Các đại biểu thực hiện nghi thức động thổ, khởi công xây dựng Nhà máy điện Mặt Trời Sông Lũy 1. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)
Ngày 23/9, Công ty cổ phần Đầu tư Quang điện Bình Thuận đã tổ chức lễ khởi công dự án Nhà máy điện Mặt Trời Sông Lũy 1 tại xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.
Dự kiến khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ cung cấp lượng điện năng sản xuất trong năm khoảng 80 triệu kWh.
Phát triển nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng Mặt Trời là một trong những chủ trương lớn của Chính phủ, nhằm phát triển bền vững.
Với tiềm năng, lợi thế là một trong những nơi có cường độ bức xạ nắng tốt nhất trong cả nước, Bình Thuận có ưu thế phát triển điện Mặt Trời, nhất là tại huyện Bắc Bình và Tuy Phong.
Các dự án điện Mặt Trời đã mở ra giai đoạn mới trong phát triển năng lượng sạch, công nghệ cao, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cho địa phương, góp phần bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu, giảm thải hiệu ứng phát thải khí nhà kính và phát triển bền vững.
Dự án Nhà máy điện Mặt Trời Sông Lũy 1 được Bộ Công Thương phê duyệt có công suất 39 MW, xây dựng trên diện tích 45 ha tại xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình, với tổng mức đầu tư 998 tỷ đồng.
[Infographics] Tiềm năng phát triển điện Mặt Trời tại Bình Thuận
Dự án lắp đặt khoảng 130.000 tấm pin điện Mặt Trời, áp dụng công nghệ hiện đại Mono Perc với hiệu suất tế bào quang điện lên tới 21,3% (mức quy định là 16%) giúp giảm diện tích sử dụng đất.
Cùng với đó, dự án cũng xây dựng mới 1 trạm biến áp tăng áp 22/110kV, 1 trạm điện 110kV Sông Lũy và 66m đường dây 110kV tới điểm đấu nối vào hệ thống điện quốc gia.
Dự kiến, nhà máy sẽ được vận hành trong tháng 4/2019. Khi vận hành, nhà máy đặt mục tiêu đạt tổng sản lượng điện năng sản xuất trong năm khoảng 80 triệu kWh.
Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận cho biết dự án nhà máy điện Mặt Trời Sông Lũy 1 là một trong những dự án được tỉnh quan tâm. Đây cũng là cột mốc quan trọng trong chương trình phát triển năng lượng mới của tỉnh.
Nhà máy điện Mặt Trời đi vào hoạt động sẽ là tiền đề để phát triển nhiều nhà máy điện Mặt Trời trong toàn tỉnh. Sản lượng điện sạch trên khi hòa vào mạng lưới điện quốc gia sẽ góp phần tăng thêm công suất cho lưới điện quốc gia.
Theo ông Trần Thế Thành, Chủ tịch Công ty cổ phần đầu tư Quang điện Bình Thuận, nhà đầu tư đã lựa chọn các đối tác hàng đầu trên thế giới trong ngành năng lượng Mặt Trời để tham gia thiết kế, cung cấp thiết bị, thi công lắp đặt và vận hành nhà máy.
Ông Trần Thế Thành cho hay bên cạnh việc đẩy mạnh khai thác tiềm năng tự nhiên của tỉnh, dự án sẽ thúc đẩy kinh tế-xã hội vùng, khi ưu tiên nguồn nhân lực địa phương và hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng khu vực.
Bình Thuận nằm trong khu vực nhiệt đới gần xích đạo với khí hậu và độ ẩm gió mùa đặc trưng, nắng nhiều và bức xạ kéo dài. Đây là nơi có tổng số giờ nắng cả năm lên đến 2.728 giờ. Lượng bức xạ tổng cộng thực tế hằng năm là 1.961 kWh/m2 và của trung bình ngày khoảng 5,35kWh/m2.
Ngoài ra, khí hậu ở đây rất thuận lợi do ít chịu ảnh hưởng của gió bão, là điều kiện khá lý tưởng cho việc xây dựng các nhà máy điện năng lượng Mặt Trời./.
Theo Vietnam+