Logo
phone
Hotline: 02437327155
Công nghệ lò đốt rác thải đã lỗi thời?
  03/08/2015
icon-zalo

 

Với nhiệm vụ là xử lý rác thải, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường nhưng thực tế hiện nay ở nhiều nơi, những lò đốt rác thải sinh hoạt cỡ nhỏ đang là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, phát thải nhà kính, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật. Phóng viên Báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Yên, Phó Cục trưởng Cục quản lý Chất thải và Cải thiện môi trường (Tổng cục Môi trường) về vấn đề sử dụng lò đốt chất thải hiện nay.

 

* Ông đánh giá như thế nào về thực trạng sử dụng các lò đốt chất thải sinh hoạt cỡ nhỏ tại các địa phương hiện nay?

 

Theo báo cáo không đầy đủ của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hiện nay trên cả nước có khoảng 50 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, đa số là lò đốt cỡ nhỏ (dưới 500kg/h), trong đó khoảng 2/3 lò đốt được sản xuất, lắp ráp trong nước. trong đó 2/3 lò đốt sử dụng công nghệ trong nước. Tuy nhiên, các thông tin chi tiết về số lượng, các tính năng kỹ thuật của lò đốt chất thải thì chưa được thống kê đầy đủ.

 

Hiện nay tại Việt Nam đang có xu hướng đầu tư đại trà lò đốt chất thải sinh hoạt ở tuyến huyện, xã. Do vậy, đang có tình trạng mỗi huyện, mỗi xã đã tự đầu tư lò đốt với công suất nhỏ để xử lý chất thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn. Về mặt thực tế, đây cũng là một giải pháp tình thế, góp phần nhanh chóng giải quyết vấn đề chất thải sinh hoạt trên địa bàn, đặc biệt đối với khu vực nông thôn. Tuy nhiên, về quan điểm khoa học, cách làm như vậy chưa phù hợp, cần xem xét lại do các lò đốt này đều có công suất nhỏ, việc xử lý chất thải phân tán, khó kiểm soát việc phát thải ô nhiễm thứ cấp vào môi trường không khí.

 

Xu hướng trên thế giới bắt đầu coi lò đốt là công nghệ đã lỗi thời, nhiều nước không khuyến khích, thậm chí cấm sử dụng lò đốt, đặc biệt lò đốt quy mô nhỏ. Các chuyên gia Nhật có chia sẻ, nước này cách đây nhiều năm cũng đã lắp hàng nghìn lò đốt chất thải sinh hoạt cỡ nhỏ, nhiều lò nằm trong hoặc gần khu dân cư và sau đó họ đã mất rất nhiều năm để giải quyết hậu quả của việc đầu tư tràn lan này.

 

Ảnh bãi rác ở Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) được đầu tư lò đốt rác nhưng vẫn ngập rác, lò rác thải ra khói mù mịt. Ảnh: Nguyễn Tiến.

* Vừa qua Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tổ chức đi khảo sát, đánh giá các lò đốt chất thải hiện nay, kết quả bước đầu ra sao, thưa ông?

 

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ TN&MT đang tiến hành khảo sát việc sử dụng lò đốt chất thải ở một số địa phương. Hiện nay, chưa có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) đối với lò đốt chất thải rắn sinh hoạt nhưng nếu so với QCVN 30:2012/BTNMT về lò đốt chất thải công nghiệp và dự thảo QCVN về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt mà Bộ TN&MT đang xây dựng thì nhiều lò đốt được khảo sát có nhiều yếu tố chưa đảm bảo. Trên cơ sở kết quả khảo sát cho thấy, một số lò đốt chất thải sinh hoạt đang hoạt động chưa đáp ứng về mặt kỹ thuật cũng như về xử lý khí thải, một số lò đốt không có hệ thống xử lý khí thải và trên ống khói không có điểm lấy mẫu khí thải. Khi đoàn khảo sát yêu cầu lấy mẫu thì họ mất mấy ngày để đục cửa lấy mẫu. Nhiều lò đầu tư ở cấp xã, huyện thì họ làm giải quyết tình thế, không có quan trắc, thậm chí không có thiết kế, hồ sơ giấy tờ.

 

* Theo ông đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên?

 

Trước đây, tại Việt Nam không có nhiều lựa chọn về công nghệ xử lý chất thải nên dễ dàng tiếp nhận các công nghệ được giới thiệu. Bên cạnh đó, xu hướng quốc tế chuyển sang công nghệ không đốt dẫn đến việc các nhà sản xuất nước ngoài tìm cách chuyển công nghệ đốt sang Việt Nam. Về mặt kỹ thuật, trong thời gian qua chưa có quy chuẩn kỹ thuật đối với lò đốt chất thải sinh hoạt thì sẽ khó có thể kiểm soát được việc đầu tư lò đốt, đặc biệt các lò đốt không bảo đảm yêu cầu.

 

Bên cạnh đó, nước ta kinh tế còn nhiều khó khăn, để đầu tư, vận hành lò đốt đáp ứng đầy đủ các yêu cầu như có hệ thống xử lý khí thải và nhiệt độ cao cũng không hề đơn giản. Chưa kể việc các quy định trước đây phân công không rõ ràng trong việc quản lý chất thải, đặc biệt chất thải sinh hoạt, dẫn đến chồng chéo chức năng nhiệm vụ các Bộ, ngành.

 

* Để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần làm những gì, thưa ông?

 

Sự ra đời của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Nghị định số 38/2015/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn là những căn cứ pháp lý quan trọng để quản lý theo định hướng mới. Đặc biệt, công cụ xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt là một bước tiến quan trọng, góp phần giải quyết ngay từ đầu, bảo đảm ngăn chặn các lò đốt hoặc công nghệ xử lý không bảo đảm hoặc đầu tư theo cách không phù hợp trước khi hoạt động.

 

Bộ TN&MT cũng đang xây dựng ban hành QCVN về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt. Đây là những căn cứ kỹ thuật quan trọng mang tính sàng lọc cho việc sản xuất, lựa chọn sử dụng và thẩm định lò đốt ngay từ giai đoạn.

 

Hiện nay đã có nhiều lựa chọn tiên tiến cho xử lý chất thải sinh hoạt.Ví dụ như đồng xử lý trong lò nung xi măng rất hiệu quả do lò xi măng sẵn có nhiều ở Việt Nam nên không mất tiền đầu tư, mà lò xi măng hiện đại có nhiệt độ cao, công suất lớn, có hệ thống xử lý khí thải và yêu cầu bảo vệ môi trường tiên tiến, không phát sinh tro xỉ. Một số nước đang đi theo hướng công nghệ chuyển hoá chất thải thành nhiên liệu như than, dầu, khí đốt hoặc ninh áp suất cao để chuyển hoá chất thải thành các vật chất hữu cơ đồng nhất làm phân bón mà không cần phân loại…Việt Nam có thể xem xét áp dụng.

 

* Trân trọng cảm ơn ông! (Thu Trang - thực hiện)

 

Nguồn baotintuc

 

Đối tác
bô kế hoạch
bộ tài chính
bộ khcn
bộ y tế
bộ nông nghiệp
bộ gtvt
bo xd
bo cong thuong
bộ tnmt