Thông tin từ Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT), Bộ vừa phê duyệt kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật về tài nguyên và môi trường (TN&MT) và theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực TN&MT năm 2016.
Theo đó, các đơn vị phải thực hiện nhiệm vụ: Thu thập xử lý thông tin về tình hình thi hành pháp luật về TN&MT; tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực TN&MT; kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về TN&MT, thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực TN&MT tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trọng tâm là các lĩnh vực: Đất đai, môi trường, địa chất và khoáng sản, tài nguyên nước; điều tra, khảo sát thực tế tình hình thi hành pháp luật về TN&MT trên địa bàn thông qua phiếu khảo sát và khảo sát thực địa đối với một số tổ chức, cá nhân để tìm hiểu việc thực hiện pháp luật về TN&MT; Xây dựng báo cáo tình hình thi hành pháp luật về TN&MT năm 2016; báo cáo tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực TN&MT trong năm 2016.
Đầu tư gần 90 tỉ đồng xây dựng khu xử lý chất thải rắn y tế
Thanh Niên cho viết chiều 11/1, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên và Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Lê Quang Thích ký văn bản thỏa thuận tài trợ đầu tư xây dựng dự án khu xử lý chất thải rắn tế tập trung. Đây là dự án do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, được Bộ Y tế triển khai thí điểm đầu tiên tại Quảng Ngãi.
Diện tích khu xử lý là 8.000 m2 tại bãi chôn lấp rác Nghĩa Kỳ (xã Nghĩa Kỳ H.Tư Nghĩa), với tổng mức đầu tư gần 90 tỉ đồng, trong đó WB tài trợ hơn 62 tỉ đồng, còn lại là vốn đối ứng của tỉnh Quảng Ngãi. Quy mô dự án sẽ xử lý khoảng 800 kg/ngày đêm chất thải y tế nguy hại theo công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường.
Năm 2016, Hà Nội di dời các cơ sở ô nhiễm, bệnh viện khỏi nội thành
Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại buổi làm việc với Sở Quy hoạch Kiến trúc về công tác năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016 sáng 11/1. Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo năm 2016 cần triển khai thực hiện có hiệu quả việc di dời các cơ sở công nghiệp gây gây ô nhiễm, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong khu vực nội thành – theo BizLIVE.
Chủ tịch TP. Hà Nội cũng yêu cầu Sở Quy hoạch - kiến trúc tiếp tục hoàn thiện các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch chi tiết, quy hoạch chuyên ngành, mạng lưới, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc còn lại, phấn đấu đạt mục tiêu đến hết năm 2016 hoàn thành nhiệm vụ phủ kín 100% quy hoạch được duyệt trên toàn địa bàn thành phố.
Công bố 4 sản phẩm đũa tre ô nhiễm chất tẩy trắng công nghiệp
Ngày 11/1, Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế đã nhận được thông tin liên quan đến 4 lô đũa sử dụng một lần từ VN xuất khẩu sang Đài Loan, không đạt tiêu chuẩn. Cụ thể: 3 sản phẩm không đạt yêu cầu về chất hydrogen peroxide (dương tính) gồm: sản phẩm đũa tre (hạn sử dụng 30/9/2016) của Công ty hữu hạn quốc tế (Wei Ting); Đũa vệ sinh (hạn sử dụng 31/12/2018) của Công ty hữu hạn Tương Thái; Đũa tre sạch thiên nhiên (hạn sử dụng 31/12/2017) của Công ty hữu hạn cổ phần thương mại Mã Nhi Tư (Ma Er Si) và một mẫu đũa có bao bì dùng một lần (hạn sử dụng 31/12/2019) của Công ty hữu hạn thực nghiệm đồ tre trúc Quảng Minh (GuangMing) có chất không đạt yêu cầu là biphenyl. Đây là các chất dùng trong công nghiệp.
10 mẫu đũa dùng một lần được lấy mẫu trên thị trường tại Hà Nội, kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia hôm 10.1, đều cho kết quả âm tính với chất tẩy trắng công nghiệp. Trước đó, trong năm 2013, chương trình giám sát các mối nguy ô nhiễm thực phẩm, viện này cũng đã lấy 20 mẫu đũa tre và 5 mẫu tăm tre xét nghiệm, đều không phát hiện các chất tẩy trắng công nghiệp – theo Thanh Niên.
