Kết quả các nghiên cứu vừa công bố cho thấy con người là thủ phạm gây lãng phí tới 30% lượng dự trữ nước ngầm lớn của thế giới, kéo theo nguy cơ khan hiếm của nguồn tài nguyên đáng giá này.
Một nhóm nhà khoa học thuộc Đại học California Irvine đã tiến hành hai công trình nghiên cứu nhằm đo đạc lượng dự trữ và tần suất sử dụng của hệ thống nước ngầm trên thế giới. Theo các nhà khoa học, phần lớn dân số trên thế giới đang tận dụng nguồn nước ngầm sẵn có mà không ý thức được rằng nguồn tài nguyên này đang bị khai thác quá tải và đứng trước nguy cơ cạn kiệt.
Tiến hành nghiên cứu trên, các nhà khoa học đã sử dụng các dữ liệu từ những vệ tinh đặc biệt của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) nhằm đo đạc lượng nước ngầm đã sử dụng trong 10 năm (từ năm 2003).
Kết quả nghiên cứu thứ nhất cho thấy trong 37 tầng ngậm nước lớn nhất Trái Đất, tám nguồn nước bị đánh giá là hoạt động quá công suất và hầu hết không hề có lượng nước tự nhiên bù đắp. Ngoài ra, năm tầng ngậm nước khác cũng đang bị khai thác quá tải nghiêm trọng. Theo các nhà khoa học, những mạch nước ngầm này chủ yếu tập trung tại những nơi khô hạn nhất và hầu như không có lượng nước bù đắp.
Kết quả nghiên cứu thứ nhất còn liệt kê danh sách những tầng ngậm nước quá tải nhất, trong đó đứng đầu là là hệ thống tầng ngậm nước Arab với hơn 60 triệu người sử dụng, tiếp đó là hệ thống tầng ngậm nước lưu vực sông Ấn nằm ở Tây Bắc Ấn Độ và Pakistan và tầng ngậm nước lưu vực Murzuk-Djado ở phía Bắc châu Phi.
Trong khi đó, hệ thống tầng ngậm nước Central Valley ở bang California, Mỹ đang phải đối mặt với tình trạng quá tải nghiêm trọng. Theo người đứng đầu nhóm nghiên cứu Alexandra Richey, biến đổi khí hậu và tốc độ tăng dân số là hai yếu tố khiến tình trạng này thêm tồi tệ.
Trong công trình nghiên cứu thứ hai, nhóm khoa học đã đi đến kết luận rằng lượng nước ngầm dự trữ có thể dùng được rất khan hiếm và ước đoán trữ lượng nguồn tài nguyên này có thể thay đổi trong nhiều thập kỷ, thậm chí trong cả thiên niên kỷ./.
Nguồn VN+