến động đường bờ biển Nam Bộ


Biến động bờ biển của các tỉnh Nam Bộ thể hiện rất phức tạp bởi quá trình bồi tụ và sói lở. Tốc độ xói lở lớn nhất đạt tới 126,6 mét/năm trên bờ cấu tạo bằng bùn sét (phía bắc huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang) và thấp nhất trên bờ cấu tạo bằng đá gắn kết (0,05 m/năm Mũi Nai, Kiên Giang). Tốc độ bồi tụ lớn nhất là 67,8 m/năm ở bờ biển huyện Ba Tri, Bến Tre và 66,0 mét/năm ở xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau. Đó là kết quả đề tài “Nghiên cứu, đánh giá biến động đường bờ biển các tỉnh Nam Bộ dưới tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng”, do PGS TS Vũ Văn Phái (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN) làm chủ nhiệm. Đề tài thuộc Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khgis hậu giai đoạn 2011 – 2015.
Báo Tài nguyên & Môi trường dẫn các nghiên cứu đã làm sáng tỏ hiện trạng biến động bờ biển, nguyên nhân cơ bản gây ra và xu thế biến động bờ biển trong mối quan hệ với mực nước biển dâng phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý môi trường đới bờ biển các tỉnh ven biển các tỉnh Nam Bộ (bao gồm 9 tỉnh và thành phố giáp biển là: Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và thành phố Hồ Chí Minh). Suốt giai đoạn 1965-2010, xét về mặt diện tích, bờ biển các tỉnh Nam Bộ vẫn được bồi nhưng tốc độ giảm chỉ còn khoảng 1/2 (6887,9 ha) so với 25 năm trước đó (1965-1990). Từ năm 2011 đến nay bờ biển vẫn bị xói lở mạnh, trong khi bồi tụ chỉ xảy ra trên khoảng 1/3 chiều dài đường bờ Nam Bộ (khoảng 300 km).

 

Iran đóng cửa trường học do ô nhiễm


VTV đưa tin Iran đã đóng cửa các trường tiểu học ở thủ đô Tehran và một số khu vực khác ở nước này do tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Thông báo đóng cửa tất cả các trường tiểu học tại Thủ đô Tehran được đưa ra sau khi sương mù bao phủ tầm nhìn và gây khó thở cho người dân thành phố trong nhiều ngày qua. Nhà chức trách thành phố cũng kêu gọi người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai và những người có vấn đề về tim mạch nên hạn chế ra đường.
Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí, chính quyền thành phố Tehran đã yêu cầu các nhà máy sản xuất xi măng và khai thác mỏ ở thành phố này phải tạm ngừng sản xuất, đồng thời tăng cường các biện pháp hạn chế giao thông ở trung tâm thủ đô. Hàng năm, Tehran phải hứng chịu tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng khi nhiệt độ mát gây ra hiệu ứng gọi là "đảo ngược nhiệt độ". Hiện tượng này tạo ra một lớp không khí ấm bao phủ cả thành phố, lưu giữ khí ô nhiễm từ hơn 8 triệu xe ô tô và xe máy của thành phố thải ra.

 

 Giá xăng sẽ tăng vì Trung Quốc chuyển sang dùng năng lượng sạch?


Mới đây, Trung Quốc đã công bố kế hoạch 5 năm, thay đổi toàn bộ hệ thống khí đốt ở phía Bắc sang khí gas tự nhiên đến năm 2021. Trong bối cảnh khí hậu toàn cầu đang nóng lên và là một trong những quốc gia có mức độ ô nhiễm không khí hàng đầu, kế hoạch chuyển đổi sang hệ thống khí đốt tự nhiên của Trung Quốc là động thái đối phó tình trạng này trên quy mô diện rộng. Hàng triệu hộ gia đình và hàng nghìn doanh nghiệp tại các thành phố phía Bắc Trung Quốc hiện nay vẫn đang sử dụng hệ thống khí đốt bằng than đá lạc hậu và thải nhiều khó bụi. Tuy nhiên, sự thiếu hụt về năng lượng thời gian gần đây đã đẩy cao giá thành các mặt hàng công nghiệp và lương thực trên khắp cả nước. Theo nhận định của các quan chức, việc chuyển đổi sang hệ thống khí gas tự nhiên có thể cải thiện tình trạng này.
Các cơ quan chính phủ, bao gồm Uỷ ban Kế hoạch và Cải cách Quốc gia (NDRC) và Cục Quản lý Kế hoạch Năng lượng Quốc gia đã khẳng định chắc chắn thông tin này trên nhiều phương tiện thông tin lớn. Kế hoạch 5 năm (2017 – 2021) bao gồm "những quy hoạch cụ thể" về địa phương cũng như các loại khí tự nhiên sẽ được sử dụng như sưởi ấm địa nhiệt, sưởi ấm sinh khối, năng lượng mặt trời. Trước đó, theo Bloomberg, chiến dịch thay thế hệ thống vận tải chạy xăng dầu truyền thống bằng xe chạy gas tại Bắc Kinh đã cải thiện chất lượng không khí hơn 40% so với năm 2013.


Xe đẩy em bé có thiết bị lọc sạch không khí sắp ra mắt    


Nhà thiết kế Yosi Romano đã chế tạo ra thiết bị lọc không khí Brizi dành cho xe đẩy em bé, có thể lọc tới gần 50% mức độ ô nhiễm ở khu vực quanh trẻ. Nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ sống trong môi trường ô nhiễm khói bụi do xe cộ thải ra sẽ đối mặt nguy cơ mắc các bệnh về phổi. Chiều cao xe đẩy của trẻ nhỏ ngang bằng với ống khói xả khí của các phương tiện giao thông. Do đó, trẻ em sẽ là đối tượng phải hít thở không khí ở mức độ ô nhiễm nghiêm trọng hơn so với người lớn đẩy xe hít thở ở tầm cao hơn. Đây cũng chính là động lực để anh Yosi Romano chế tạo ra thiết bị lọc không khí Brizi dành cho xe đẩy em bé – theo VTV.
Với Brizi, các cảm biến tự động kích hoạt màng lọc không khí, cung cấp 1,5 lít khí sạch cho em bé trong mỗi 10 giây. Đặc biệt, bề mặt của bộ lọc không khí có thể loại bỏ các hạt mịn trong không khí cũng như lọc khí độc như: nitrogen dioxide, carbon monoxide. Kết quả thử nghiệm trong điều kiện thực tế cho thấy, thiết bị lọc không khí này có thể giảm 49% mức độ ô nhiễm quanh khu vực thở của trẻ. Tuy nhiên, anh Yosi Romano mong muốn, thiết bị đạt mức lọc không khí lên đến 80%. Hiện nhà sáng chế này đang kêu gọi tài trợ để có thể đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng vào tháng 8/2018

 

Theo MTX

 

Đối tác
bô kế hoạch
bộ tài chính
bộ khcn
bộ y tế
bộ nông nghiệp
bộ gtvt
bo xd
bo cong thuong
bộ tnmt