Giám đốc Cơ quan Môi trường Anh từ chức vì thiếu trách nhiệm
TTXVN đưa tin ngày 11/1, Giám đốc Cơ quan Môi trường Anh Philip Dilley (Phi-líp Đin-lây) buộc phải tuyên bố từ chức trước những chỉ trích gay gắt của dư luận rằng ông đã sao nhãng trách nhiệm và không tích cực đốc thúc việc khắc phục hậu quả của trận lũ lụt vừa qua. Người Anh đã không hài lòng khi ông Dilley đi nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới ở Barbados trong bối cảnh lũ lụt còn đang hoành hành tại nhiều vùng ở England (Inh-lần) và Scotland (Xcốt-len) do mưa lớn kéo dài khiến hàng trăm người phải đi sơ tán.
Vào lúc cao điểm của trận lụt khi hàng nghìn hộ gia đình bị mất điện, giao thông bị đình trệ, Cơ quan Môi trường Anh ra thông báo cho biết ông Dilley vẫn ở trong nước và sát sao chỉ đạo việc phòng chống thiên tai. Tuy nhiên, sau đó báo chí đưa tin ông Dilley - người nhận lương 100.000 bảng/năm, vẫn đang đi nghỉ ở Barbados. Trong tuyên bố từ chức, ông Dilley cũng thừa nhận trách nhiệm của mình. Bà Emma Howard Boyd (Em-ma Hô-uốt Boi) - Phó Giám đốc Cơ quan Môi trường Anh, được chỉ định tạm thời thay thế ông Dilley.
Hải quan Mỹ sắp chính thức áp dụng Hệ thống Môi trường thương mại tự động
Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) đang tập trung hoàn thiện các ứng dụng lõi trong Hệ thống Môi trường thương mại tự động (ACE) để đến cuối năm 2016 sẽ chính thức đưa hệ thống này đi vào hoạt động một cách toàn diện. Hệ thống ACE được xử lý hoàn toàn tự động, kỳ vọng sẽ giúp tăng cường sự tương tác giữa các đối tác thương mại quốc tế, CBP, và các cơ quan Chính phủ (PGA) trong quy trình thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu hàng hóa, giúp gia tăng hiệu quả, cắt giảm chi phí đáng kể so với việc tương tác qua môi trường giấy tờ - theo Báo Hải Quan.
Để hoàn thiện toàn diện ACE vào cuối năm 2016, CBP đã đưa ra lộ trình thực hiện cụ thể: Từ 1-5-2015, áp dụng ACE đối với tất cả các hồ sơ kê khai điện tử. Theo đó, tất cả các phương tiện vận tải phải kê khai hàng hóa xuất nhập khẩu điện tử; Từ 1-11-2015, áp dụng ACE đối với tất cả các dữ liệu điện tử đầu vào và dữ liệu điện tử lược khai có liên quan. Theo đó, ACE xử lý tất cả dữ liệu liên quan đến thông quan hàng hóa nhập khẩu của tất cả các cơ quan khác có liên quan; Từ 1-10-2016, bắt buộc áp dụng ACE đối với tất cả các phần còn lại của quy trình thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu theo thẩm quyền xử lý của CBP.
Thị trấn không bỏ phí rác thải
Người dân thị trấn Kamikatsu (Nhật Bản) bấy lâu nay vẫn giữ thói quen tự giác đưa mọi đồ phế liệu đi tái chế theo một trình tự nhất định. Kamikatsu không có xe chở rác nên người dân phải tự ủ rác ở nhà. Họ cũng phải rửa và tự phân loại rác ra làm 34 nhóm khác nhau, rồi mang đến trung tâm tái chế đổ vào đúng thùng, đúng loại quy định. Phải mất một khoảng thời gian khá dài để người dân có thể làm quen với quy định này, nhưng bây giờ việc này đã trở thành thói quen của cả cộng đồng người dân nơi đây.
Với dân số hơn 1.700 người, Kamikatsu tái chế khoảng 80% rác thải, chỉ có 20% được tập kết ra bãi rác. Trong suốt 13 năm, thị trấn này đã thận trọng quản lý rác thải và đang đưa ra tuyên bố đầy tham vọng: Trở thành cộng đồng đầu tiên không có rác ở Nhật vào 2020 – theo Đại Đoàn Kết.
Mai Anh (TH)
Theo moitruong