Ông Nguyễn Hoài Châu, Viên trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam có bài tham luận giới thiệu về “Đẩy mạnh công tác nghiên cứ khoa học, ứng dụng và chuyển giao thuộc lĩnh vực công nghiệp môi trường” tại Hội thảo Triển lãm Quốc gia về Sản phẩm Công nghiệp Môi trường trong ngành Công Thương. Chúng tôi xin giới thiệu toàn văn bài tham luận.
Ngành công nghiệp môi trường ở Việt Nam tuy chưa chính thức hình thành nhưng đã và đang có những đóng góp tích cực không chỉ cho bảo vệ môi trường mà còn hứa hẹn như một ngành kinh tế với nhiều tiềm năng phát triển.
Ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đã có những bước đi ban đầu nhưng sự phát triển của ngành công nghiệp này vẫn có nhiều trở ngại như: chưa hình thành cơ quan đầu mối phát triển công nghiệp môi trường, thị trường cho công nghệ và dịch vụ môi trường chưa phát triển; đội ngũ các nhà khoa học và công nghệ môi trường còn yếu và thiếu, đặc biệt là chuyên gia có trình độ cao, nhiều kinh nghiệm; uy tín của các nhà cung cấp công nghệ, thiết bị và dịch vụ trong nước chưa đủ thuyết phục; cơ chế, chính sách khuyến khích còn chưa rõ ràng và chưa đủ hấp dẫn để thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp môi trường; nhận thức của người dân và doanh nghiệp về trách nhiệm bảo vệ môi trường chưa cao; hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường còn chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh…
Kết quả điều tra khảo sát đánh giá về nhu cầu và năng lực phát triển ngành công nghiệp môi trường tại 20 tỉnh, thành trên cả nước của Bộ Công Thương cho thấy thị trường cho ngành công nghiệp môi trường ở Việt Nam có tiềm năng tương đối lớn. Lượng chất thải rắn phát thải hiện nay khoảng 30 triệu tấn và mức tăng trưởng hàng năm khoảng 7%. Ước tính nhu cầu thị trường cho lĩnh vực xử lý chất thải rắn hàng năm khoảng 2,340 tỷ đồng đến năm 2010 đạt khoảng 3,900 tỷ. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, tiềm năng tái chế chất thải rắn công nghiệp cũng là rất cao, ở nhiều ngành tỷ lệ chất thải có khả năng tái chế đạt hơn 80%. Mỗi năm sẽ tiết kiệm được 54 tỷ đồng nếu mỗi cơ sở sản xuất của 6 ngành công nghiệp tái chế 50% lượng chất thải của cơ sở mình.
Những tiềm năng khác về các lĩnh vực khác như phòng ngừa kiểm soát ô nhiễm, dịch vụ hỗ trợ kĩ thuật, tư vấn chuyển giao công nghệ; sản xuất thiết bị, vật tư, nguyên liệu và sản phẩm thân thiện môi trường cũng là rất lớn. Nhiều kỹ năng và kinh nghiệm quản lý tiên tiến được chuyển giao cho các cơ quan, các trung tâm nghiên cứu, cũng như các bộ, ngành và địa phương với sự hỗ trợ của các chương trình, dự án ODA về công nghệ cao, tiên tiến trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu, công nghệ xây dựng...
Tuy nhiên, hiện nay năng lực các đơn vị cung cấp dịch vụ môi trường ở Việt Nam còn hạn chế, kinh nghiệm, tính chuyên môn hóa và chuyên nghiệp còn thấp. Chưa có các chính sách ưu đãi về đầu tư, hỗ trợ thuế, lãi suất. Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh bằng vốn tự có, chưa có sự bảo lãnh của các cơ quan tài chính ngân hàng.
Để phát triển ngành công nghiệp này, Việt Nam cần sớm xây dựng một hệ thống các cơ chế chính sách phù hợp nhằm tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp, người dân đầu tư nhiều hơn nữa vào lĩnh vực xử lý môi trường; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước, trong nước và quốc tế trong việc tham gia các dự án đấu thầu cung cấp công nghệ và thiết bị xử lý môi trường. Nhà nước cần đảm bảo cơ chế thu phí môi trường và thanh toán lại cho nhà đầu tư, điều này sẽ góp phần thu hút đáng kể lượng vốn đầu tư tư nhân (mà không cần phải dựa vào nguồn vốn vay ODA) vào lĩnh vực công nghệ và thiết bị xử lý môi trường.
(xem toàn văn báo cáo tại đây)