.Nhiều công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi được giới thiệu tại hội thảo "Đánh giá công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi quy mô trang trại” do Cục Chăn nuôi vừa tổ chức tại TPHCM.
Theo báo cáo của dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (LCASP), cả nước hiện nay có khoảng 12 triệu hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi và 23.500 trang trại chăn nuôi tập trung. Trong đó, phổ biến ở nước ta là chăn nuôi lợn (khoảng 4 triệu hộ) và gia cầm (gần 8 triệu hộ), với tổng đàn khoảng 362 triệu con gia cầm, 29 triệu con lợn và 8 triệu con gia súc. Mỗi năm khối lượng nguồn thải từ chăn nuôi ra môi trường rất khổng lồ, khoảng 84,5 triệu tấn/năm, trong đó chỉ khoảng 20% được sử dụng hiệu quả (làm khí sinh học, ủ phân, nuôi trùn, cho cá ăn…), còn lại 80% bị lãng phí và phần lớn thải bỏ ra môi trường gây ô nhiễm.
Công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi ở nước ta hiện nay bao gồm xử lý chất thải rắn, chất thải lỏng và chất thải khí. Đối với chất thải rắn từ chăn nuôi thì phương pháp ủ phân và công nghệ khí sinh học là 2 phương pháp phổ biến nhất.
Công trình khí sinh học là quá trình phân hủy yếm khí diễn ra trong các ngăn kín do con người tạo ra bằng các vật liệu và phương pháp khác nhau như: Xây bằng gạch và xi măng; composite, màng HDPE, túi ni lông. Chất thải lỏng gồm nước tiểu, nước rửa chuồng, tắm rửa gia súc, vệ sinh lò mổ, các dụng cụ. Đối với chất thải khí, chăn nuôi phát thải nhiều loại khí thải (CO2, NH3, CH4, H2S...) thuộc các loại khí gây hiệu ứng nhà kính chính do hoạt động hô hấp, tiêu hóa của vật nuôi, do ủ phân, chế biến thức ăn ước khoảng vài trăm triệu tấn/năm.
Hiện nay, công nghệ đệm lót sinh học và ứng dụng vi sinh trong thức ăn đã góp phần tích cực trong việc giảm thiểu ô nhiễm khí trong chăn nuôi. Với công nghệ này còn giúp tiết kiệm được tới 80% nước sử dụng, tiết kiệm sức lao động, thức ăn, giảm bệnh tật, chi phí thuốc thú y thấp, con vật sống thoải mái, được vận động tự do, chất lượng thịt cao.
Để tạo thuận lợi cho việc xử lý chất thải trong chăn nuôi, trong vài năm gần đây, hệ thống tách chất thải rắn và nước thải đã được các trang trại chăn nuôi ứng dụng. Chức năng chủ yếu của các máy này là tách chất thải rắn từ hỗn hợp chất thải chăn nuôi, đặc biệt là chất thải chăn nuôi lợn.
Nhờ đó, việc xử lý riêng biệt chất thải rắn và chất thải lỏng sẽ hiệu quả và nhanh chóng hơn. Ngoài ra, giun đất được sử dụng trong công nghệ xử lý môi trường chăn nuôi là giun đỏ (Lumbricus rubellus), giun quế (Perionyx excavatus), giun hổ (Eisenia fetida), giun hổ đỏ (E. andrei). Hai loại giun được sử dụng phổ biến ở nước ta là giun đỏ và giun quế.
Nguyễn Văn Bắc
Theo Nông nghiệp VN